Có hơn 250 triệu USD sau đợt IPO lịch sử trị giá 1,7 tỷ USD tại Mỹ, Dung Tấn Trung về Việt Nam đầu tư vào thanh toán trực tuyến và tín dụng vi mô.
Ông Dung Tấn Trung. |
Năm 1998, Forbes Mỹ giới thiệu Dung Tấn Trung trên bìa “Tangling the web” khi ông giữ vai trò sáng lập viên, Giám đốc công nghệ của công ty OnDisplay. Sau đó, OnDisplay được IPO giá 1,7 tỷ USD, trở thành một trong những vụ IPO thành công nhất nước Mỹ thời điểm đó. Người ta gọi ông là tỷ phú Mỹ gốc Việt.
“Thực sự mình không phải tỷ phú. Mà chuyện đó qua lâu rồi, mình cũng không muốn nhắc lại”, ông nói khi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam tại văn phòng MobiVi (công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú) ở TP.HCM. Ông cho biết cá nhân mình thu 15% giá trị của thương vụ IPO đó (tương đương 255 triệu USD).
Bây giờ, với kỹ thuật lập trình viên và đầu óc doanh nhân, ông Dung Tấn Trung có tham vọng khai phá thị trường còn sơ khởi ở Việt Nam: thanh toán điện tử với các công cụ như ví điện tử và tín dụng vi mô.
Năm 1992, khi 25 tuổi và rời Sài Gòn được 7 năm, lần đầu tiên chàng tri gốc Chăm làm quen với công cụ trình duyệt ở đại học Illinois và cảm nhận ngay đây sẽ là cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghệ thông tin. Lần khởi nghiệp 15 năm trước rơi đúng thời bùng nổ Internet; ý tưởng hay kết hợp điểm rơi thị trường giúp ông thành công lớn ở thung lũng Silicon.
Ứng dụng phổ biến nhất của OnDisplay là giúp các website xây dựng chức năng mua sắm so sánh (giá cả, ngày giao hàng, hàng có săn…) của nhiều nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm để người tiêu dùng khỏi phải đi nhiều nơi. Bí quyết thành công của thương vụ IPO OnDisplaay đơn giản: “Đón trước được sự bùng nổ thị trường xảy ra năm 1998, thị trường có nhu cầu và mình có sản phẩm. Dù trước đó, ông cũng phải qua thời gian dài thuyết phục nhà đầu tư mà “mình gặp 10 thì 9 người không hiểu mình nói gì”.
Trong những công ty đầu tư ông thuyết phục thành công đó là Matrix Partners, nằm trong nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm thành công nhất của Mỹ trong 30 năm qua. Với khoảng 30 triệu USD ông huy động cho dự án, “các nhà đầu tư đã thu lợi không dưới 700 triệu USD”, ông cho biết.
Sinh năm 1967, Dung Tấn Trung đến Mỹ khi đã 18 tuổi. Ông học toán – khoa học máy tính tại đại học Massachusetts, rồi cao học khoa học máy tính tại đại học Boston, bỏ dở chương trình tiến sĩ để khởi nghiệp với OnDisplay. Theo lời ông, dù “không biết gì về tài chính, xây dựng công ty; tôi chỉ là kỹ sư phàn mềm, nhưng nghĩ tới viễn cảnh các website tự động tìm kiếm thông tin và xử lý thông tin sẽ xảy ra.”
Sau khởi đầu thành công vượt trội, từ 2001 – 2005, ông mở công ty thứ hai, Fogbreak. Ông đặt tham vọng cao hơn, cùng đối tác tạo phần mềm quản trị quy trình sản xuất thuê ngoài, bán cho doanh nghiệp rất lớn. Mỗi doanh nghiệp chi từ 250.000 - đến 1 triệu USD, và phải mất 6 tháng – 1 năm triển khai. Tổng cộng, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư từ 1 – 2 triệu USD. Mô hình truyền thống đáng lý sẽ vẫn như vậy nếu Mỹ không suy thoái, buộc doanh nghiệp cân nhắc hơn.
Ba khách hàng đầu tiên đồng ý trả mỗi người 1 triệu USD để triển khai phần mềm Fog Break. Những chào đón nồng nhiệt không đồng nghĩa với thành công lâu dài. Khách hàng ít, không ổn định là thách thức lớn; cho tới khi ông nhận ra thị trường thay đổi.
Nhưng đã quá trễ. Trong 13 triệu USD huy động được cộng thêm 2 triệu USD của ông, ông chi gần hết 2/3, cuối cùng trả tiền lại cho nhà đầu tư vì thấy khó thành công. “Tôi không thực sự cảm nhận được mô hình thuê và cho thuê, hay dự báo xu hướng thị trường từ năm 2001”, ông nói.
