Ban lãnh đạo của VPF đã ra thông cáo khẳng định việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF, sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của VPF.
Sự vắng mặt của bầu Kiên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho VPF |
Đây có lẽ chỉ là tuyên bố để trấn an dư luận bởi ai cũng biết rằng, VPF ra đời có công rất lớn của bầu Kiên. Tiếng nói của bầu Kiên vì thế cũng có sức nặng nhất. Vì vậy, việc ông bị vướng vào vòng lao lý chắc chắn sẽ để lại những lỗ hổng lớn không dễ bù đắp.
Lỗ hổng tại VPF
Cách đây một năm, tại buổi tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2011, ông Nguyễn Đức Kiên đã đăng đàn và có bài phát biểu vô tiền khoáng hậu kéo dài gần một giờ đồng hồ, đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi mạnh mẽ chỉ trích, phê bình VFF về cách điều hành giải vô địch quốc gia và những bất cập của bóng đá Việt Nam, khi bên dưới có đầy đủ quan chức lãnh đạo của VFF ngồi dự.
Sự kiện này như phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc cách mạng đổi mới trong bóng đá Việt Nam. Và sự thay đổi đầu tiên chính là sự ra đời của VPF với nhiệm vụ được giao điều hành giải vô địch quốc gia, giải hạng nhất quốc gia dưới sự giám sát của VFF. Đây được xem là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy giải đấu phát triển, mang lại sự minh bạch và hạn chế những tiêu cực trong bóng đá tồn tại nhiều năm nay.
Nhiều người đã tung hô bầu Kiên như người hùng của bóng đá Việt Nam lúc đó và hy vọng bóng đá Việt Nam từ đây sẽ phát triển thực sự khi được đầu tư từ những ông bầu đam mê bóng đá và giàu có.
Tuy thế, nhìn lại một năm sau khi mùa giải 2012 kết thúc, giải VĐQG vẫn còn rất nhiều bất cập tồn tại. Những vòng đấu đầu tiên diễn ra với đầy những sự cố như trọng tài bắt sai, bạo lực sân cỏ… tưởng như sẽ khiến mùa giải đầu tiên dưới sự điều hành của VPF bị vỡ. Sự việc lên đến cao trào khi SHB.ĐN làm đơn yêu cầu ngừng giải đấu để chấn chỉnh lại những sự cố đang diễn ra lúc đó. Dù vậy, mùa giải vẫn về đích và chức vô địch lại một lần nữa về tay SHB.ĐN.
Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây khi được hỏi về cảm nhận của mình trog mùa giải vừa qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Trong một năm qua, VPF dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa có đột phá đáng kể nào trong công tác tiếp thị tài trợ, gia tăng nguồn thu. Nói chung, mọi chuyện vẫn còn hết sức mịt mờ nên nguồn sống của VPF vẫn phải dựa trên sự đóng góp của VFF cũng như các bản hợp đồng tài trợ cũ”.
Bầu Kiên trước lúc bị bắt một giờ khi trả lời phỏng vấn về mùa giải cũng đã thừa nhận mùa giải vừa qua dù cố gắng hết mình vẫn có những sai sót, vẫn còn tiêu cực diễn ra, nhất là ở những vòng đấu cuối. Ông Kiên cũng không ngờ đó là lần cuối ông trả lời báo chí về công tác điều hành của VPF trong mùa giải trước khi bị cơ quan chức năng bắt tạm giam. Sau đây, ai sẽ là người vực dậy tinh thần của VPF khi thủ lĩnh tinh thần không còn, ít nhất là trong mùa giải tới? VPF không còn bầu Kiên chẳng khác nào như “rắn mất đầu”.
Chưa có tiền bản quyền truyền hình
Cú “áp phe” đầu tiên sau khi VPF ra đời là bầu Kiên lao ngay vào cuộc chiến giành bản quyền truyền hình với AVG. AVG lúc đó đang nắm giữ hợp đồng thương quyền truyền hình các giải bóng đá của VFF trong vòng 20 năm từ 2011 đến 2030. Nhận định rõ đây là nguồn thu lớn của tổ chức đứng ra điều hành giải đấu giải VĐQG nhưng việc VFF chỉ ký được hợp đồng 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến 10% là quá ít theo quan điểm của ông Kiên. Cuộc chiến về bản quyền truyền hình sau đó diễn ra dai dẳng và tưởng chừng không có lối thoát nhưng đã được AVG gỡ nút thắt một cách không ngờ tới. AVG đồng ý chuyển giao toàn bộ hợp đồng bản quyền cho VPF với giá 0 đồng trên tinh thần vì sự phát triển của thể thao với điều kiện VPF mỗi năm thu được 50 tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình.
Có được bản quyền, bầu Kiên tuyên bố sẽ thu về mỗi năm 50 tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình từ sự tài trợ của Hội đồng bảo trợ gồm 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều Ngân hàng như Techcombank, VP Bank hay ACB… Tuy nhiên, đến nay số tiền 50 tỉ này vẫn chưa về tới tài khoản của VPF một cách đầy đủ. Hiện mới chỉ có HA.GL của bầu Đức đã chuyển 5 tỉ đồng như đã hứa. Số còn lại, vẫn chưa biết khi nào mới chuyển vào tài khoản của VPF.
Điều đáng nói, cho đến lúc này, hợp đồng giữa VPF và các nhà bảo trợ vẫn chưa được công bố dù trước đó, ngay trong ngày AVG ký biên bản ghi nhớ chuyển giao bản quyền truyền hình cho VPF, bầu Kiên đã thông báo tên của 10 doanh nghiệp bảo trợ. Trước khi bị bắt, trong một lần trao đổi với lãnh đạo VFF, bầu Kiên khẳng định đang tiến hành các thủ tục cũng như yêu cầu các nhà tài trợ chuyển tiền về VPF trước lễ tổng kết mùa giải 2012. Tuy nhiên, khi kết quả chưa biết cụ thể thế nào thì bầu Kiên đã bị bắt giữ. Chính vì thế, VPF hiện tại vẫn đang chờ lới hứa của các nhà tài trợ trong Hội đồng bảo trợ thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Thế nhưng, sự chờ đợi này có thể sẽ còn kéo dài hơn trong thời gian tới khi bầu Kiên bị bắt. Nhiều khả năng, sẽ không có đủ 50 tỉ đồng như mong muốn ban đầu và tiền bản quyền truyền hình đến từ nhóm Hội đồng bảo trợ sẽ bị đứt gánh.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?