Việc phạt xe không chính chủ lúc này là không khả thi do nhiều nguyên nhân, kể cả nguyên nhân mức phí trước bạ cao khiến người mua ngại sang tên đổi chủ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: "Phạt xe không chính chủ lúc này khó khả thi" |
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam khi trao đổi với PV về việc xử phạt đối với ô tô, xe máy vì không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71.
- Đón nhận thông tin về Nghị định 71, rất nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi cũng như mức phạt cao ngất ngưởng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định này chỉ làm khó thêm cho người dân, trong hoàn cảnh họ đã phải chịu đủ các loại, thuế, phí khi mua xe. Quan điểm của ông thế nào?
- Trong khi tham gia sửa đổi nghị định 34 để ban hành Nghị định 71, Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cũng đóng góp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức phạt để phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam. Ở các nước khác, khi thu nhập của họ cao thì mức phạt cũng cao. Còn ở Việt Nam, thu nhập còn thấp, việc đề ra mức phạt sao cho hợp lý để người ta cho thể chấp hành.
Biết rằng một số hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ thì cần tăng mức phạt để đảm bảo tính răn đe. Nhưng anh em lái xe, với hành vi chưa sang tên đổi chủ thì không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nếu mức phạt còn hơn cả tiền lương/tháng của lái xe thì họ xẽ tìm cách xoay xở. Cái này có 2 mặt, tăng tính răn đe là tốt, nhưng mức phạt cao quá họ sẽ phải tính toán để có thêm thu nhập. Do vậy, chúng tôi đề nghị, mức phạt phải căn cứ trên thu nhập của dân chúng để đảm bảo hiệu quả thực thi của luật.
- Ông có lo ngại tình trạng “chung chi” cho cảnh sát giao thông gia tăng? Chẳng hạn như trước kia, với mức phạt 100 - 200 nghìn đồng, người dân sẵn sàng đưa hối lộ cảnh sát giao thông một nửa số tiền đó. Nay phạt tới 10 triệu đồng, đương nhiên con số đó cũng phải tăng lên?
- Thật ra việc “chung chi” đã có từ lâu chứ không phải không có. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông cũng tìm cách xử lý vấn đề này, nhưng việc “chung chi” vẫn tồn tại. Thông thường, mức phạt càng cao thì số tiền “chung chi” cũng càng lớn. Điều đó là một thực tế.
Nay mức phạt tăng lên thì dù công an có làm tích cực hơn nữa thì tình trạng “chung chi” chắc là không hết được. Và rõ ràng mức phạt cao hơn thì mức “chung chi” cũng phải tăng lên. Còn tăng lên hay giảm đi là tùy giải pháp của ngành công an quyết định.
- Ông có cho rằng, sở dĩ có một lượng lớn xe không chính chủ hiện nay là do thủ tục hành chính quá rườm rà, cũng như mức phí trước bạ quá cao?
- Đối với ô-tô, việc phạt không chính chủ lúc này là không khả thi vì khi tôi mua chiếc xe đã phải nộp phí trước bạ 20% rồi, đến khi bán lại cho người khác ở Hà Nội lại mất 12% nữa, nếu qua vài lần chuyển nhượng, giá trị số tiền phải nộp có khi ngang bằng chiếc xe. Do mức phí trước bạ cao đến mức không thể chấp nhận được nên người ta không muốn sang tên.
Do lịch sử để lại, rất nhiều xe máy không chính chủ
Theo tôi, phí trước bạ phải ở mức người dân chấp nhận được khi sang tên quyền sở hữu. Nếu Nhà nước giảm mức phí trước bạ, có thể việc sang tên đổi chủ sẽ được tiến hành một cách đầy đủ hơn. Theo tôi, nếu giảm phí trước bạ, chỉ trong vòng 6 tháng, họ sẽ chuyển đổi chủ sở hữu sang chính chủ ngay.
