Những phát hiện “động trời” trong biên bản ghi nhớ VTV-VPF
Thứ hai, 27/02/2012 15:24

Trong thời gian vừa qua dư luận đã được nghe đến sự tồn tại của biên bản ghi nhớ về một bản hợp đồng mua bán bản quyền truyền hình giữa VTV và VPF có thời hạn 3 năm trị giá hơn 70 tỷ đồng.

Thông tin này được các ông bầu trong bộ máy lãnh đạo VPF hãnh diện thông báo như là một chiến thắng trong cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình, và trả lời phỏng vấn báo Dân Việt điện tử ngày 23/2/2012, tuy không chính thức xác nhận về biên bản ghi nhớ nói trên, nhưng ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, cũng cung cấp một số thông tin đủ để người ta hiểu được rằng các ông bầu trong VPF thực sự là mẫu người “nói được làm được”.

Ông Nguyễn Thành Lương cho biết: “Thời gian qua, VTV không chỉ đàm phán với VPF mà còn đàm phán với cả AVG. Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với đơn vị nào nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc gia mà thôi”.

Đại diện VTV khẳng định có thể mua bản quyền truyền hình với giá 76 tỷ đồng/3 năm nếu các doanh nghiệp làm bóng đá cam kết quảng cáo trên sóng VTV. Theo ông Lương, đằng sau các đội bóng luôn có các doanh nghiệp nhiều tiền. Tại sao không có cách nào để các doanh nghiệp ấy quảng cáo trên sóng VTV.

“VTV có 15 phút quảng cáo giữa các trận bóng đá. Nếu VPF có thể tạo được sự đồng thuận để ông chủ các đội bóng quảng cáo trên VTV, thì con số đó không chỉ dừng ở trên 70 tỷ đồng/3 năm, mà có thể nhiều hơn thế chứ. VTV chỉ đứng trung gian, dùng tiền của các đội bóng trả lại cho họ chứ cũng không lợi nhuận gì", ông Lương nói.

Từ những dữ liệu như trên, chung tôi đã cất công truy tìm biên bản ghi nhớ VTV-VPF và từ đây đã được chứng kiến những phát hiện động trời.

Chuyện thật như đùa

Biên bản ghi nhớ này có tên chính thức là “Thoả thuận nguyên tắc” số 18/VTV-VPF với 2 đại diện tham gia ký tên là ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, và ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT VPF. “Thoả thuận nguyên tắc” số 18/VTV-VPF được lập vào ngày 29/12/2011 tại Hà Nội, tức là chỉ một ngày sau khi VFF có Nghị quyết số 426 về việc VFF ủy quyền cho thành viên của VFF (là VPF) tổ chức thực hiện, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của các giải bóng đá chuyên nghiệp VN cũng như quyền lợi nhà tài trợ giải, điều hành giải đấu theo chỉ đạo và quyết định của VFF cũng như thông lệ của FIFA.

Bản quyền truyền hình bóng đá VN có thực sự hấp dẫn để có giá đến hơn 70 tỷ đồng trong 3 năm?

Tuy trên danh nghĩa là “Thoả thuận nguyên tắc” nhưng biên bản ghi nhớ này có nội dung hoàn chỉnh không kém gì một bản hợp đồng kinh tế đích thực, và thực tế là trong nội dung của biên bản ghi nhớ có rất nhiều đoạn sử dụng từ “hợp đồng”. Chỉ có một khiếm khuyết nhỏ ở nếu như phần thông tin của bên B (là VPF) có đầy đủ số tài khoản và mã số thuế thì phần thông tin của bên A (là VTV) vẫn bỏ trống.

