Trưởng khoa Nhi làm chết trẻ tại phòng khám riêng
Thứ sáu, 22/11/2013 08:03

Sự việc xảy ra vào chiều tối 20/11, tại phòng khám Hương Sen, địa chỉ số 90 phố Tía, xã Tô Hiệu (Thường Tín - Hà Nội).

Phòng khám Hương Sơn, do BS Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Thường Tín làm chủ đã khiến cháu Quân tử vong sau khi tiêm

Phòng khám Hương Sơn, do BS Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Thường Tín làm chủ đã khiến cháu Quân tử vong sau khi tiêm

Thấy bệnh nhân sốc thuốc không đưa đi cấp cứu

Theo thông tin từ ông Lương Văn Lượng - ông ngoại cháu Nguyễn Đình Quân, trú tại xã Tô Hiệu cung cấp, vì thời tiết chuyển mùa nên cháu Quân bị viêm phổi và có biểu hiện ho. Ngày 19/11, gia đình đã đưa cháu đến phòng khám tư Hương Sơn để khám và điều trị.

Tại đây, BS Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi BV Đa khoa Thường Tín đã trực tiếp tham gia khám cho cháu Quân. Qua nhận định, ông Sơn cho biết cháu Quân bị viêm phổi nên cần phải tiêm và cấp thuốc về nhà uống.

Gia đình cháu Quân đau buồn kể lại sự việc với PV.

"Mỗi mũi tiêm cho cháu Quân, ông Sơn thu 150.000 đồng. Chiều tối 19/11, ông Sơn tiêm mũi đầu tiên cho cháu Quân. Mũi tiêm này, ông Sơn có tiến hành bước thử nghiệm xem thằng bé có bị phản ứng với thuốc tiêm hay không rồi sau đó mới tiêm cho nó.

Ngày đầu tiên đến khám, ông Sơn tiêm cho nó một mũi và cấp thuốc về nhà uống, hẹn hôm sau ra tiêm tiếp mũi thứ hai".

Sáng 20/11, bệnh của cháu Quân có biểu hiện khá hơn khi không còn ho dai dẳng kéo dài và vẫn nô đùa, ăn ngủ như những đứa trẻ bình thường. Nhưng muốn làm theo đúng chỉ dẫn của ông Sơn để cho cháu khỏi bệnh nên chiều tối ngày 20/11, gia đình đưa cháu Quân đến nhà ông Sơn tiêm tiếp mũi thứ hai.

Trong lần tiêm thứ 2 này, ông Sơn không tiến hành bước thử nghiệm xem cháu Quân có bị sốc thuốc hay không mà đã tiến hành tiêm luôn cho cháu bé. Khi gia đình có thắc mắc thì ông Sơn có nói với ý là đã thử vào hôm qua rồi.

Tuy nhiên, khi tiêm xong mũi thứ 2, lúc gia đình đưa cháu Quân ra tới cửa phòng khám thì thấy cháu Quân có biểu hiện rù đi, sùi bọt mép. Lúc này, gia đình mới hoảng quá bế cháu Quân quay ngược trở lại vào trong phòng khám để ông Sơn cấp cứu.

Tuy nhiên, lúc này ông Sơn không hướng dẫn gia đình đưa cháu Quân đi đến bệnh viện cấp cứu luôn (mặc dù Bệnh viện Nông nghiệp chỉ cách đó khoảng 7km - PV) mà giữ lại truyền cho cháu Quân mấy chai dịch và có tiêm tiếp một mũi thuốc gì đó. Mãi đến khi không thấy cháu Quân có biểu hiện hồi tỉnh thì ông Sơn mới bảo gia đình gọi xe đưa lên Bệnh viện Nông nghiệp cấp cứu.

"Thế nhưng, khi mới vào tới Bệnh viện Nông nghiệp, các bác sĩ ở đây đã kết luận cháu Quân đã tử vong từ trước khi đưa đến Bệnh viện trước sự sững sờ của tất cả mọi người có mặt ở đó", ông Lượng đau buồn kể lại.

Đồng thời, ông Lượng làm rõ thêm: "Quãng thời gian xảy ra sự việc vào khoảng 17h30 ngày 20/11, nhưng mãi hơn 1 tiếng sau, khi biết mình không thể cứu sống được cháu bé thì ông Phạm Anh Sơn mới cho gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nông nghiệp cấp cứu. Nếu ông Sơn không làm sai quy trình tiêm, hay cho gia đình đưa cháu Quân đi cấp cứu sớm hơn thì đã không xảy ra cơ sự này".

Số thuốc BS Phạm Anh Sơn bán cho cháu Quân về nhà uống.

Đã từng tiêm chết trẻ nhưng vẫn vô tư hoạt động

Ngay sau khi kết luận cháu Nguyễn Đình Quân, 16 tháng tuổi tử vong trước khi đưa vào viện, các bác sĩ ở Bệnh viện Nông nghiệp đã thông báo sự việc cho cơ quan chức năng.

Công an huyện Thường Tín cũng đã có mặt để tiến hành lập biên bản, giám định pháp y nạn nhân rồi bàn giao thi thể cháu Quân cho gia đình an táng vào sáng ngày 21/11. Hiện chưa có kết quả giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của cháu Nguyễn Đình Quân.

Chiều 21/11, ông Nguyễn Hữu Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín đã xác nhận sự việc. Ông Luân cho biết, BS Phạm Anh Sơn hiện tại đang là Trưởng Khoa Nhi, công tác tại bệnh viện Đa khoa Thường Tín.