Ông Dung Tấn Trung tin rằng: “Bản chất của doanh nhân là nhìn màu hồng của cuộc đời nhiều hơn màu đen”.
Sau thành công rực rỡ là thất bại đầu tiên
“Tôi từng nghĩ công nghệ quan trọng nhất, nhưng sau chuyến đó tôi hiểu mô hinh kinh doanh, giải quyết được nhu cầu của khách hàng mới là quan trọng. Mình có sản phẩm tốt mà người ta không mua được thì cũng không thành công. Vậy mình phải có mô hình phù hợp với thị trường và đó là cái quan trọng hơn công nghệ”, ông Trung chia sẻ. Nhưng Dung Tấn Trung tin rằng: “Bản chất của doanh nhân là nhìn màu hồng của cuộc đời nhiều hơn màu đen”.
Ông hầu như không biết nhiều về thị trường Việt Nam cho tới năm 2006, lần đầu về nước và thấy không khí “nóng rực như thời khởi nghiệp ở thung lũng Silicon". Ông thấy cơ hội xây dựng hệ thông thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam – thị trường hầu như còn rất sơ khai lúc đó. Một năm sau, ông lập MoBiVi, và hiện nắm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc.
“Đó là con người có nhiều ý tưởng và có khả năng nhìn thấu được thị trường”, Võ Thanh Nhàn, người từng làm Giám đốc kinh doanh của MoBiVi nhận xét về ông Dung sau gần ba năm quen biết.
MoBiVi là một trong 10 đơn vị được phép thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán. Mô hình ông Trung mang về là cung cấp công cụ thanh toán giống như PayPal dành cho người Việt. Ông cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất khung pháp lý để có thể cung cấp giấy phép hoạt động chính thức cho MoBiVi. Khách hàng sử dụng ví điện tử của công ty mua thẻ game, thẻ điện thoại, đặt vé xe, vé máy bay và thanh toán hóa đơn. Ngoài ra, công ty cung cấp giải pháp thanh toán, dịch vụ kiều hối và mua sắm trực tuyến. Công ty cũng xây dựng hệ thống phân phối trưc tuyến, tập trung các nhà cung cấp dịch vụ. Đến nay, MoBiVi cho biết, có khoảng 4.000 đại lý có thể tiếp cận kho hàng đó chỉ bằng vài cái nhấp chuột hay nhắn tin.
Ông Nguyễn Hoàng Ly, người được biết đến với sản phẩm Payoo của công ty cổ phần dịch vị trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), hiện là Chủ tịch công ty cổ phần Komtek nhớ lại thời gian khó khăn khi VietUnion, MoBiVi và nhiều doanh nghiệp khác tham gia với Ngân hàng Nhà nước tạo khung pháp lý đầu tiên cho thanh toán điện tử. “Không ai hiểu chúng tôi đang nói gì”, ông Ly nói. Sau thời gian phát triển nền tảng, thị trường thanh toán điện tử và ví điện tử Việt Nam đang chững lại. Dù tiềm năng, các loại ví điện tử chưa chứng minh được sự vượt trội so với phương thức thanh toán giao hàng nhận tiền quen thuộc với người Việt Nam.
Ông Trung tìm ngã rẽ ba năm trước. Ông hướng ví điện tử tập trung hơn vào doanh nghiệp. Ngoài ra, ông liên kết với ngân hàng, cửa hàng gia dụng để cấp thẻ tín dụng cho nhóm đối tượng thu nhập ổn định nhưng “chưa được ngân hàng chăm sóc”.
Theo MoBiVi ước tính đó là khoảng 10 triệu người làm công chức, nhân viên doanh nghiệp thu nhập 5 – 15 triệu đồng/tháng. Hạn mức tín dụng 20 – 50 % mức lương tháng. Chủ thẻ ECC có thể mua hàng điện tử, gia dụng dưới 5 triệu đồng tại địa điểm đối tác của MoBiVi, đến cuối tháng họ sẽ bị cấn trừ tự động vào lương. Họ cũng có thế trả góp trong vài tháng, lãi suất 0%. Ông hy vọng sẽ tiến thêm một bước đưa thẻ tín dụng trở nên thông dụng ở Việt Nam.
Nhắm tới đối tương mà nhà kinh tế C.K. Prahalad gọi là “kho báu dưới đáy kim tự tháp” trong cuốn sách cùng tên, ông Trung tránh đối đầu với những “gã khổng lồ” cung cấp thẻ tín dụng. Nhóm khách hàng của ông Trung có khả năng cải thiện thu nhập, tuy chi tiêu không nhiều song nhờ số lượng lớn nên quy mô thị trường cho dịch vụ của ông không nhỏ. Việc kết hợp các doanh nghiệp vừa và lớn, các cơ quan Nhà nước là cách khôn ngoan để MoBiVi hạn chế rủi ro (liên quan đên khà năng chị trả của chủ lao động). Ngoài ra, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng kéo theo số người làm công ăn lương, được cấp thẻ tín dụng tăng lên, nhân rộng mô hình dễ hơn.
