Trị viêm họng bằng tỏi sống, dùng gừng tươi chữa chứng thấp khớp
Thứ hai, 05/05/2014 09:13

Chỉ cần nhai vài tép tỏi sống có thể cắt chứng viêm họng, tăng khả năng thị lực bằng trái gấc.

Tỏi sống có thể trị dứt chứng viêm họng

Tỏi sống có thể trị dứt chứng viêm họng

Đó là những kinh nghiệm trị bệnh cực kì đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao mà Tiến sĩ triết học - Lương y Đoàn Ngọc Minh (57 tuổi, công tác tại khoa Triết, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ.

Chữa viêm họng bằng tỏi sống

Một trong những chứng bệnh, theo ông Minh, rất hay mắc phải hiện nay, đó là viêm họng. Chứng bệnh này tuy không quá nguy hiểm nhưng gây bất tiện đến sinh hoạt cá nhân. Ông Minh cho hay có thể chữa chứng bệnh này cực kì đơn giản bằng cách nhai mỗi lần 4 - 5 tép tỏi sống, mỗi ngày ăn tỏi 3 - 4 lần, chỉ cần 1 - 2 ngày sẽ khỏi hẳn. Trong củ tỏi chứa nhiều tinh chất có tác dụng kháng đến 72 loại khuẩn khác nhau. Việc nhai tỏi nhằm tận dụng triệt để các tinh chất đó.

Cần chú ý, người bị viêm họng không sử dụng nước đá hoặc nước quá lạnh để uống. Ngoài ra, ăn tỏi, uống rượu tỏi còn giúp làm vững thành mạch, giảm nguy cơ vỡ mạch máu. Ăn tỏi sống hơi khó bởi mùi nồng nhưng bù lại công hiệu trị bệnh cao, còn đem tỏi ngâm rượu hay chế biến chín sẽ làm giảm công năng của dược liệu này.

Liên quan đến tỏi, ông Minh chỉ dẫn thêm cách chế biến món bò bít tết vừa là món ăn ngon, vừa là bài thuốc bổ máu, tăng sức đề kháng. Lấy tép tỏi nhét đều vào phần thịt bò, sau đó cho lên chảo, bật lửa thật lớn rồi đảo qua đảo về vài lần. Sau đó cho ra dĩa ăn ngay. Thịt bò giúp bổ máu, tăng chất đạm kết hợp với tinh chất trong củ tỏi sẽ mang lại khả năng kháng viêm rất tốt.

Ông Minh cho biết thêm loại thực phẩm đồng thời là dược liệu dễ kiếm là trái gấc. Sử dụng quả gấc chế biến món ăn (ví dụ nấu xôi gấc), hoặc nấu nước trái gấc để uống trực tiếp sẽ giúp cải thiện thị lực đáng kể, bổ mắt, bởi trong quả gấc chứa nhiều vitamin A.

Nhiều người thường bị các chứng đau nhức tứ chi, đau nhức khớp rất khó chịu. Để phòng trừ chứng bệnh này, ông Minh hướng dẫn một số phương pháp. Trước tiên cần giữ ấm cơ thể bởi khi bị “hàn” (lạnh) tấn công dẫn đến cơ thể đau nhức. Phương pháp giữ ấm đơn giản nhất là dùng một số loại dầu nóng có sẵn trên thị trường bôi vào lòng bàn chân, nơi có rất nhiều mạch máu “trú ngụ”, giúp cơ thể bổ “ôn” (bổ sung tính ấm). Cũng có thể thay thế bôi dầu bằng bôi cây ngải cứu, gừng tươi giã nát.

Ngoài ra, việc hãm nước gừng tươi để uống mỗi ngày cũng là phương pháp bổ ấm cơ thể cực kì hiệu quả nhưng lại ít tốn kém. Nếu kì công hơn, nên áp dụng bài thuốc bổ “ôn” gồm: Sả, lá lốt, gừng và quế chi. Đem tất cả nấu nước uống như nước uống hằng ngày.

