Vụ TMV Cát Tường: Áp dụng phương pháp thôi miên để lấy lời khai liệu có khả thi?
Thứ ba, 27/05/2014 10:16

Ngày 14/4, TAND TP.Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án gây chấn động dư luận tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Hai thủ phạm trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường gây xôn xao

Hai thủ phạm trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường gây xôn xao

Sau hơn một tháng điều tra, mới đây cơ quan công an đã ra kết luận điều tra mới, theo đó cơ quan cảnh sát điều tra truy tố Nguyễn Mạnh Tường (nguyên Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hành vi: “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”. Bị can Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ) bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”. Phía gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn không đồng tình với nhiều nội dung trong kết luận điều tra mới này.

Bỏ lọt người, sót tội?

Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 14/4 vừa qua, bị cáo Tường khai, sau cuộc phẫu thuật dài khoảng 4 tiếng, chị Huyền có biểu hiện co giật nên đã tiêm cho chị Huyền một loại thuốc an thần, sau đó bị cáo đi lễ chùa. Khi Tường đang lễ chùa thì nhân viên báo tin chị Huyền lại co giật, sùi bọt mép.

Tường chỉ đạo tiêm thuốc trợ tim, thuốc chống dị ứng, truyền nước muối sinh lý, thở ôxy. Bị cáo gọi cho bác sĩ Thành đến hỗ trợ nhưng lúc này, các chỉ số tim mạch đã không đo được nữa. Tường tiếp tục làm một số thủ thuật, tiêm thuốc trợ cho chị Huyền.

Sau khi nạn nhân đã tử vong, khoảng 23h30 cùng ngày, Tường và một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ôtô, Khánh cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo sau. Đến cổng Bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người nên sợ không dám vào.

Khánh nói với Tường, không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ôtô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy chở Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) theo sau.

Các đối tượng đi đến đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) thì Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền lại vỉa hè rồi cùng Hằng lên ôtô. Hằng can ngăn Tường không được vứt xác chị Huyền nhưng Tường không nghe mà tiếp tục lái xe lên cầu Thanh Trì. Thấy không có người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền thả xuống sông Hồng rồi cả 3 cùng đi về nhà.

Trong phiên xét xử vào buổi sáng, nhận thấy vụ án còn một số vấn đề chuyên môn ngành y mà Tòa không thể giải quyết được mà cần phải có kết luận của các cơ quan giám định có chuyên môn. Mặt khác, Tòa nhận thấy có một số tình tiết trong hồ sơ vụ án chưa được làm rõ, nên quyết định trả hồ sơ về cho cơ quan công an điều tra lại từ đầu.

bac-sy-cat-tuong-271

Nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền

Gia đình nạn nhân không đồng tình

Phản ứng trước quyết định này, ông Lê Văn Viễn (cha của nạn nhân Huyền) thể hiện thái độ hoàn toàn không đồng tình. Ông Viễn lập luận, khi phiên tòa xét xử sơ thẩm đã xác định có “vấn đề” nên mới phải hoãn để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vấn đề là mâu thuẫn giữa những lời khai, chị Thư (y tá trong kíp mổ) đã khẳng định khi tiêm thuốc mê chị Huyền đã có những phản ứng bất lợi như sùi bọt mép nhưng Tường vẫn cho tiến hành phẫu thuật. Chu trình một ca phẫu thuật thường kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, nhưng ca phẫu thuật hôm đó chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ, Tường nhanh chóng bàn giao cho đội ngũ y tá rồi rút đi chùa Quán Sứ! Lời khai Tường vẫn khẳng định sau khi tiêm thuốc mê chị Huyền vẫn tỉnh táo là không đúng sự thực.

“Bác sĩ Tường vốn không có chuyên môn về gây mê và phẫu thuật thẩm mỹ thì có thể coi đó là làm bừa, bởi lợi nhuận của một ca phẫu thuật như vậy là rất lớn. Khi con gái tôi có biểu hiện sùi bọt mép thì đáng lẽ phải có biện pháp cấp cứu ngay nhưng đội ngũ y tá, bác sĩ không có chuyên môn, cơ sở vật chất ở đó rất sơ sài không đủ điều kiện cấp cứu. Vì vậy, theo tôi phải khởi tố Tường về tội “Giết người” là hoàn toàn phù hợp”, ông Viễn chia sẻ.

