Trẻ nhỏ bị hại "lâm sàng" bằng bình sữa
Thứ tư, 19/06/2013 08:04

Trong một báo cáo năm 2007 của tổ chức môi trường California cho thấy khi đun nóng bình sữa nhựa có chứa BPA thì lượng BPA tiết ra là khá cao.

BPA làm cho hệ  sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường.

BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường.

Thương con không ngờ hại con!

Phượng -một bà mẹ trẻ ở TP.Hồ Chí Minh khá kỹ tính trong việc chăm sóc con. Chị luôn tráng, thậm chí luộc cả bình sữa trước khi pha sữa cho con, thế nhưng chị cũng như nhiều bà mẹ khác không thể ngờ rằng chính hành động này đã vô tình hại con trẻ.

Khi chúng ta tiệt trùng bình sữa bằng cách đun sôi thì vô tình chất BPA sẽ xuất hiện trên bề mặt bên trong bình sữa, vì thế trước khi pha sữa chúng ta nên tráng bình bằng một ít nước chín đã để nguội nhằm dội đi chất BPA có trong bình sữa.

BPA không phải chất quá xa lạ với ngành công nghiệp nhựa, đặc biệt tác hại của chất này được phát hiện trong nhiều báo cáo khoa học của các nhóm nghiên cứu độc lập.

Trong bản đánh giá do một nhóm 12 chuyên gia thực hiện theo Chương trình phòng chống độc quốc gia của Mỹ (The National Toxicology Program-NTP) BPA làm cho hệ  sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường.

Chỉ cần một liều nhỏ BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai nhi và trẻ nhỏ, ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức.

Về lâu dài nó sẽ làm tổn thương não bộ, gây ra một số bệnh ung thư, trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với bisphenol-A sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.

Từ tháng 3/2011, liên minh châu Âu  cấm tất cả các quốc gia trên lãnh thổ sản xuất bình sữa có chứa hợp chất BPA và tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu của sản phẩm chứa hợp chất này sẽ bị cấm kể từ 6/2011 vì ủy ban này lo ngại rằng hợp chất này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và phản ứng miễn dịch ở trẻ nhỏ.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khôi, phòng vật liệu polymer, Viện Hoá học, Viện khoa học Việt Nam từng  cho biết, bisphenol-A (BPA) thuộc nhóm polycarbonat, gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt, được sử dụng như chất tạo khuôn.

BPA chủ yếu có trong sơn epoxy - một loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm, nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.

Bình sữa trẻ em có BPA chứa đựng những nguy hiểm tiềm ẩn

Ở Việt Nam, BPA có mặt trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu… Thế nhưng cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định nào an toàn về BPA.

Thị trường bát nháo

Với những nguy hiểm mà BPA mang lại, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có chính sách nào ngăn chặn tình trạng này nên trên thị trường vẫn tha hồ "bát nháo".

Dạo quanh các cửa hàng đồ dùng trẻ em trong chợ, không khó để mua bình sữa cho bé với giá chỉ vài ba chục ngàn. Biết tâm lý ngại đồ Trung Quốc, các tiểu thương nói tránh đây là hàng Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam,...

Thế nhưng trên bình nhựa chẳng thông tin nguyên liệu rõ ràng, chỉ đơn giản ghi là" Nhựa cao cấp" . Thắc mắc thì được trả lời: "Ôi dào, em cứ lo xa, hàng của chị đảm bảo. Nếu em muốn xịn mua loại của Nhật Bản 280 ngàn này. Ở đây người ta dùng thế cả, có ai chết đâu mà lo".

Đem thắc mắc hỏi chất BPA thì các chị bán hàng lắc đầu nguầy nguậy kêu không nghe thấy bao giờ.

Bình sữa không có BPA được rao bán trên mạng

Tới các cửa hàng lớn chuyên bán đồ mẹ và bé ngay trung tâm quận 1, chúng tôi bắt gặp những bình sữa trẻ em cao cấp được nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng cũng khó khăn để kiếm được bình sữa có ghi rõ "không chưa chất BPA".

Khi hỏi nhân viên bán hàng thì được giải thích: "Hàng này tụi em nhập khẩu về, chị cứ yên tâm, đảm bảo chất lượng, an toàn cho bé."

Dạo quanh thị trường online, không hiếm bình sữa giá trên dưới 200 ngàn được ghi xuất xứ Đài Loan, thành phần: nhựa cao cấp được rao bán. Và cũng khá nhiều trang web thông tin, khuyến cáo sự nguy hiểm của BPA và khẳng định bình sữa của mình không hề có chất BPA.

Vài kinh nghiệm chọn bình an toàn

Tuy nhiên, trước tình trạng quá nhiều thông tin như hiện nay và chưa có sự kiểm soát của cơ quan chức năng thì các bè mẹ truyền tai nhau nên dùng bình sữa thủy tinh, bình sữa của thương hiệu lớn được nhập khẩu.

Nếu không, họ có thể nhận diện bình sữa làm bằng nhựa polycarbonate để tránh, với những đặc trưng sau:

- Nhựa polycarbonate thường khá cứng, nhìn trong suốt vì có chất BPA.

- Trong khi đó, các sản phẩm làm bằng nhựa polypropylene nhìn sẽ đục hơn và mềm hơn là nhựa polycarbonate.

- Bình sữa được làm từ nhựa polypropylene sẽ có chữ PP hoặc biểu tượng ở dưới đáy bình.

Nhipcaudautu.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Bình sữa , Sữa trẻ em , Bình sữa cho trẻ , Bình nhựa , Tiêu dùng