Ứng xử nơi công cộng của giới trẻ: 'Vẫn còn kém lắm'
Thứ sáu, 09/01/2015 09:10

Hãy cùng nghe xem những người lớn tuổi, sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm, họ nói gì về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ tại Hà Nội.

Ứng xử nơi công cộng của giới trẻ: 'Vẫn còn kém lắm'

Ứng xử nơi công cộng của giới trẻ: 'Vẫn còn kém lắm'

Bộ khung quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ được thí điểm trong năm 2015. Theo đó, người dân ở nơi công cộng sẽ phải chấp hành nội quy, tôn trọng, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ... Dự thảo Bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng.

Sống trên đời, sẽ có ít nhất một lần bạn gần như phát điên vì không chịu nỗi những con người ở xung quanh mình.

Văn hóa ứng xử nơi công cộng từ lâu đã trở thành một trong những vấn đề lớn của xã hội khi mà đất nước ta đang ngày càng phát triển. Và có một sự thật là những hành vi, lời nói của một bộ phận những người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đôi khi lại làm xấu đi hình ảnh của Hà Nội trong mắt người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Có rất nhiều hành vi ứng xử không phù hợp của người dân ở nơi công cộng như là: vi phạm lấn chiếm không gian công cộng, viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng gây tiếng ồn, say rượu đánh nhau, gây mất trật tự, chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ công cộng...

ung-xu-cua-gioi-tre1-1420769004

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Đã có rất nhiều suy nghĩ và ý kiến khách quan khác nhau từ mọi lứa tuổi để đánh giá về vấn đề chung trong xã hội này. Tuy nhiên hãy cùng nghe xem những người lớn tuổi, đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhiều năm, chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội, họ có ý kiến gì về ứng xử nơi công cộng, nhất là của bộ phận giới trẻ.

Cô L.P (55 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng: “Gần đây, lời nói và hành động ở nơi công cộng của thanh niên có phần “thoáng” quá: chửi bậy, nói lóng, không ý tứ gì hết. Nhiều khi đến chính cô còn phát ngượng với những lời nói tục nói bậy của nhiều bạn trẻ”.

Bác L.H (67 tuổi, Bồ Đề, Long Biên) thì cho biết: “Ý thức cộng đồng của mọi người đa phần còn kém lắm, cứ tưởng là càng thế hệ sau càng ăn học nhiều, tiếp thu các nước phát triển mà đi lên nhưng hình như không phải. Ở nơi công cộng xả rác bừa bãi, nói to nói bậy, nói trống không với người lớn, rồi là chen lấn xô đẩy. Chỗ nào thì cũng có người nọ người kia, hy vọng đấy chỉ là số ít".

Bác T.P (70 tuổi) sống trên phố Hàng Mã, khu vực phố cổ tiếp xúc rất nhiều với các bạn trẻ. Bác chia sẻ rằng cứ mỗi dịp lễ tết là chỉ ở trong nhà, không dám ra ngoài đường: “Mấy cái dịp nọ dịp kia là chỗ nhà bác đông như kiến, không dám ra ngoài nữa, vì người ta đổ hết lên mấy dãy phố này mà thăm thú, chụp ảnh. Bán hàng thì cũng có người mua người không. Nhưng mấy cô cậu thanh niên thì đa phần là ra đây chụp ảnh thôi. Toàn đứa đáng tuổi cháu mình nói chuyện hỏi xin phép đàng hoàng thì không sao, nhưng mà nhiều người họ cứ kệ vậy đó, cầm đồ lên rồi hạ xuống rồi chụp mà đâu có mua. Dần dà nhiều cũng khó chịu cháu ạ”.

ung-xu-cua-gioi-tre2-1420769004

ung-xu-cua-gioi-tre3-1420769004

(Ảnh minh họa)

Có rất nhiều hành vi ứng xử kém xảy ra trong cuộc sống thường nhật nơi công công, thậm chí còn gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Nguyên nhân của những hành vi trên chủ yếu là do nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn kém. Ngoài ra, công tác giáo dục, định hướng về hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm. Đồng thời, do thói quen lối sống, các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu, chưa có bộ quy tắc ứng xử cho người dân ở nơi công cộng. Tuy nhiên không thể đánh đồng tất cả mọi người đều như vậy, cũng có rất nhiều người văn minh, lịch sự, gây thiện cảm cho những người xung quanh. Chính vì thế nhiều người tỏ ra đồng tình với ý kiến ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội.

Cô L.P chia sẻ thêm về ý kiến ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội:"Rất cần ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho người HN. Vì văn hoá ứng xử bị mai một quá nhiều và quá lâu rồi. Ở nơi riêng tư hay ở nhà thì không sao, nhưng đã ở nơi đông người thì mọi người cần có sự văn minh hơn, tôn trọng những người xung quanh" .

Bác Đ.T (65 tuổi) thì cho rằng Bộ quy tắc ứng xử này sẽ rất khó để có thể thay đổi:"Người dân nơi công cộng: Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự": Ra xong cái bộ quy tắc này thì liệu dân Hà Nội có hết vượt đèn đỏ, chửi bậy như hát, nói cười hô hố nơi công cộng, chen lấn xô đẩy khắp nơi không?".

Ứng xử nơi công cộng là một vấn đề nằm ở nhận thức, ý thức và cả kiến thức nữa. Có lẽ không chỉ ngày một ngày hai mà có thể thay đổi được các hành vi, lời nói của cả một cộng đồng. Đây có thể coi là vấn đề cốt lõi, nếu làm tốt có thể thay đổi được nhiều điều. Và thiết nghĩ, tất cả mọi người cần kiểm soát hành vi của mình và những người xung quanh theo một "quy chuẩn" nào đó ở nơi công cộng để thành phố Hà Nội trở nên văn minh, lịch sự hơn. 

Yan.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: ung xu cua gioi tre , va hoa ung xu , van hoa ung xu noi cong cong , van hoa cua gioi tre , tin , bao