Nghe con trai ông nói, vợ ông sẽ từ Đức trở về chịu tang chồng. Hẳn, điều này cũng đủ để ông vui. Vì Văn Hiệp đâu có mong muốn gì hơn thế.
Nghệ sỹ hài Văn Hiệp với chiếc điếu cày quen thuộc |
Văn Hiệp, qua rồi một kiếp cô đơn
Một đời sống giản dị, ngập tràn trong cô đơn, thế là cũng hết, ông "trưởng thôn" Văn Hiệp của màn ảnh nhỏ, của khán giả đã trở về cõi bên kia, thanh thản. Chỉ có nước mắt tiếc thương ông lặng lẽ đâu đây!
Tin nghệ sỹ hài Văn Hiệp ra đi, có lẽ không ai tin nổi. Nó bất ngờ đến xót xa. Chỉ mới Tết vừa rồi thôi, "trưởng thôn" Văn Hiệp vẫn còn cười nói, diễn hài vui vẻ phục vụ bà con trong phim Cụ tổ hiển linh, diễn xuất quá hoạt bát. Chẳng ai tin là chỉ hai tháng sau, ông không còn ở trên đời nữa.
Cũng chẳng tin ông lại bước qua cảnh giới khác, trở về với tiên tổ một cách nhanh như thế. Dẫu biết rằng, ông bị ung thư thì sự đau đớn cũng thật vô cùng. Có lẽ lúc đóng những vai diễn sau cùng, ông nén nỗi đau vào trong. Mà người như Văn Hiệp, chắc cũng ít quan tâm đến sức khỏe của mình.
Được biết gia đình nghệ sỹ phát hiện ra ông bị ung thư phổi cách đây hơn nửa năm, khi mà bệnh đã bước vào giai đoạn cuối. Bạn bè ai đến thăm ông cũng chỉ thấy ông cười nói như không có bệnh tật gì, chẳng ai thấy ông buồn đau hay mất niềm tin vào cuộc sống dù ông đã biết bệnh của mình và lặng lẽ chờ cái chết được báo trước.
Là một trong những diễn viên thuộc thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch cách mạng, Văn Hiệp ghi dấu ấn bởi những vai diễn chính kịch và sau này mới là hài kịch.
Ông từng nói với người viết bài này về nỗi tự ti vóc dáng, vẻ ngoài nhỏ thó. Bởi vì, đã là diễn viên thì phải đẹp, phải có giọng nói sang sảng. Nhưng vượt qua những điểm nhỏ nhặt ấy là lối diễn linh hoạt, sự cần mẫn với nghề và thực sự có duyên trên sân khấu.
Cho đến giờ, không biết Văn Hiệp đã vào vai bao nhiêu tiểu phẩm, đóng bao nhiêu phim. Nhưng cứ nhìn thấy ông là người ta cười, người ta vui và thấy thân quen. Một con người đáng yêu vô cùng!
Dấu ấn để lại là quá nhiều, nhưng một trong những vai diễn đầu tiên, được nhắc nhiều nhất là vai Vinh trong vở "Bài ca Điện Biên".
Văn Hiệp bước sang hài kịch cùng với vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến". Đạo diễn Dương Ngọc Đức đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, ông đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này. Một Ốc rất láu cá, khôn ngoan nhưng lại duyên dáng và hấp dẫn.
Sau gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, có lẽ chính ông cũng không thể nhớ hết những vai mình đã đóng, nhưng có lẽ vai “Bác trưởng thôn” đã đóng đinh “thương hiệu” của Văn Hiệp. Vai diễn này nổi tiếng đến mức hễ gặp ông ở đâu những người hâm mộ đều gọi ông là: “Bác trưởng thôn”. Với đời sống của một nghệ sỹ, đó là một thành quả đáng tự hào. Và cũng không ai hợp hơn Văn Hiệp trong vai diễn này.
Vợ Văn Hiệp sẽ từ Đức trở về chịu tang chồng
Nói về cuộc sống riêng, Văn Hiệp là người giỏi chịu cô đơn, thứ mà thiên hạ ghét cay, ghét đắng. Nói vậynhưng trong sâu thẳm ông lão này vẫn mang nặng mong mỏi đoàn tụ với vợ. Giỏi chịu đựng và vẫn cảm thấy mọi thứ thật bình thường có lẽ là cách để "ông trưởng thôn" vượt qua những phút giây hờn tủi, khó khăn của đời sống và chứng tỏ mình mạnh mẽ.
Hơn 20 năm trước, vợ ông đi xuất khẩu lao động bên Đức rồi ở hẳn bên ấy, ông khuyên về nhưng cũng chẳng được nên ông cứ lầm lũi ở vậy nuôi con. Lúc vợ ông đi, cũng vì hoàn cảnh khó khăn. Bản thân Văn Hiệp cũng không muốn sự chia xa như thế. Ông cũng không ngờ rằng, cuộc chia ly ấy lại khiến ông trở thành kẻ cô đơn, sống trong chờ đợi người đàn bà của mình. Hơn 20 năm.
Lầm lũi nuôi con, ông vẫn đàng hoàng có dâu, có rể, cháu nội và ngoại, nhưng nỗi niềm của ông, sự cô đơn thì có vẻ chẳng thể sẻ chia cùng ai. Cũng chẳng phải bệnh của người già. Văn Hiệp từng bảo, chuyện của ông và vợ giống như ly thân, chứ không phải ly di. Vì 20 năm ấy, vợ một nơi, chồng một nẻo nhưng chẳng ai đi bước nữa. Dù bố vợ có lúc đã từng khuyên ông lấy vợ.
