Vé tàu Tết: Chợ đen nhộn nhịp
Thứ tư, 10/12/2014 08:12

Trong khi nhiều người không đặt được trên mạng hoặc phải ra về tay không do ga Sài Gòn hết vé tàu Tết thì giới cò mồi lại có đủ loại vé để bán.

Vé tàu Tết: Chợ đen nhộn nhịp

Vé tàu Tết: Chợ đen nhộn nhịp

14 giờ ngày 8-12, chúng tôi có mặt ở ga Sài Gòn. Nghe chúng tôi hỏi một người chạy xe ôm thời gian ga bán vé, một phụ nữ xáp lại sốt sắng: “Mua vé tàu Tết hả? Mua đi đâu, ngày nào ở đây cũng có hết”. Thì ra, đây là cò Bắc, một kẻ khá có tiếng tăm ở ga Sài Gòn.

“Lấy sinh mệnh bảo đảm”

Biết chúng tôi mua vé đi Quảng Ngãi, bà Bắc nói: “Tiền công đặt vé 250.000 đồng, giá vé đi Quảng Ngãi 605.000 đồng (tàu SQ: Sài Gòn - Quảng Ngãi), tổng cộng là…”.

Chúng tôi thắc mắc: “Nghe nói vé tàu phải ghi đúng số CMND và họ tên người đi, nhân viên mới cho lên tàu. Vé này không có tên và CMND của tôi, không đi được thì sao?”. Ngay lập tức, một người đàn ông trung niên đứng cạnh bên đanh giọng: “Muốn đúng tên tuổi thì vô ga xếp hàng mà mua! Tôi bảo đảm chờ đến hết tuần cũng không có vé. Lúc đó đừng có ra đây quỳ lạy mua vé nhé!”.

Thấy chúng tôi vẫn tỏ vẻ hoài nghi, bà Bắc tuyên bố: “Gia đình tôi sinh sống bằng nghề này từ năm 1983 đến giờ, chưa có trường hợp nào mua vé của tôi mà không lên tàu được. Ông Thành trưởng ga nói có tên, có CMND mới cho lên tàu là chuyện của ông ấy. Nếu ra ga mà nhân viên làm khó dễ thì gọi điện, tôi chạy ra... tát vô mặt nó liền”(!).

18 giờ cùng ngày, chúng tôi đến điểm hẹn gặp Đệ, được giới thiệu là con trai bà Bắc, để lấy vé. Sau khi kêu chúng tôi vào quán cà phê chờ, Đệ lấy 4 tấm vé đi Quảng Ngãi rồi vào kéo ghế ngồi nói huyên thuyên. “Vé này tôi bán cho ông, tôi lấy sinh mệnh mình ra để bảo đảm. Ông thấy không, tụi tôi xuất tiền mua vé trước, có cả tên và số CMND luôn, nếu không bán được thì ôm sô...” - Đệ khẳng định.

Sáng 9-12, chúng tôi tiếp tục trở lại ga Sài Gòn. Vừa thấy “con mồi”, gần chục cò vé liền lao lại mồi chài. Nghe chúng tôi nói mua vé về Thanh Hóa, một người đàn ông nhanh nhảu: “Vé ngày nào anh cũng có. Về Thanh Hóa khoảng hơn 1 triệu đồng, đưa thêm 300.000 đồng tiền công”. Chúng tôi tỏ ra lo lắng về việc khó mua 3 vé về Thanh Hóa hôm 28 Tết, ông ta hứa tối cùng ngày chắc chắn có vé. “Vé đi tập thể cùng toa cho khoảng 10 người vào ngày cận Tết anh còn lấy được mà...” - ông ta tuyên bố.

Thử tìm “mối” khác, chúng tôi đến cổng ra của ga Sài Gòn và gặp ngay cò Thủy. “Vé về Thanh Hóa ngày 27 Tết có không chị?” - chúng tôi dọ hỏi. Lập tức, cò Thủy rút điện thoại gọi hỏi ai đó: “Vé ngày 27 về Thanh Hóa còn những loại nào? Chuẩn bị sẵn 3 vé ghế mềm, máy lạnh”. Xong, bà ta quay sang chúng tôi: “Nhiều tàu ngày 27 còn vé, ghế cứng tàu SE là 1.060.000 đồng, nếu em đi thì đưa thêm chị 250.000 đồng/vé”.

Chúng tôi yêu cầu được xem vé trước, cò Thủy bảo phải chắc chắn mua mới được xem vì “phải huy động người từ đại lý mang vé tới”(?). “Tụi em yên tâm, chị bán ở đây nhiều năm nay rồi, chưa ai phàn nàn điều gì. Còn chuyện vé có tên và CMND không đúng cũng không sao, chẳng ai kiểm tra đâu. Cần thì chị sẽ trực tiếp dẫn lên tàu rồi mới lấy tiền” - bà Thủy trấn an.

Vé ở đâu ra?

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tất cả vé tàu Tết Ất Mùi đều được đưa lên kho vé, người mua phải đặt qua mạng trên trang web www.dsvn.vn. Việc đưa vé công khai lên mạng đặt chỗ là nhằm giúp mọi người trực tiếp tương tác, tiếp cận kho vé, qua đó ngăn chặn tình trạng cò mồi trục lợi.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trò chuyện với cò Bắc, bà này tiết lộ nguồn vé được các đại lý từ khắp nơi, kể cả ở tỉnh Bình Dương, tuồn về bán lại. Theo bà Bắc, các đại lý bỏ sỉ vé chênh lệch 150.000 đồng, sau đó đại lý cấp 2 lấy thêm 70.000 đồng, đến tay cò chỉ hưởng chênh lệch 30.000 đồng.

Một cò tên Nhàn cho rằng không dễ gì lên mạng mua vé vì con bà ta 4 giờ ngày 1-12 cũng “cắm đầu cắm cổ lên mạng nhưng chỉ đặt được 4 vé đi Hà Nội, 4 vé đi Đà Nẵng cho bạn hàng”. Cũng như bà Bắc, bà Nhàn cho biết bà và nhiều cò khác chỉ là người phân phối nhỏ lẻ ăn hoa hồng vài chục ngàn đồng. Trước khi vé đến tay cò đã phải qua 3-4 giai đoạn. Riêng nguồn vé, bà Nhàn quả quyết do “con cháu của những người làm trong ngành đường sắt” bỏ tiền ra đặt sẵn rồi tuồn ra cho người bên ngoài bán lấy chênh lệch.

Trao đổi với phóng viên về nguồn gốc vé chợ đen, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, khẳng định không có bất kỳ đại lý nào của ga bán vé tàu Tết. Riêng nhân viên nhà ga, trước khi bán vé tàu Tết đều ký cam kết không tham gia, tiếp tay với tiêu cực; nếu ai vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc.

“Có thể lượng vé mà phe vé nắm trong tay là do họ tự lên mạng, dùng CMND của mình và người thân đặt mua” - ông Thành phỏng đoán.

Chắc chắn lên tàu gặp rắc rối!

Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, khẳng định tất cả hành khách khi lên tàu đều phải đúng tên, CMND có kèm ảnh của chính họ. Nhân viên kiểm soát vé sẽ kiểm tra sát sao quy định này. Trường hợp sai tên, CMND sẽ không được giải quyết. Những hành khách mua vé chợ đen chắc chắn khi lên tàu sẽ gặp rắc rối vì ngành đường sắt không giải quyết kiểu du di.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: ve tau tet , mua ve tau tet , ve tau tet 2015 , ga sai gon , tin , bao