Hôm nay HĐQT VPF sẽ có cuộc họp tại TP.HCM. Đây không phải là cuộc họp thường kỳ giữa các thành viên trong HĐQT VPF mà là cuộc họp được triệu tập để bàn bạc về các vấn đề liên quan tới VPF và các giải bóng đá chuyên nghiệp VN trong thời gian vừa qua.
|
Trong các chủ đề được HĐQT VPF mang ra bàn thảo hôm nay, chắc chắn sẽ có vấn đề thương quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN.
Giữa VFF với đại diện là PCT Lê Hùng Dũng (phải) và VPF với đại diện là PCT HĐQT Nguyễn Đức Kiên bây giờ đang có một khoảng cách rất lớn về nhiều mặt.
Như TT&VH đã thông tin, ngày 6/3/2012 vừa qua, AVG đã tổ chức buổi làm việc với sự tham dự của VTV và VTC để trao đổi về phương thức hợp tác sản xuất và khai thác thương quyền truyền hình bóng đá VN. Kết thúc buổi làm việc, 3 bên AVG, VTV và VTC cùng nhất trí sẽ đề xuất với VFF nâng giá trị bản quyền truyền hình mỗi năm từ 6 tỷ lên thành 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn VPF sẽ không ủng hộ giải pháp mà AVG, VTV và VTC mới đạt được, bởi mục tiêu của VPF là lấy lại bản quyền truyền hình từ tay AVG để bán với giá cao hơn và thời hạn ngắn hơn, trong đó VPF muốn bản quyền truyền hình bóng đá VN sẽ thuộc về một Đài truyền hình duy nhất chứ không phải là 3 bên cùng khai thác như cái cách AVG, VTV và VTC sắp sửa thực hiện.
Với những diễn biến như thế, cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá VN có thể sẽ chưa dừng lại ở đây, và bản thân ông Nguyễn Đức Kiên, PCT HĐQT VPF, cũng xác nhận thông tin này trên báo Người lao động khi phát biểu rằng: “Chúng tôi hoan nghênh AVG đã có động thái tích cực khi chia sẻ 70% bản quyền truyền hình cho VTV và VTC. Tuy nhiên, không thể vì chuyện này mà vụ việc sẽ kết thúc”.
Điều đó có nghĩa là VPF có thể sẽ tiếp tục cuộc tranh đấu của mình cho đến khi đạt được mục đích mới dừng lại. Thế nhưng, có một thông tin mà không phải ai cũng biết là ở cuộc họp của BCH VFF diễn ra ngày 28/2/2012 vừa qua, vấn đề VPF đã được một số Uỷ viên BCH mang ra thảo luận với thái độ rất cứng rắn và gay gắt.
Việc VPF công khai thể hiện sự đối đầu với VFF xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình, kể cả khi Thanh tra Bộ VH-TT&DL (có sự tham vấn của Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin & Truyền thông) xác nhận bản hợp đồng thương quyền truyền hình giữa VFF và AVG là không trái pháp luật, đã khiến một số Uỷ viên BCH VFF cảm thấy bức xúc và họ đã đề nghị VFF nên cân nhắc một số biện pháp mạnh tay hơn nếu như tình trạng “trên bảo dưới không nghe” này tiếp tục kéo dài.
Được biết, đã có 2 giải pháp cụ thể với VPF được các Uỷ viên BCH VFF nêu ra và bàn thảo trong cuộc họp nói trên, nhưng trên tinh thần thiện chí và hợp tác vì cái chung, VFF tạm thời chưa nêu vấn đề này ra với VPF, nhất là sau khi mọi tranh cãi xung quanh câu chuyện bản quyền truyền hình bóng đá VN tưởng như đã chấm dứt với việc VTV và VTC cùng nhất trí với thoả thuận hợp tác do AVG nêu ra vào cuối tuần trước.
Thế nhưng, với phát biểu gần đây nhất của PCT HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên, một lần nữa vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá VN lại làm nổi sóng dư luận vì có vẻ như bầu Kiên chưa muốn kết thúc cuộc tranh chấp dằng dai này. Tuy nhiên, trao đổi với TT&VH vào hôm qua, một lãnh đạo VFF khẳng định trước khi diễn ra cuộc họp vào hôm nay của HĐQT VPF, VFF chưa muốn đưa ra bất cứ thông tin nào mang tính cảnh báo để bày tỏ tinh thần thiện chí và thái độ hợp tác, nhưng nếu sắp tới VPF vẫn không thay đổi cách thức suy nghĩ về vấn đề bản quyền truyền hình thì lúc ấy VFF sẽ có hành động cụ thể.
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?