Ông Viễn cho rằng bản kết luận điều tra của cơ quan công an nêu Sở Y tế đã trả lời, quy trình và phương pháp làm của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về cơ bản là phù hợp với quy định của ngành y. Gia đình hoàn toàn không tán thành với kết kết luận điều tra bổ sung vì vẫn chưa làm rõ những lời khai của cô Thư. Giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu, khởi tố theo Điều 242 là có thể chưa đúng với bản chất của vụ án.

Đặc biệt, ông Viễn còn thắc mắc chi tiết đối tượng Khánh từng khai khi thực hiện hành vi ném xác chị Huyền qua lan can cầu. Do gió to đã lật áo chị Huyền lên, hắn có nhìn thấy 2 vết rạch ở bụng. Cơ quan điều tra cũng chưa làm sáng tỏ chi tiết này. Liệu đó có phải là di chứng của vết mỗ phẩu thuật hay là thủ thuật Tường dùng để phi tang xác nạn nhân. Gia đình sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị điều tra nghi vấn đó.

Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình cũng có đề nghị nhờ chuyên gia thôi miên để buộc Tường nói ra sự thật. Vì vụ án do Tường “đạo diễn”, hắn lại là người có học thức nên thừa có những kỹ năng để biết lấp liếm vụ việc. Cho rằng còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, ông Viễn bức xúc: “Nếu sắp tới vụ án được đưa ra xét xử, gia đình tôi sẽ tiếp tục tranh luận. Đặc biệt, tình tiết lời khai của chị Thư là rất quan trọng. Nếu hoãn tòa điều tra lại mà không có gì thay đổi thì hoãn làm gì?”.

Có dấu hiệu “Giết người”

Một số luật sư nhận định, bị can đã vi phạm quy định về khám chữa bệnh, tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trái quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ đó, chính bị can đã khiến nạn nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì sợ hành vi của mình bị phát hiện, bị can đã cố tình che giấu bằng cách không đưa nạn nhân đi cấp cứu mặc dù xét cả không gian và thời gian, cũng như trách nhiệm của người đã gây ra tình trạng nguy hiểm cho nạn nhân, bị can hoàn toàn có đủ điều kiện và nghĩa vụ phải làm việc này này.

Chính hành vi “không hành động” của bị can đã dẫn đến hậu quả là nạn nhân chết, mặc dù bị can không mong muốn điều đó. Vậy theo quy định của pháp luật, có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự của Tường về tội “Giết người” theo khoản 2, Điều 93 Bộ luật Hình sự với lỗi “cố ý gián tiếp”.

Trao đổi về ý kiến của gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong việc mời chuyên gia thôi miên để buộc bị can Tường nói ra sự thật, PV đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia trong lĩnh vực này. Chuyên gia thôi miên cho biết, việc gia đình nạn nhân Huyền có nguyện vọng mời chuyên gia thôi miên vào cuộc để “buộc bị can Tường nói ra sự thật” rất khó khả thi. Về nguyên lý thì một người chỉ có thể bị thôi miên khi bản thân người đó đồng ý và chấp thuận cho người khác thôi miên. Chính vì vây, nếu như về mặt lý trí bị can Tường không đồng thuận trong việc để cho thôi miên thì phương pháp này cũng không có tác dụng.

Tuy nhiên, phương pháp thôi miên có thể áp dụng đối với các nhân chứng để giúp họ nhớ lại những chi tiết mà trước đó họ vô tình lãng quên hoặc bỏ qua. Ví dụ như trong một vụ tai nạn, các nhân chứng vì một lý do nào đó như hoảng sợ, bất ngờ nên không kịp nhìn thấy hoặc có nhìn thấy nhưng không nhớ được biển số của chiếc xe gây tai nạn. Trong trường hợp này thì phương pháp thôi miên có thể tác động giúp nhân chứng đó nhớ lại được biển số xe. Áp dụng trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, nếu như coi bị can Khánh là một nhân chứng và áp dụng phương pháp thôi miên thì rất có thể sẽ có nhiều thông tin mới về vụ án được tìm ra.

Tiến Phong – Nguyễn Luật (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Vu tham my vien Cat Tuong , Xet xu bac si Tuong , Bao ve Khanh , Tham my vien phi tang xac chet , tim xac chi Huyen , tin , bao , xet xu vu cat tuong , nguyen manh tuong