Thì là như vậy, ông cứ sống thủy chung và ngại sự thay đổi. Và vợ ông, cũng ngại thay đổi cuộc sống mà không chịu về với chồng. Cuộc sống ở hải ngoại cũng chẳng giàu sang, đôi lúc Văn Hiệp còn phải gửi tiền sang cho vợ. Kể cũng lạ và thương cho Văn Hiệp. Ông lão trưởng thôn cô đơn cho đến lúc chết.
Đợt vừa rồi, Văn Hiệp ốm nặng. Bà có về chăm ông, nhưng cũng chỉ loáng thoáng rồi trở lại Đức. Khi ông trút những hơi thở mong manh cuối cùng, mờ ảo nhìn cuộc sống chảy trôi trong bệnh viện, cũng là lúc cô đơn dù ngày hôm qua, ông còn hài hước đùa cười với bạn diễn.
Nghe con trai ông nói, vợ ông sẽ từ Đức trở về chịu tang chồng. Hẳn, điều này cũng đủ để ông vui. Vì Văn Hiệp đâu có mong muốn gì hơn thế.
Có lẽ, vì sự nhớ nghề và không muốn rơi vào trạng thái cô đơn mà ông miệt mài đi diễn. Có bận, đến Tết thì nằm quay ra ốm vì bị đuối sức do diễn nhiều. Nhưng ông cũng nghĩ, đời nghệ sỹ, nếu không diễn, không gần gũi với khán giả thì còn gì là tồn tại nữa.
Văn Hiệp có một đời sống giản dị đến kinh ngạc. Dù là diễn viên, có nhiều tiếng tăm nhưng tuyệt nhiên không dựng cho mình ánh hào quang danh vọng, không tham chức tước, danh hiệu. Người đời gọi ông là trưởng thôn sau hàng loạt các vai diễn này trong series hài Gặp nhau cuối tuần. Như thế cũng đủ để ông mãn nguyện. Và cũng chỉ cần như thế là đủ, sống trong lòng khán giả.
Diễn viên hài này thích những khoảng khắc bên cạnh những người dân bình dị. Ở cạnh họ, ông không phải khiên cưỡng, thấy đời vui phơi phới. Ngồi hàn huyên để nghe những câu chuyện cuộc đời lao động, không phù hoa. Ông không nhiều bè bạn, cũng chẳng thích tụ tập bạn bè. Dịp tết nhất, ông cũng chỉ thích ngồi một mình. Số ông khổ, con cái cũng chẳng giúp được cha.
Văn Hiệp trong Cụ tổ hiển linh, vai diễn hài cuối cùng trong Hài tết Quý Tỵ 2013
Văn Hiệp bị chứng nghiện thuốc lào. Ông đã vài lần muốn bỏ để sống khỏe hơn mà không được. Vì thế mà cứ chung thủy với nó. Ngồi trò chuyện lần nào cũng phải có nước chè và thỉnh thoảng phải rít một vài hơi thuốc. Thấy ông hút thuốc điệu nghệ, nhiều khi khán giả gặp còn bắt ông rít vài hơi xem có giống trong phim không. Tất nhiên là ông chiều theo. Cũng chẳng khó khăn, miễn là khán giả vui.
Một trong những biệt tài ít biết của Văn Hiệp là viết kịch bản hài. Vài năm cuối đời, ông viết nhiều tiểu phẩm, lần nào gặp nhà báo cũng phải khoe tác phẩm mới. Cứ thế, những tác phẩm được viết và ông giữ gìn cẩn thận. Có lần gửi cho phóng viên đọc rồi nằng nặc đòi vì sợ bị đánh mất.
Trong hàng loạt các tác phẩm của Văn Hiệp, có những tiểu phẩm đã được khai khác để đưa đến công chúng, lấy ý tứ hoặc toàn bộ kịch bản. Ngay cả Cụ tổ hiển linh cũng là một bộ phim như thế.
Ông Văn Hiệp viết tiểu phẩm hài bằng lối tư duy tưng tửng, những câu chuyện gần gũi với cuộc sống bằng kinh nghiệm diễn hài và cả những trải nghiệm cuộc sống của riêng mình. Sức viết của Văn Hiệp dồi dào. Lúc nào trong tay cũng một tập kịch bản và cách nói chuyện thì giống như ngày hôm sau là sẵn sàng vác ba lô đi ra trường quay.
Văn Hiệp ra đi, có quá nhiều dự định còn dở dang, quá nhiều kịch bản hài vẫn còn đang đợi. Ông sẽ mang tất cả những đam mê, những dở dang công việc ấy sang bên kia để tiếp tục công việc của mình. Cùng với đó là rất nhiều tiếc thương của khán giả.
Văn Hiệp ra đi là một khoảng trống lớn với sân khấu, với hài kịch. Nỗi đau của sự phân ly còn đó, tình yêu dành cho Văn Hiệp còn đó. Chẳng biết nói gì, chúc ông trên đường mới thênh thang rảo bước!
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Nhan sắc được khen 'đẹp như búp bê Barbie' của Hoa hậu Thanh Thủy
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Quách Tuấn Du lên tiếng về tin đồn qua đời vì tai nạn
- Vượt Tom Cruise, chàng trai trẻ trở thành người đàn ông đẹp nhất thế giới năm 2024
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?