TP.HCM: Xuất hiện ổ bệnh nhiễm não mô cầu
Thứ hai, 09/01/2012 16:25

Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM sáng 9.1 cho biết, một bệnh nhân nhiễm não mô cầu nặng đã chuyển sang nhiễm trùng huyết hiện đang điều trị tại bệnh viện.

Được biết, bệnh nhân là anh P.V.C. (29 tuổi), công nhân tại Công ty Furukawa (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM).

Ngày 31.12.2011, anh C. nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run, nổi nhiều chấm đỏ có đường kính từ 1-5 mm ở chân. Sau khi được điều trị tích cực, đến ngày 9.1, bệnh nhân đã hết sốt, các điểm xuất huyết ở chân nhạt dần, sức khỏe ổn định.

Tuy nhiên, các bác sĩ của bệnh viện cảnh báo đây không phải là trường hợp nhiễm bệnh riêng lẻ. Trước anh C. mấy ngày, một công nhân khác cùng Công ty Furukawa cũng phải nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị vì nhiễm não mô cầu.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Lê Đăng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận (TP.HCM) - cho biết, ngày 6.1 đã có thêm ba công nhân tại Công ty Furukawa bị nhiễm não mô cầu.

Như vậy, tại địa điểm này đã có tổng cộng 5 công nhân cùng bị phát hiện bệnh nhiễm não mô cầu chỉ trong vòng 2 tuần qua.

Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 đã tiến hành vệ sinh, khử khuẩn môi trường ở nơi làm việc, khu ở trọ có liên quan đến nhóm công nhân bị nhiễm bệnh để dập dịch, phòng bệnh lây lan.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đã có thông báo đến các khoa tăng cường phát hiện, tránh tình trạng bỏ sót các ca nhiễm não mô cầu vì căn bệnh này nguy hiểm và dễ lan lây qua đường hô hấp.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Chính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM): nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục.

Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mũ và nhiễm trùng huyết.

Trong đó, thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh), ngay cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm, bệnh dễ nhiễm nhất là ở thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và đặc biệt là trẻ nhỏ.

Người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đồng thời phát ban đỏ ở cẳng chân, hai bên hông, mông.

Là bệnh nguy hiểm và đặc biệt lây lan nhanh, dễ dàng qua đường hô hấp nên nhiễm não mô cầu có thể gây dịch, nhất là trong những môi trường sống tập thể có diện tích sinh hoạt dưới 1m2/người.

Bệnh dễ lây lan ở những khu nhà trọ, trong không gian chật chội, điều kiện vệ sinh kém.

Bác sĩ khuyên người dân nên giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nếu có biểu hiện bệnh thì phải đến bệnh viện ngay để được điều trị sớm.
 

 

Thanh Niên
Tag: Y tế , Bệnh viênh Nhiệt đới TP.HCM , Bệnh nhiễm não mô cầu