Ưu tiên chọn học ngành phát triển địa phương
Thứ bảy, 23/03/2013 03:01

Chọn ngành học phù hợp với nền kinh tế tỉnh nhà để học xong có cơ hội trở về phát triển quê hương. Chọn các ngành học mũi nhọn của từng địa phương.

Học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) nghe tư vấn tại sân trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) nghe tư vấn tại sân trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh (HS) Đỗ Kiều Vy, lớp 12C1 Trường THPT chuyên Lê Khiết, thắc mắc: “Em rất muốn biết học những ngành nghề nào để có thể về làm việc tại Quảng Ngãi, cụ thể là khu công nghiệp Dung Quất quê em”. Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính kế toán Quảng Ngãi, cung cấp những thông tin bổ ích: “Theo quy hoạch phát triển vùng thì những ngành sau được coi là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển: hóa lọc dầu, cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, ô tô, điện, điện tử, phần mềm, vật liệu mới, công nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế...”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu, Trưởng bộ phận đào tạo phân hiệu tại Gia Lai của ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng tư vấn thêm về ngành mũi nhọn của tỉnh nhà: “Học ngành thủy sản các em có thể về quê tham gia các chương trình nuôi trồng thủy sản hoặc chế biến, bảo quản các sản phẩm về biển”.

Trong khi đó, hóa lọc dầu cũng là một ngành trọng điểm đang cần rất nhiều nhân lực của Quảng Ngãi. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin: “Có rất nhiều trường đào tạo lĩnh vực này, như ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu (công nghệ kỹ thuật hóa dầu), ĐH Dầu khí (địa chất dầu khí, vật lý dầu khí, kỹ thuật hóa dầu), ĐH Bách khoa Đà Nẵng (kỹ thuật dầu khí, thiết bị giàn khoan), ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (công nghệ chế biến dầu khí, công nghệ khoan và khai thác dầu khí), ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (địa chất dầu khí)... Ngoài ra, các em cũng có thể học về vận tải dầu khí tại các trường ĐH Hàng hải Hải Phòng, ĐH Nha Trang...”.

Băn khoăn ngành sư phạm, kiến trúc

Tại hội trường, HS Trần Thảo Vy, Trường THPT chuyên Lê Khiết, băn khoăn: “Em dự định thi vào sư phạm nhưng nhiều anh chị đi trước nói học sư phạm ra trường nguy cơ thất nghiệp cao, xin được việc cũng rất khó khăn, vậy em có nên chọn lại ngành thi hay không và nên học trường nào?”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải đáp: “Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, số lượng giáo viên tại các vùng sâu vùng xa hoặc tại nông thôn còn thiếu rất nhiều do nhiều sinh viên tốt nghiệp không chịu về quê giảng dạy mà ở lại thành phố xin việc dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu. Hiện có nhiều trường đào tạo sư phạm như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Sài Gòn, các trường ĐH vùng”.

Về thắc mắc của HS Nguyễn Thế Vũ liên quan đến khối H và ngành thiết kế nội thất, tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, lưu ý: “Các em cần nắm rõ thông tin về 10 trường thuộc khối văn học nghệ thuật được Bộ cho phép tổ chức thi riêng, trong đó có khối H. Em nào chọn một trong 10 trường đó để thi, nếu như không trúng tuyển thì không thể mang kết quả của mình xét vào trường khác. Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tổ chức xét tuyển khối H cho các ngành thiết kế đồ họa và thiết kế nội thất”.

Đội nắng nghe tư vấn mùa thi

Sáng qua, các chuyên gia của đoàn tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên đã đến tư vấn lớp cho gần 1.000 học sinh của 2 trường THPT: Bình Sơn và Trần Kỳ Phong thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vào thời điểm nêu trên, 2 trường này đều tổ chức cho học sinh cắm trại, chào mừng ngày thành lập Đoàn 26.3. Khi nghe đoàn tư vấn đến, các học sinh của Trường Bình Sơn đã nhanh chóng tập trung dưới sân trường, bất kể trời nắng nóng như đổ lửa. Buổi tư vấn lớp chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ nhưng các HS đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới. Dù mồ hôi ướt áo, nhưng các HS vẫn chăm chú lắng nghe đến cuối buổi. Nhiều HS sau giờ tư vấn đã đến gặp gỡ các thầy cô trong đoàn để tìm hiểu thêm những thông tin còn thắc mắc.

Thanh Niên

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Tuyển sinh 2013 , Tư vấn tuyển sinh , Chuyên ngành , Cẩm nang tuyển sinh , Những điều cần biết , Tuyển sinh đại học 2013