Ông Minh cho hay người bệnh muốn chữa bệnh thành công, trước tiên cần tăng sức khoẻ cho chính cơ thể mình, bổ sung dinh dưỡng trực tiếp thông qua quá trình ăn uống thường ngày. Trong trường hợp những người bệnh có dấu hiệu nhác ăn, không thèm ăn, có thể sử dụng phương pháp thuỷ châm huyệt túc tâm lý. Dùng gừng tươi trộn với vỏ quýt trộn đều, đem nấu nước uống cũng là bài thuốc kích thích sự thèm ăn.

Tự chế bài thuốc chữa viêm xoang, tăng sức đề kháng

Theo ông Minh, trong cuộc sống ngày nay, việc thường xuyên ra vào phòng máy lạnh hoặc đi lại nhiều ngoài đường sẽ hít phải nhiều khí độc dẫn đến viêm xoang. Đây cũng được xếp vào chứng bệnh dễ mắc phải. Viêm xoang khi đã trở thành mãn tính rất khó chữa trị. Để phòng tránh viêm xoang, trước tiên cần biết cách phòng tránh, cụ thể như: Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế ra vào phòng có máy lạnh, thi thoảng chúc ngược đầu để tăng cường máu lưu thông lên não (đối với người bị tai biến thì không nên). Ngoài ra có thể sử dụng bài thuốc bổ thận dương để đẩy lùi bệnh viêm xoang, bài thuốc gồm các dược liệu chính: Tân di hoa, xuyên khung, bạch chỉ (10 - 12g/ vị). Cách thức sử dụng khá đơn giản, chỉ việc đem sắc lấy nước uống.

Mẹo vặt khác ông Minh chia sẻ với bạn đọc trong số báo này, đó là bài thuốc tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh thông thường bằng nhóm dược liệu: Sả, củ gừng dập nát, cỏ mực, hương phụ, sen (gồm củ, lá cành), cây đinh lăng và tía tô, mỗi thứ mỗi nắm nhỏ ước lượng bằng tay. Đem tất cả dược liệu đun lấy nước uống hằng ngày. Sử dụng các dược liệu trên ở dạng tươi mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra có thể sử dụng ở dạng phơi khô nhưng hiệu quả sẽ giảm sút, song bù lại sự tiện lợi, dễ bảo quản và dự trữ thuốc dài ngày. Hiệu quả nhất là đem dược liệu giữ nguyên chiết lấy nước để uống. Bài thuốc này, theo ông Minh, giúp cơ thể ăn ngon, chống mệt mỏi và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ông Minh chia sẻ con đường đến với nghề y của mình thật tình cờ. Ông vốn theo học ngành điện tại trường kỹ nghệ Cao Thắng, rồi chuyển sang học ngành văn, trở thành giáo viên dạy văn. Bấy giờ thấy nhiều người nghèo khó không có điều kiện chữa bệnh, thầy giáo Minh đã đứng ra vận động các thầy thuốc khắp TP.HCM khám bệnh từ thiện tại phòng khám ở quận 4. Thế nhưng do là khám chữa bệnh không công, các lương y dần dần rời phòng khám chỉ sau thời gian ngắn. Ông tự hỏi: “Tại sao mình không làm được”. Ông theo học lớp châm cứu, rồi hoàn thành khoá học Y học cổ truyền tại trường ĐH Y dược TP.HCM. Để có thêm kĩ năng nghề y, ông cũng tự mình học thêm Hán văn để học hỏi kinh nghiệm trong các sách y học cổ. Bằng nỗ lực phi thường, thầy giáo dạy văn trở thành giảng viên ngành y.

Lương y Minh là người đầu tiên ở trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nghiên cứu sâu đề tài khoa học bàn về mối tương quan giữa triết học và đông y. Hiện bên cạnh cương vị giảng viên đại học, vị tiến sĩ vẫn khám bệnh từ thiện giúp người tại nhà riêng.

Ông Minh tự bạch, vợ ông vốn mắc bệnh nên vợ chồng thuộc diện hiếm muộn. Nhờ YHCT, ông đã có được cậu con trai độc nhất ở tuổi 40. “Nói nhờ hoàn toàn vào YHCT thì hơi quá, nhưng dựa trên những kết quả xét nghiệm của Tây y, tôi đã chế thuốc bổ dưỡng cho cả hai vợ chồng cùng uống”, ông cười.

Mai Long (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: toi song , chua viem hong , bai thuoc chua viem hong , chua thap khop , gung tuoi , thuoc nam , tin , bao