Tại phiên xét xử vụ “bầu” Kiên sáng 20/5, TAND TP Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Trần Xuân Giá.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời thẩm vấn của HĐXX ngày 20/5 |
Ông Giá xin ngồi xe lăn hầu tòa
Đúng như dự kiến, sáng qua, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (còn gọi “bầu” Kiên, SN 1964, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình) cùng đồng phạm, về 4 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Xuân Giá tiếp tục vắng mặt. Thẩm phán - chủ tọa Nguyễn Hữu Chính công bố các tài liệu liên quan đến sức khỏe của ông Trần Xuân Giá. Theo đó, các bác sỹ Quân y viện 108 kết luận ông Giá ung thư đại tràng, cùng nhiều bệnh nặng khác, sức khỏe rất yếu.
Chủ tọa cũng công bố đơn ông Giá gửi HĐXX, xin phép đến tòa vào tuần sau, trên xe lăn, và bỏ qua các phần thủ tục như kiểm tra căn cước... để đảm bảo tiến độ xét xử.
Được hỏi ý kiến, các công tố viên cho rằng ông Giá đã có các lời khai trong quá trình điều tra, nên việc ông này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá để xử lý sau. Luật sư Lưu Tiến Dũng (bào chữa cho ông Giá) cũng đồng ý với quan điểm này.
Một số luật sư đề xuất trả hồ sơ riêng phần bị cáo Trần Xuân Giá, chứ không phải tạm đình chỉ vụ án đối với ông này. Số khác lại cho rằng, HĐXX cần hoãn tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, với các tình tiết mới tại tòa. Đơn cử, đại diện Ngân hàng ACB cho rằng mình không có thiệt hại, không phải là “nguyên đơn dân sự” trong vụ án...
Do nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc, nhất là tình huống vắng mặt của ông Trần Xuân Giá, HĐXX quyết định hội ý. Sau khi tham khảo ý kiến các thành viên trong HĐXX, Tòa cho rằng, ông Giá đã và đang mắc bệnh hiểm nghèo, không thể có mặt tại phiên xử, do vậy, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông này, khi nào lý do tạm đình chỉ không còn, sẽ khôi phục vụ án.
Ngoài ra, HĐXX chấp thuận một số đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, như việc cho phép tiếp cận các văn bản pháp luật do luật sư cung cấp.
Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 20/5
Cách ly “bầu” Kiên để thẩm vấn các bị cáo
Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa. Căn cứ vào Quyết định tạm đình chỉ của TAND TP Hà Nội, VKS quyết định rút phần truy tố đối với bị can Trần Xuân Giá để truy tố sau.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về các tội “Kinh doanh trái phép”; “Cố ý làm trái...”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Trong vụ này, các cựu lãnh đạo cao cấp của ACB bị truy tố về tội cố ý làm trái, gồm: Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn. Ngoài ra, hai bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Cty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khi được HĐXX cho phép trình bày ý kiến về bản cáo trạng, tất cả các bị cáo đều đồng loạt cho rằng bản cáo trạng truy tố không chính xác, không đúng pháp luật. Sau đó, tòa cho cách ly 2 bị cáo Nguyễn Đức Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến để thẩm vấn các bị cáo khác.
Bị thẩm vấn đầu tiên, Trần Ngọc Thanh cho biết về làm Giám đốc Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) từ tháng 3/2008. Thanh cho rằng, mang danh giám đốc Cty, nhưng toàn bộ hoạt động tài chính đều do Chủ tịch Kiên trực tiếp chỉ đạo, Kế toán trưởng hoàn thành giấy tờ. Thanh chỉ có nhiệm vụ ký.
Theo bị cáo Thanh, việc phân công trách nhiệm ở Cty chưa rõ ràng, trách nhiệm cao nhất là Nguyễn Đức Kiên. Đối với hoạt động của HĐQT của Cty, Thanh nói: “Theo điều lệ thì quyết định theo đa số, nhưng ở Cty nhỏ như ACBI thì Chủ tịch HĐQT quyết định hết”.
Cũng theo bị cáo Thanh, chính bầu Kiên chỉ đạo Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống Biên bản họp HĐQT, lập khống quyết định của HĐQT về chủ trương Cty ACBI bán 20 triệu cổ phần của Cty Cổ phần Thép Hòa Phát, trị giá 264 tỷ đồng cho Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát.
Điều đáng lưu ý là 20 triệu cổ phần này nằm trong số hơn 22 triệu cổ phần đã được thế chấp cho Ngân hàng ACB. Sau khi Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát thanh toán 264 tỷ đồng về cho Cty ACBI, bầu Kiên đã chiếm đoạt.
Bị cáo Thanh khai chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra thì mới biết vướng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Cái sai của bị cáo là do quá tin tưởng, chủ quan, khi ký hợp đồng không kiểm tra các thủ tục đã hoàn thành chưa”- Thanh nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cũng thừa nhận là người soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và biên bản họp HĐQT. “Việc soạn thảo văn bản do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo” - Yến khai tại tòa. Bị cáo Yến cũng khẳng định, bầu Kiên là người quyết định mọi vấn đề của Cty ACBI.
Đến 17h30, Chủ tọa tuyên bố kết thúc ngày xét xử đầu tiên. Sáng nay 21/5, tòa tiếp tục làm việc.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?