TS Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch công ty cổ phần Xu hướng Thời trang (concung.com), chuỗi siêu thị bán lẻ hàng hóa phổ thông dành cho mẹ và bé nói: “Nếu vay được tín dụng nhỏ và không phải trả lại như vậy, khách hàng quyết định mua hàng dễ hơn, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn và kịch thích mua hàng trên mạng. Mô hình này giải quyết tốt bài toán là thẻ tín dụng, vay nợ cho người thu nhập thấp trung bình khá và thúc đẩy thanh toán trực tuyến”.
Trong năm 2013, MoBiVi dự kiến phát hành 100.000 thẻ, năm 2014 là 500.000 – 700.000 thẻ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông, một trong những ngân hàng hợp tác phát hành thẻ với MoBiVi nói sản phẩm tín dụng lần này “khác với những sản phẩm có ở thị trường, vì hướng tới đối tượng có nhu cầu cụ thể, giao dịch thanh toán cho sản phẩm nhỏ hàng ngày”. Theo ông Tùng, cơ hội thành công là rất cao nhờ số người đi làm ngày càng đông, quản trị rủi ro độc đáo có thể kiểm soát được mục đích sử dụng và dòng tiền trả nợ. Đây là loại thẻ không nhắm tới số dư lớn mà là số giao dịch lớn.
“Tiềm năng của thị trường là khổng lồ”, ông Bolat Duisenov, Giám đốc quy đầu tư Kusto Việt Nam (một nhà đầu tư của MoBiVi), Ủy viên Hội đồng quản trị MoBiVi nhận xét.
Nhưng thách thức với mô hình này là triển khai nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, đảm bảo an toàn và giữ lòng trung thành của người dùng. Ngoài ra, duy trì nguồn vốn đầu tư (vì các doanh nghiệp bán hàng nhận được tiền ngay sau ngày bán, bằng giá bán bình thường, MoBiVi chỉ nhận tiền cuối tháng). Theo ông Dung Tấn Trung, giả sử mỗi khách thẻ được cấp tín dụng 2 triệu đồng mỗi tháng, MoBiVi cấn trừ 500 triệu – 1 tỷ đồng để hoạt động hàng tháng. Ngoài ra họ cần thêm các đối tác liên minh, cũng như mở rộng mạng lưới nguồn hàng. Nhưng nếu mô hình đầu tiên của Việt Nam này thành công, hy vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng tiêu dùng, ảnh hưởng lớn tới thị trường mua sắm trực tuyến ở Việt Nam.
“Không quá khó để bắt chước mô hình”, ông Tùng nhận xét. Nhưng ông Bolat lại cho rằng: “Nếu mô hình bị sao chép, thì còn tốt hơn, vì cho thấy chúng tôi không một mình một chợ. Cái bánh rất to, có người ngồi ăn cùng càng thích. Vấn đề không phải ai mạnh để đẩy người khác đi, mà ai giúp khách hàng hiểu sản phẩm của mình tốt nhất”.
Còn quá sớm để nói về thành công của mô hình tín dụng MoBiVi. Công ty có khoảng 150 nhân viên và vẫn trong giai đoạn đầu tư với số tiền 12 triệu USD, trong đó có từ 2 công ty mạo hiểm nước ngoài. Ông Trung thừa nhận nếu không từng thành công ở nước ngoài thì ông khó có khả năng kêu gọi được nguồn vốn đầu tư lớn như vậy. Ông hy vọng “cuối năm 2013 sẽ bắt đầu có lãi”.
Ông Trung ưa mặc quần kaki và áo thun đơn giản, đang sống cùng vợ và hai con gái sinh đôi ở TP.HCM; cha, hai chị em gái và con trai ông ở Mỹ. Gương mặt trong cuốn “The American Dream” (Giấc mơ Mỹ, về những điển hình thành công của người di cư đến Mỹ, Dan Rather, 2002) tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tạo khác biệt ở Việt Nam.
“Nhìn lại khi khởi nghiệp, tôi thấy tự hào vì đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển Internet”, ông Trung nói. “Tới một lúc nào đó, tiền không tạo khác biệt trong cuộc sống mình nữa. Với những gì đang làm hiện nay, tôi mong 20 năm sau, có thể nhìn lại và nói rằng, mình có đóng góp cho sự phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam".
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%