Phản hồi về kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT về tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu ở các trường thuộc địa bàn Hà Nội, độc giả cho rằng sai phạm trên thực tế nhiều hơn kết quả mà Bộ đưa ra rất nhiều và tình trạng này không chỉ là vấn đề của riêng thủ đô.
Ảnh: Hương Giang |
1001 kiểu ép học thêm
Một độc giả ở Hà Nội nêu thực trạng, không riêng trường điểm mà nhiều trường không điểm cũng dạy thêm tràn lan. Các cô thuê trung tâm và nhà dân rồi núp danh bồi dưỡng kiến thức để dạy thêm. Cứ mỗi buổi học 2 tiếng các cháu phải trả 100.000 đồng.
Ở khu vực Mỹ Đình - một độc giả cho biết: “Tôi cũng có con lớp 1 và phải đi học thêm vì nếu không đi sẽ bị kém ngay (vì so sánh giữa lúc trước và sau khi đi học thêm mà, khác hẳn luôn), mặc dù mình kiểm tra con mình đọc và viết là khá tốt”.
Bức xúc về việc nhà trường gợi ý hội phụ huynh yêu cầu cha mẹ viết đơn xin học thêm dưới tinh thần tự nguyện, phụ huynh Nguyễn Thị Nhung cho rằng hình thức thì tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc...
Nhiều phụ huynh ở khu vực ngoại thành Hà Nội, các tỉnh khác cũng chia sẻ hiện trạng này không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn hay thủ đô. Anh Nguyễn Hữu Thông cho biết “quê tôi một huyện nghèo ngoại thành Hà Nội mà các cháu học lớp 2 đóng góp đến 1,8 triệu đồng”.
Thậm chí, người trong ngành cũng cảm thấy lo ngại trước tình hình dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu tiền trường hiện nay: “Mặc dù chúng tôi là giáo viên nhưng khi nhìn vào những khoản đóng góp của trò, chúng tôi không khỏi ngao ngán!” Một giáo viên ở Bắc Ninh còn đưa ra đề nghị Bộ GD-ĐT nên thanh tra khu vực này vì “hầu hết các sai phạm mà thanh tra đã đưa ra ở Hà Nội thì trường tôi đều có”.
Không đồng tình với việc nhà trường “ép phụ huynh các cháu mới vào lớp 1 tình nguyện cho con em học tiếng Anh do người nước ngoài dạy với chi phí lớn”, một phụ huynh bức xúc: “Các cháu chưa biết chữ cái nhưng giao bài điền từ còn thiếu bằng tiếng Anh... Thật là lối dạy không có khoa học!”
Thậm chí, một phụ huynh tên Mai còn phàn nàn về việc con chị mới đang học lớp 4 tuổi ở trường mầm non công, trường chuẩn quốc gia mà cũng phải đóng tiền học thêm môn năng khiếu. Điều chị thắc mắc là những môn được cho là học thêm này lại được học trong giờ học bình thường, tại lớp học. “Vì vậy mình có muốn không cho con học cũng khó. Khi các bạn được học, được chơi, được vẽ, được múa thì chả nhẽ con mình cứ ngồi nhìn "mồm" à? Vì vậy về nhà các bé cứ đòi ba mẹ cho đi học "năng khiếu". Không thể hiểu nỗi nữa…”
Độc giả Quân thì thắc mắc trường học của con anh có tới 2 giáo trình môn tiếng Anh. “Một tuần có đến 4 buổi học tiếng Anh. Không hiểu giảm tải như thế nào, gần như là ép các cháu học”.
Cần đường dây "nóng" để tố dạy thêm
Rất nhiều giải pháp đã được bạn đọc đưa ra để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu ở các trường. Một số độc giả cho rằng Bộ, Sở không nên thanh tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần thanh tra diện rộng.
"Hoặc, muốn thanh tra các bác cứ đóng vai một phụ huynh đến các trường hỏi thăm các phụ huynh biết thực tế” – một bạn đọc hiến kế.
Một ý kiến được nhiều người tán thành là nên trao trách nhiệm cho Hiệu trưởng và lãnh đạo cao nhất của các trường sai phạm. “Cần có một hòm thư, một địa chỉ tố cáo dưới nhiều hình thức, được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin và tiếp nhận thông tin tố cáo một cách nghiêm túc thì mới dẹp được nạn dạy thêm học thêm vô tổ chức này” – một bạn đọc đưa giải pháp. Độc giả này cũng lo ngại: “Tình hình hiện nay, ai cũng khó khăn cả, cứ lấy lý do thu nhập thấp để làm sai thì còn bao nhiêu ngành cũng thu nhập thấp đều làm sai thì xã hội sẽ như thế nào?”
Đặc biệt, bạn đọc Nguyễn Kiên mạnh dạn đưa giải pháp “giải tán Hội cha mẹ học sinh” vì “lâu nay Hội cha mẹ học sinh như một công cụ thu tiền ngoài quy định hộ nhà trường và sử dụng tiền đóng góp của các phụ huynh khác để tặng quà, biếu xén các thầy cô nhân ngày Lễ, tết mà thôi!” Độc giả Kiên cho rằng, Hội Phụ huynh “hoạt động không thực sự như mục đích và tôn chỉ đề ra. Nếu không giải tán vì nhiều lý do khác thì cần phải cấm Hội thu tiền dưới mọi hình thức, các khoản chi cần thiết phải có kế hoạch sử dụng, thông báo rõ ràng và nhà trường đứng ra thu hộ”.
Trước thực trạng này, bạn đọc Đỗ Hùng tỏ ra ái ngại và cho rằng cần kêu gọi trách nhiệm từ tất cả các phía: “Nhìn các em bé lớp 1 đã phải đến nhà cô chủ nhiệm học thêm vào thứ 7, Chủ nhật - dù đã học 2 buổi các ngày trong tuần mà thương các em đang bị đánh cắp tuổi thơ..”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?