Với nội dung gồm 11 điều trải dài trên 4 trang A4, có lý do để tin rằng chỉ cần được cấp trên phê duyệt thì lập tức biên bản ghi nhớ này sẽ trở thành hợp đồng chính thức, vì mọi thông tin liên quan đều đã được VTV và VPF thoả thuận rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, trong đó thậm chí 2 bên còn thống nhất sẽ đưa nhau ra Toà án Kinh tế Hà Nội để giải quyết nếu như VTV và VPF có “bất kỳ tranh chấp nào phát sinh hoặc có liên quan tới Hợp đồng mà không thể giải quyết một cách có hợp tác và thiện chí”.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là đến thời điểm hiện tại VPF vẫn chưa được VFF chính thức bàn giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN, và bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc VFF năm 2011-2030 giữa VFF và AVG được Thanh tra Bộ VH-TT&DL sau khi có sự tham vấn của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Tư pháp công nhận là không trái pháp luật, thì VPF dựa trên cơ sở nào để ký biên bản ghi nhớ bán sạch thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN cho VTV?

VPF bán, các CLB không biết?

Trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm của VPF, bầu Kiên có tiết lộ rằng một trong những kiến nghị mà VPF đưa ra với đoàn thanh tra hợp đồng VFF-AVG là việc tìm hiểu xem liệu VFF khi ký hợp đồng với AVG có tham khảo ý kiến của các CLB V-League và hạng Nhất hay không, và đây cũng là một trong những trọng điểm để VPF tấn công quyết liệt vào bản hợp đồng VFF-AVG.

Thế còn với biên bản ghi nhớ VTV-VPF nói trên, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu VPF có tham khảo ý kiến của các CLB khi quyết định bán sạch các giải bóng đá chuyên nghiệp được tổ chức trên lãnh thổ VN cho VTV? Hôm qua, TT&VH đã liên hệ với đại diện một số CLB ở V-League và hạng Nhất để hỏi về vấn đề này, và tất cả đều ngỡ ngàng khi nghe câu hỏi của TT&VH.

Phần đông đại diện CLB đều từ chối công khai tên tuổi vì e ngại “va chạm”, nhưng ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Cty CP bóng đá SLNA, thì đã rất thẳng thắn cho biết: “Tôi chưa nghe thông tin này, văn bản tôi cũng chưa thấy. Trong thời gian qua tôi cũng bận đi công tác Hà Nội và Hải Phòng nên không nắm rõ tình hình. Có thể hôm nay tôi lên cơ quan kiểm tra lại thì mới biết có văn bản nào đó hay không”.

Biên bản ghi nhớ VTV-VPF được ký kết vào ngày 29/12/2011, nhưng đến tận giờ này tuyệt đại đa số các CLB đều trả lời là không thấy VPF hỏi ý kiến bằng văn bản hay trao đổi trực tiếp, thì bất cứ độc giả nào cũng có thể tự đưa ra kết luận rằng thực sự VPF có tham vấn ý kiến của các CLB trước khi ký thoả thuận nguyên tắc để “bán sạch” cho VTV hay không.

Chống độc quyền bóng đá trên truyền hình kiểu VPF!

Lại nữa, VPF đã nhiều lần chất vấn VFF và AVG cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước về việc trước khi VFF ký với AVG thì có tham vấn ý kiến của VTV hay không, và VFF còn vi phạm luật cạnh tranh hay không khi không thông qua đấu thầu mà vẫn ký hợp đồng với AVG. Thế thì VPF sẽ giải thích thế nào khi trong thoả thuận nguyên tắc với VTV, ở “Điều 3: Quyền lợi và trách nhiệm của bên B” (tức VPF-PV)” lại có nội dung ghi rõ rằng: “... đảm bảo các thủ tục để Bên A (tức VTV) là đơn vị duy nhất có bản quyền truyền hình và quyền được phép vào sân ghi hình để phát sóng các trận bóng đá mà Bên A đã mua bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam”.

Không biết hàng loạt Đài truyền hình lớn khác như VTC, HTV Hà Nội hay HTV TP.HCM có được VPF tham khảo ý kiến trước khi VPF ký kết biên bản ghi nhớ với VTV? Và tại sao trên cả nước có khoảng gần 70 Đài truyền hình và có gần 20 tỉnh thành có đội bóng tham dự giải V-League và giải hạng Nhất lại có thể sẽ không được tham gia vào quy trình sản xuất, phát sóng và thông sóng các trận đấu thuộc hệ thống giải chuyên nghiệp bóng đá VN, cho dù xu hướng xã hội hoá sản xuất truyền hình này đang được thực hiện rất tốt từ 2 năm nay và được đánh giá rất cao vì đã tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho ngân sách Nhà nước?