Riêng tôi, tôi đồng tình việc mua xe phải sang tên chính chủ để xác định quyền sở hữu của người sử dụng. Ngoài ra cũng tạo thuận lợi choc ơ quan thực thi pháp luật xác định trách nhiệm của chủ phương tiện khi xảy ra tai nạn hoặc liên quan. Nhưng việc đưa vào phạt xe không chính chủ ngay thì có lẽ khó hiệu quả. Chúng ta cần làm rõ điều này, để khi người dân có điều kiện sang tên đổi chủ chính chủ, sau đó sẽ xử phạt những trường hợp không chấp hành.
Riêng ô-tô, họ có rất nhiều hình thức có thể không phải sang tên đổi chủ, nhưng cũng không thể xử phạt họ. Chẳng hạn, trong luật Dân sự có hợp đồng ủy quyền, nếu sang tên, tôi mất 12% phí, nhưng tôi làm hợp đồng ủy quyền có công chứng thì coi như tài sản đó hợp pháp và có thể lưu thông bình thường. Do vậy, muốn người dân không trốn tránh pháp luật thì chính sách cũng phải tạo thuận lợi cho người dân khi chấp hành pháp luật.
- Nhiều người cho rằng, Nghị định 71 đã tạo điều kiện cho CSGT can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không phải trách nhiệm quản lý của mình. Lẽ ra, việc xử phạt phải thuộc ngành thuế chứ không phải công an. Ông có nghĩ như vậy?
- Tôi đồng tình với quan điểm này vì Nghị định 71 là sửa đổi của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm giao thông. Xe không chính chủ, mua rồi chưa sang tên đổi chủ thực tế không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông cả, chỉ khi xảy ra tai nạn hoặc những vụ việc liên quan thì khó điều tra hơn thôi.
Còn không ai nói vì đi xe mượn mà mất an toàn. Do vậy, khi sửa đổi ban hành Nghị định 71 lại không đúng nội hàm của Nghị định 34 vì bản chất của Nghị định 34 là xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông. Tôi đi xe mượn hoặc xe không chính chủ thì làm sao lại nói không an toàn. Chỉ cần có bằng lái xe, có đăng kiểm đầy đủ là được. Do vậy, việc đưa vào Nghị định 71 quy định về xử phạt xe không chính chủ có vẻ không đúng chỗ và nên để cơ quan thuế xử phạt chứ không phải lực lượng cảnh sát giao thông.
- Nhiều ý kiến cho rằng, 40- 50% xe không chính chủ hiện nay là do yếu tố lịch sử để lại. Nếu các xe đăng ký từ ngày 1/1/2013 mà không chính chủ thì sẽ phạt theo Nghị định 71 vì lúc này nguời dân đã được tuyên truyền và nắm rõ qui định và luật. Còn các xe đã đang ký từ năm 2012 trở về trước, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho nhân dân sang tên đổi chủ với chi phí dịch vụ hợp lý chứ không phải cao như bây giờ. Ông có đồng tình với ý kiến này?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng xe chính chủ và không chính chủ có nhiều nguyên nhân. Đối với xe máy, trước đây Hà Nội quy định mỗi người chỉ được sở hữu một chiếc xe, do vậy có tình trạng nhờ người đứng tên đăng ký hộ. Cho nên đến nay việc tìm đúng chính chủ chiếc xe đó cũng khó.
Do lịch sử để lại, có khi người đứng tên chính chủ của chiếc xe có thể đi nước ngoài hoặc đã mất thì sao. Do vậy phải có cách tháo gỡ để người dân bớt khó khăn. Chẳng hạn, những trường hợp trước đây nhờ người đứng tên đăng ký hộ thì phải tháo gỡ.
Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, Nhà nước phải điều chỉnh mức phí trước bạ, về thủ tục hành chính. Thậm chí, với xe máy, qua nhiều chủ rồi, biết đâu chủ đầu tiên để sang tên. Do vậy, phải có biện pháp để tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Chẳng hạn, căn cứ hồ sơ gốc của công an quản lý và giấy tờ xe hiện tại nếu đúng thì sang tên cho người sở hữu cuối cùng, người đang sở hữu cũng phải cam đoan trách nhiệm của mình, cam kết mua lại hoàn toàn hợp pháp kèm theo giấy mua xe (kể cả giấy viết tay) thì tạo điều kiện cho họ sang tên, đổi chủ.
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?