Uber có trốn được thuế?
Thứ sáu, 12/12/2014 05:08

Hình thức Uber đang đặt ra cho các nhà chức trách. Nếu làm rõ được đơn vị này cung cấp sản phẩm, dịch vụ gì, sẽ có cách quản lý đúng để người dùng được hưởng lợi.

Uber có trốn được thuế?

Uber có trốn được thuế?

Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế, đang chờ Uber đến làm việc để làm rõ đơn vị này cung cấp sản phẩm, dịch vụ gì tại Việt Nam. Chỉ khi đó, cơ quan chức năng mới xác định được Uber phải thực hiện nghĩa vụ thuế thế nào.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đây là vấn đề mới cần tạo điều kiện để phát triển. “Chưa có cơ chế, thì tạo cơ chế bình đẳng cho họ hoạt động. Nếu cơ quan nhà nước không có những quy định để kiểm soát, từ dịch vụ này có thể phát sinh những dịch vụ, vấn đề khác mà mình không thể biết trước được”, bà Cúc cảnh báo.

Theo bà, bên cạnh các cơ quan quản lý liên quan, xử lý thông qua nghĩa vụ thuế là một cách kiểm soát hiệu quả. “Vấn đề ở đây là thu thuế thế nào để đảm bảo quyền lợi các bên. Ai sẽ khấu trừ thuế: Người sử dụng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ hay trung gian Uber?

Nếu Uber có văn phòng đại diện, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì phải nộp thuế”, bà Cúc khẳng định. Khi đó, Uber sẽ phải nộp hai loại thuế: GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Riêng lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân với hình thức khoán 2% trên doanh thu và áp dụng từ 2015.

Qua tìm hiểu của PV, Uber đã đăng ký thuế từ ngày 14/10. Từ đó đến nay, Uber hoạt động chưa đầy hai tháng và chưa có kê khai thuế. Theo quy định thuế GTGT hiện hành, các đơn vị kinh doanh có doanh thu trên 20 tỷ đồng (tăng lên 50 tỷ đồng từ 1/2015) sẽ kê khai thuế theo quý.

Hiện chưa xác định được Uber có doanh số bao nhiêu và nghĩa vụ thuế GTGT như thế nào; về thuế TNDN, cũng phải kết thúc ngày 30/12/2015 mới tính toán được. “Trong trường hợp Uber xin gộp 2-3 tháng năm 2014 vào năm tài chính 2015, phải đến 30/12/2016 mới phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN”, một chuyên gia thuế (đề nghị giấu tên) phân tích.

Dùng dịch vụ thẻ để quản lý thuế

Về việc xác định doanh thu để tính thuế của Uber và nghĩa vụ thuế khác của các đối tượng liên quan (người lái xe và người đi xe) bà Cúc nói: “Nếu dịch vụ Uber thanh toán qua thẻ tín dụng, có thể kiểm soát được qua trung tâm thẻ của các ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng đó.

Điều quan trọng bây giờ là xác định xem Uber là đơn vị kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào, rồi mới tính đến bước tiếp theo. Nếu hoạt động theo tư cách doanh nghiệp vận tải, khả năng nghĩa vụ thuế sẽ nhẹ hơn. Nếu cung cấp dịch vụ môi giới, hay phần mềm trực tuyến, nghĩa vụ thuế sẽ cao hơn.

Điều này tùy vào tính chất ngành nghề mà Uber đăng ký”. Theo quy định, bất cứ đơn vị, cá nhân nào phát sinh hoạt động kinh doanh có thu nhập đều phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: uber , uber co tron duoc thue , dinh gia uber , taxi uber , taxi uber hoat dong tai viet , kinh doanh van tai , phat trien o viet nam , tin , bao