Bầu Kiên đã nói rất nhiều về nguyên tắc phải phổ biến bóng đá trên truyền hình ở VN để phục vụ người hâm mộ, nhưng không biết vì sao VPF lại muốn VTV “là đơn vị duy nhất có bản quyền truyền hình và quyền được phép vào sân ghi hình để phát sóng các trận bóng đá”, trong khi VTV và vấn đề độc quyền một số giải bóng đá trên truyền hình là chuyện mà không một ai hâm mộ bóng đá lại không biết.

Còn rất rất nhiều câu hỏi như thế nữa khi lướt qua 4 trang nội dung với 11 điều khoản của biên bản ghi nhớ này, nhưng có lẽ chừng đó cũng đủ để dư luận đưa ra kết luận rằng cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình kéo dài suốt thời gian vừa qua đến tột cùng là vì lợi ích của ai, và có thực sự vì bóng đá VN, vì người hâm mộ VN hay không?

Hỏi cũng tức là đã trả lời!

* Hãy cùng khám phá

Điều 2: Giá trị hợp đồng

- Giá trị: 20.000.000.000 VNĐ/1 năm – (Hai mươi tỷ Việt Nam Đồng/1 năm, chưa bao gồm thuế VAT)

- Hàng năm giá trị hợp đồng tăng 15%.

Điều 4: Quyền lợi và trách nhiệm của Bên A(tức VTV-PV)

- Quyền được sản xuất phát sóng trực tiếp các trận đấu của Chương trình (tức các giải bóng đá chuyên nghiệp VN-PV) trên hệ thống của Đài Truyền hình Việt Nam (Đài THVN) trên lãnh thổ Việt Nam.

- Quyền chia sẻ bản quyền truyền hình cho các Đài TH trong nước hoạc cho phép các Đài truyền hình trong nước phát sóng trực tiếp hoặc phát chậm, phát lại Chương trình.

- Quyền được khai thác thương mai, gia tăng giá trị trên sóng truyền hình khi ghi hình và phát sóng các trận đấu của Chương trình bao gồm cả các quyền lợi trên màn hình khi diễn ra trận đấu.

- ….

Điều 6: Hiệu lực và thời hạn của Hợp đồng

- Hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ ngày có trận đấu đầu tiên của Mùa giải năm 2012 và hết hạn vào cuối ngày có trận đấu cuối cùng của Mùa giải 2014.

Điều 7: Gia hạn Hợp đồng

- Bên B hoặc đối tác được bên B uỷ quyền sẽ ưu tiên đàm phán các điều kiện gia hạn hợp đồng cho mùa giải mới hoặc Bên B sẽ thông báo đối tác được uỷ quyền cho Bên A liên hệ đàm phán về Bản quyền truyền hình bóng đá cho năm 2015-2017.

Bán cả Siêu Cúp QG!

Điều lệ Siêu Cúp QG đã ghi rõ đây là giải đấu do VFF và báo Tiền phong,với tư cách cơ quan sáng lập ra giải đấu này, giữ vai trò đồng tổ chức, và suốt nhiều năm nay, Tổng biên tập báo Tiền phong luôn là đồng trưởng BTC giải Siêu Cúp QG cùng với đại diện từ VFF. Tuy nhiên, bất chấp sự thực đó, trận tranh Siêu Cúp QG cũng vẫn nằm trong danh sách “các giải bóng đá chuyên nghiệp do bên B (tức VPF-PV) tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam” mà VPF thoả thuận bán cho VTV trong biên bản ghi nhớ ký ngày 29/12/2011.

 

TT&VH
Tag: VPF , VFF , VTV , Bản quyền truyền hình , Bóng đá việt Nam