Việt Nam ký 2 văn kiện với Tòa Trọng tài Thường trực
Thứ ba, 24/06/2014 08:58

Việc ký kết hai văn kiện trên sẽ giúp VN tiếp cận tốt hơn với các thủ tục trọng tài, tăng cường tính thượng tôn pháp luật, góp phần giải quyết hòa bình, tranh chấp.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực PCA Hugo Hans Siblesz.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực PCA Hugo Hans Siblesz.

Tiếp ngài Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Hugo Hans Siblesz tại Hà Nội hôm qua 23/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài. Trước đó, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực với Tổng Thư ký Hugo Hans Siblesz. Ban Thư ký của PCA, đứng đầu là Tổng Thư ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký cũng như hỗ trợ hành chính và pháp lý cho các hoạt động của PCA và các quốc gia thành viên - trong đó có Việt Nam.

Với việc ký kết Hiệp định trên, Việt Nam chính thức công nhận PCA có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra liên quan đến hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế do PCA tiến hành tại Việt Nam, cũng như tiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của PCA tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là, Việt Nam cho phép PCA tiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và cung cấp các hỗ trợ thích hợp cho các tổ chức liên chính phủ cũng như các thực thể khác… tại Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hy vọng rằng, việc ký kết Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Việt Nam và PCA sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ pháp lý phục vụ đất nước trong quá trình hội nhập. PCA sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam các thông tin chung hoặc tư vấn về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành.

Hai văn kiện vừa ký kết giữa Việt Nam với PCA nói trên là cơ sở để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực trao đổi thông tin, đào tạo và tư vấn về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành. Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz cho rằng, việc ký kết hai văn kiện trên sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với các thủ tục trọng tài, tăng cường tính thượng tôn pháp luật, góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. 

Được biết, Ban Trọng tài của Tòa Trọng Tài thường trực gồm các trọng tài viên được chỉ định bởi các quốc gia thành viên của Công ước (hiện có khoảng 300 trọng tài viên). Khi có tranh chấp phát sinh, mỗi bên tranh chấp có quyền chỉ định số lượng trọng tài viên bằng nhau tham gia Hội đồng Trọng tài. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài được thông qua theo nguyên tắc đa số, có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên. Những văn kiện ký kết vào hôm qua 23-6 tại Hà Nội cho thấy, hợp tác giữa Việt Nam và PCA chắc chắn có những triển vọng hữu ích.

PCA có thẩm quyền giải quyết cả tranh chấp lãnh thổ

Tòa Trọng tài Thường trực là tổ chức liên chính phủ với 115 quốc gia thành viên, được thành lập theo Công ước La Hay năm 1899 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Việt Nam tham gia Công ước này từ ngày 29/12/2011. PCA có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các thực thể tư nhân cũng có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại PCA.

Anninhthudo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: tau Trung Quoc , gian khoan HD 981 , tinh hinh bien dong , bien dong , tinh hinh bien dong moi nhat , tin , bao