Vụ dân mang quan tài diễu hành: Có sai phạm trong công tác giám định pháp y ban đầu?
Thứ ba, 19/03/2013 10:27

Đã có sự mâu thuẫn giữa kết luận mổ tử thi ban đầu và kết luận sau khi cơ quan giám định pháp y Trung ương giám định lại cái chết bất thường ở Vĩnh Phúc.

Cơ quan pháp ý Trung ương khám nghiệm lại tử thi

Cơ quan pháp ý Trung ương khám nghiệm lại tử thi

Ngay sau khi cơ quan giám định pháp y Trung ương tiến hành mổ tử thi Nguyễn Tuấn Anh và giám định lại (chiều 18/3). Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố kết luận: Nạn nhân bị 5 người đánh tử vong.

Dư luận đang đặt dấu hỏi về sự mâu thuẫn giữa kết luận mổ tử thi ban đầu và kết luận sau khi cơ quan giám định pháp ý Trung ương giám định lại. Phải chăng đây là sơ suất về nghiệp vụ dẫn đến giám định sai hay vì một nguyên nhân, áp lực nào đó mà cơ quan chức năng lại công bố cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh là do ngạt nước, bị ngã rơi xuống cống mà chết?

Luật giám định Tư pháp số 13/2012/QH13 đã quy định rất rõ những nguyên tắc làm việc của người khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính trung thực, chính xác, khách quan, vô tư và kịp thời. Người giám định pháp lý, người mổ tư thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Luật giám định Tư pháp cũng nghiêm cấm hành vi “cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật”. Vậy kết luận ban đầu cho rằng anh Tuấn anh chết do ngạt nước, bị ngã xuống cống mà chết có phải là một kết luận sai sự thật, thiếu khách quan, thiếu chính xác?

Đối với những người đã chết thì kết luận khám nghiệm và mổ tử thi là tiếng nói của người đã chết. Kết luận sẽ nói thay họ, họ bị chết giờ nào? Chết ra sao? Chết vì cái gì? Tại sao chết? Do đó tiếng nói ấy phải trung thực và khách quan để người người chết không bị chết một cách oan uổng. Để những người gây ra tội ác không nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thế nên việc giám định sai, kết luận không chính xác không những khiến dư luận mất lòng tin mà còn có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Nếu như gia đình nạn nhân không đẩy mọi việc trở nên căng thẳng, nếu như không có chuyện 1000 người mang quan tài yêu cầu đòi cơ quan chức năng điều tra lại thì có lẽ cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh sẽ mãi chỉ là một cái chết đáng trách: Do say rượu, ngã rơi xuống cống mà chết.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng ngoài việc vào cuộc điều tra vụ án có dấu hiệu giết người này, cũng nên vào cuộc điều tra và xem xét trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ giám định Tư pháp ban đầu đối với tử thi của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh. Chứ không lẽ lại coi đây là một sai sót nghiệp vụ?

Luật Giám định Tư pháp 2012

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.

2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.

3. Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.

2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

3. Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp.

4. Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.

5. Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.

6. Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

7. Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.

 

Người Đưa Tin

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Xác nổi trên máng nước , Xác chết trôi trên máng nước , xác chết trương phềnh , Xác chết , Vĩnh Phúc , Nghi án giết người , Giám định pháp y