Vàng tăng giá sau phiên đấu thầu
Thứ bảy, 30/03/2013 09:36

Khoảng cách giá vàng trong nước so với thế giới tiếp tục được kéo rộng hơn 3,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước vẫn đắt hơn giá thế giới từ 3,3 triệu đồng chiều hôm trước nay đã thành 3,5 triệu đồng/lượng. Ảnh: HTD

Giá vàng trong nước vẫn đắt hơn giá thế giới từ 3,3 triệu đồng chiều hôm trước nay đã thành 3,5 triệu đồng/lượng. Ảnh: HTD

Sau hơn một ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên, hôm qua (29/3) giá vàng trong nước vẫn không giảm mà tiếp tục bỏ xa giá thế giới.

“Lấy đâu ra vàng mà bán giá thấp”

Lúc 17h30, vàng SJC mua vào 43,76 triệu đồng/lượng, bán ra 43,83 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với cùng giờ ngày hôm trước. Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới so với hôm trước giảm từ 1.603 USD còn 1.596 USD/ounce. Chính diễn biến không đồng đều này khiến giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới 3,5 triệu đồng/lượng (chiều hôm trước là 3,3 triệu đồng/lượng).

Lý giải tình hình này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho rằng thị trường không có người bán, mà không ai chịu bán rẻ thì lấy vàng đâu mà bán giá thấp? Không những thế, người mua cũng chẳng có.

Ông Tường phân tích sở dĩ không ai chịu bán trong ngày hôm qua vì thấy giá NHNN đưa ra trong phiên đấu thầu là 43,81 triệu đồng/lượng, chỉ cần thêm 200.000 đồng nữa thôi là thành 44 triệu đồng/lượng, chưa biết giá sàn phiên sắp tới ở mức nào. Phía người mua tỏ ra dè dặt cho rằng giá quá cao để mua vào. Trong khi vào buổi chiều trước ngày đấu giá, giá vàng chỉ 43,3 triệu đồng/lượng. “Thị trường ngày 29/3 rất ế ẩm, cả hai chiều mua và bán của SJC chỉ khoảng 700-800 lượng, ít hơn so với bình quân 1.000-1.300 lượng những ngày trước” - ông Tường nói.

“Điều này không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư. Với mức giá sàn NHNN đưa ra hôm trước thì giá trong nước tất nhiên khó có thể giảm, dù giá thế giới giảm” - ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, nhận định.

Sẽ thêm nhiều phiên đấu thầu

Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất sau phiên đấu thầu vàng đầu tiên là: Tại sao lại đưa giá sàn cao hơn giá thị trường?

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), cho biết việc xác định mức giá sàn bán vàng miếng của NHNN căn cứ vào nhiều yếu tố nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu, tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Vàng miếng NHNN bán ra là tài sản của Nhà nước. Mức giá sàn trong phiên đấu thầu ngày 28/3 là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thời gian gần đây. Trên thực tế, mặc dù mức giá sàn của NHNN cao hơn giá thị trường nhưng vẫn có tổ chức đặt thầu và có tổ chức trúng thầu.

Nhưng tại thời điểm đấu thầu, các đơn vị này vẫn có thể mua bên ngoài với giá rẻ hơn? Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho rằng quyết định mua hay bán là ở bộ phận kinh doanh. “Tuy nhiên, thường thì phải có đơn vị chốt giá mua thầu rồi bộ phận kinh doanh mới cân nhắc quyết định mua vào” - ông Toại nói.

Ngày 28/3, hơn 17h, có lúc giá vàng trong nước bán ra 43,85 triệu đồng/lượng, còn giá vàng trúng thầu là 43,81 triệu đồng/lượng. Nhưng tại thời điểm đó, các NH và SJC không còn giao dịch nữa. Và một vị lãnh đạo doanh nghiệp ngành vàng nhận xét “giá thời điểm đó chỉ để làm màu thôi!”.

Mặc dù khoảng cách giá vàng sau phiên đấu thầu chưa rút ngắn lại, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối vẫn khẳng định không thể qua một phiên giải quyết được bài toán mất cân đối cung cầu vàng miếng trên thị trường. NHNN với tư cách là người mua bán cuối cùng, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung và bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

PLVN

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Đấu thầu vàng , Giá vàng hôm nay , Thị trường vàng trong nước , Vàng , Vàng miếng , Vàng SJC , Kinh doanh vàng , Xã hội