Trung úy cảnh sát trả lại bọc tiền cho người bị rơi
Thứ năm, 16/10/2014 11:23

Nhìn bọc tiền được gói gém giản dị mà cẩn thận, tôi đoán người mất tiền là người ở quê, có hoàn cảnh khó khăn nên anh em trong đội gấp rút tìm cách liên lạc để trả lại'.

Trung úy cảnh sát trả lại bọc tiền cho người bị rơi

Trung úy cảnh sát trả lại bọc tiền cho người bị rơi

Từ hành động nhặt được tiền

Dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát Trung úy Đinh Cao Thắng (SN 1987, CSGT Đội 14, CATP Hà Nội) cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 13/10 khi anh đang thực thi nhiệm vụ tại khu vực ngã ba Pháp Vân (đoạn gần bến xe Nước Ngầm) thì nhìn thấy một bọc ni lông đã ngả màu rơi dưới chân cột đèn tín hiệu.

Nghĩ là bọc rác do hành khách đi xe vứt xuống nên Trung úy Thắng nhặt lên với ý định cho vào thùng rác. Tuy nhiên, khi cầm bọc ni lông trên tay, thấy cồm cộm, linh cảm như có cái gì chứa bên trong không phải là rác Trung úy Thắng mở ra kiểm tra thì phát hiện trong bọc ni lông đó là 10 triệu tiền mặt được bao bên ngoài bởi một quyển sổ hộ khẩu photo công chứng.

Qua số điện thoại ghi ở bên ngoài bọc tiền, Trung úy Thắng nhanh chóng liên lạc với số máy thì được biết người bị rơi tiền là cô Bùi Thị Chín (sinh năm 1969, xóm 13, xã Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định).

Vừa vồn vã thông báo cho cô Chín yên tâm về số tiền mình đánh mất đã được 'an toàn', vị Trung úy trẻ này còn nhanh nhẹn trấn tĩnh cô Chín, chỉ dẫn cô đến chốt giao thông khu vực ngã ba Pháp Vân để xác minh, nhận lại số tiền của mình.

'Nhìn bọc tiền được gói gém giản dị mà cẩn thận với đủ loại mệnh giá, tôi đoán người mất tiền là người ở quê, có hoàn cảnh khó khăn', Trung úy Thắng tâm sự.

tien-nhat-duoc1

Số tiền 10 triệu được bọc trong một chiếc túi bóng đã ngả màu

Đến cứu đói cho người đàn ông 3 ngày chưa một hạt cơm

Không chỉ được biết đến là một người tận tụy với nghề, không ngại khó ngại khổ, nhiều lần được cơ quan, lãnh đạo khen thưởng, Trung úy Thắng còn được biết đến là một người sống gần gũi, tình cảm và bao dung đối với người nghèo khó.

Nhắc lại kỷ niệm đồng thời cũng là nỗi bứt rứt trong tâm khảm của mình, anh Thắng tâm sự: 'ngày 16/4/2014 cũng trong thời gian thực thi nhiệm vụ trên chốt giao thông ngã ba Pháp Vân – Giải Phóng, tôi nhìn thấy một người đàn ông với dáng vẻ mệt mỏi, đang lết từng bước giữa trời nắng rồi đột nhiên ngã sụp xuống. Tôi và đồng đội chạy lại dìu người đàn ông vào chỗ râm, gọi cấp cứu đồng thời tiến hành sơ cứu ban đầu.'

Đó là anh Hoàng Văn Đương, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ ly hôn rồi mang con vào Nam sinh sống, bỏ lại anh một mình nuôi bố mẹ già, Không nghề nghiệp ổn định, anh lên Hà Nội tìm việc làm những mong có thêm đồng ra đồng vào gửi về nuôi bố mẹ. Tuy nhiên, do chưa tìm được việc làm, không có tiền nên anh nhịn đói đã ba ngày trước khi kiệt sức ngất xỉu.

Câu chuyện buồn từ một người xa lạ khiến anh và đồng đội chạnh lòng. Không ai bảo ai, người năm chục, người vài trăm góp lại giúp anh Đương lộ phí về quê. Riêng Trung úy Thắng, không chỉ đưa anh Đương ra bến xe, mua vé mà còn cẩn thận cho anh Đương số điện thoại để khi về đến nhà sẽ thông tin cho mọi người yên tâm.

Sự việc xảy ra đã nửa năm nhưng khi nhắc lại vẫn khiến anh day dứt, luôn tự trách mình lúc đó không xin số điện thoại để có thể chủ động liên lạc.

'Từ hôm anh Đương về chúng tôi chưa nhận được tin gì từ anh ấy nên cũng thấy lo lo. Hi vọng mọi chuyện tốt đẹp và may mắn sẽ đến với anh Đương', Trung úy Thắng tâm sự.

Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: canh sat giao thong , nhat duoc tien , canh sat giao thong tra tien cho nguoi dan , csgt , lam viec thien , tin , bao