Trước khi sự việc xảy ra với cháu Quân, vào tháng 6/2013 một cháu bé khác ở xã Hà Vĩ cũng đã tử vong sau khi được ông Phạm Anh Sơn tiêm nhưng sau đó ông Sơn vẫn tiếp tục hoạt động phòng khám tư của mình mà không có bất cứ điều gì thay đổi.

Biên bản xử phạt phong khám Hương Sơn vào tháng 6/2013 vì hoạt động trái phép.

Theo ông Luân, ông Phạm Anh Sơn đã mở phòng khám tại nhà riêng gần 20 năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được cấp giấy hoạt động. Nhiều lần cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhưng có lần thấy phòng khám của ông Sơn đóng cửa, có lần bắt được đang khám có yêu cầu ông Sơn dừng ngay việc khám chưa bệnh trái phép lại nhưng sự việc này vẫn cứ diễn ra.

"Vào tháng 6/2013 - thời điểm ông Sơn tiêm cho cháu bé ở xã Hà Vĩ tử vong, cơ quan chức năng huyện Thường Tín có tiến hành lập biên bản xử phạt tình trạng hoạt động phòng khám trái phép của BS Phạm Anh Sơn. Gần đây nhân có vụ Cát Tường nên ngày thứ 7 vừa rồi (ngày 16/11) Phòng Y tế huyện có xuống địa bàn xã Tô Hiệu kiểm tra nhưng không thấy phòng khám của ông Sơn hoạt động...", ông Luân phân trần.

"Bảo tôi nhận trách nhiệm là không được"

Khi nói về trách nhiệm để xảy ra sự việc làm chết trẻ tại phòng khám tư chưa được cấp phép hoạt động, ông Luân bày tỏ quan điểm: "Việc kiểm tra phòng khám tư nhân trên địa bàn là thường kiểm tra theo quý, hoặc kiểm tra đột xuất.

Trường hợp phòng khám của ông Phạm Anh Sơn huyện đã phát hiện và xử lý sai phạm không có giấy phép hành nghề rồi, đồng thời cũng đã đình chỉ giấy phép hành nghề của ông Phạm Anh Sơn.

Vụ Cát Tường, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng nhận trách nhiệm là bởi vì trên địa bàn mà không có xử phạt gì. Còn ở đây, Phòng Y tế huyện Thường Tín đã tham mưu cho huyện rồi, kiểm tra rồi, anh không có giấy phép hoạt động tôi đã xử lý rồi, tôi đi kiểm tra thì anh không có hoạt động...

Vậy bây giờ bảo tôi nhận trách nhiệm là không được. Anh bảo Phòng Y tế huyện phải đi kiểm tra nhưng không thể suốt ngày đi kiểm tra, còn văn bản Nhà nước đã quy định rõ ràng rồi, anh sai anh phải chịu trách nhiệm".

Về sự việc cháu bé ở xã Hà Vĩ tử vong sau khi được ông Phạm Anh Sơn tiêm mà phòng khám Hương Sơn vẫn vô tư hoạt động trên địa bàn, ông Luân giải thích: "Trong trường hợp này, đã có sự thỏa thuận của 2 bên, phía gia đình nạn nhân cũng không có ý kiến khiếu kiện gì cả. Phía công an cũng không có ý kiến gì, mà chúng tôi cũng đi phối hợp với công an....

Có nhiều thông tin cho biết, sau đó ông Sơn vẫn mở phòng khám như bình thường nhưng đó là thông tin dư luận, khi chúng tôi xuống kiểm tra thì phòng khám Hương Sơn đóng cửa.

Lúc tôi hỏi ông Sơn thì ông Sơn cũng bảo dừng rồi. Trách nhiệm của Phòng Y tế đã cố gắng làm hết mức để làm sao đúng với luật pháp".

Chiều ngày 21/11, PV tìm đến phòng khám Hương Sơn để tìm gặp BS Phạm Anh Sơn nhưng thấy phòng khám này đã đóng cửa, bên cạnh chỉ có cửa hàng bán sữa (cũng do ông Sơn làm chủ - PV) là vẫn mở cửa. Các nhân viên ở cửa hàng bán sữa này cho biết, hiện tại vợ chồng ông Sơn đều không có nhà. Cụ thể vợ chồng ông Sơn đi đâu thì không được rõ, điện thoại cũng không liên lạc được.

Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của báo Đất Việt thì chiều ngày 21/11, ông Phạm Anh Sơn đã bị cơ quan công an huyện Thường Tín triệu tập để điều tra về vụ việc.

Cơ sở y tế không phép ở Hà Nội vẫn hoạt động hết năm 2013?

Theo thông báo khẩn của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/1/2014 tất cả các cơ sở hành nghề ngoài công lập chưa có giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh sẽ không được tiếp tục hoạt động.

Cùng với thông báo này, Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân theo quy định tại Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân khẩn trương thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và liên hệ nộp hồ sơ về Sở Y tế Hà Nội trước ngày 20/11/2013.

Tình trạng cơ sở hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh (hành nghề không phép) vẫn tồn tại trên địa bàn Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Sở Y tế cũng đã lập danh sách hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 561 cơ sở hành nghề y và 178 cơ sở hành nghề y học cổ truyền chưa thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động theo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

 

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Phòng khám tư nhân , Khoa Nhi , Trẻ tử vong , Cơ sở y tế tư nhân , Bệnh viện Đa khoa Thường Tín , Hà Nội