Tình tiết mới vụ xiết nợ lăng mộ triệu đô ở Hải Phòng
Thứ bảy, 18/05/2013 09:53

Trong vụ việc hy hữu này có nhiều vấn đề phức tạp nhưng để xác minh thì lại không hề khó.

Ngoài lăng mộ và các công trình khác, còn có ngôi biệt thự hoàng tráng và hình ảnh vườn treo Babylon

Ngoài lăng mộ và các công trình khác, còn có ngôi biệt thự hoàng tráng và hình ảnh vườn treo Babylon

Đã hơn 3 tháng trôi qua, kể từ ngày khu lăng mộ triệu đô của gia đình ông Vũ Hồng Khánh, 75 tuổi ở phường Lãm Hà, quận Kiến An, Tp Hải Phòng bị chi nhánh ngân hàng Vietinbank Lê Chân xiết nợ thì sự việc vẫn đang tranh cãi gay gắt. Mặc dù, phía ngân hàng đã đâm đơn ra Tòa để giải quyết mâu thuẫn nhằm thu hồi nợ nhưng trong sự việc này có nhiều điểm, nhiều vấn đề khuất tất cần được làm sáng tỏ.

Cầm cố lăng mộ?

Ông Vũ Hồng Khánh trước nay vốn nổi tiếng vì ông là một nhà sáng chế ra những máy móc đặc biệt hữu ích trong một số lĩnh vực sản xuất. Sau đó, tên tuổi ông Khánh lại nổi như cồn khi ông bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng một khu lăng mộ đá tuyệt đẹp trong khuôn viên rộng 350,2m2 tại Khu dân cư số 2, phường Quán Trữ (nay là phường Lãm Hà), quận Kiến An, Hải Phòng. Đầu tháng 1/2013, ông Khánh nhận được thông báo của ngân hàng về việc con ông đã thế chấp khu lăng mộ trong đó có cả ngôi biệt thự để vay nợ gần 1 tỷ đồng nhưng quá hạn không trả. Và, đơn vị này sẽ xiết nợ bằng tài sản đã thế chấp.

Trở lại chuyện khu lăng mộ đá có một thời làm nóng dư luận bởi sự xa hoa, cầu kỳ, đồ sộ của nó. Để xây dựng khu lăng mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình và vợ, ông Khánh đã kỳ công vào Thanh Hóa để chọn mua đá. Ông Khánh cũng đã làm hợp đồng với một ty chế tác đá để xây dựng quần thể lăng mộ gồm tượng đài, lăng mộ, hình tượng vườn hoa Babylon. Sau khi hoàn thành khuôn viên khu lăng mộ đá có hình dáng đồ sộ, với nhiều công trình độc đáo với chi phí hàng triệu USD.

Nhà sáng chế Vũ Hồng Khánh

Ngày 15/1;1999, trong một cuộc họp gia đình ông Khánh đã bàn giao toàn bộ khu lăng mộ bằng đá của mình cho con trai cả là ông Vũ Đức Hòa, trong biên bản họp gia đình ông Khánh nêu rõ khi nhận bàn giao khu lăng mộ ông Hòa không được phép phá hủy, cầm cố, mua bán... khu lăng mộ trên.

Thế nhưng, tháng 12 năm 2005, ông Vũ Đức Hòa là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đại đã đem mảnh đất này đi thế chấp vào ngân hàng để vay tiền. Đến tháng 1 năm 2007 thì nó được giải chấp tài sản. Mấy năm sau, vào tháng 9 năm 2012 ông Hòa lại tiếp tục mang giấy chứng quyền sử dụng mảnh đất này đến thế chấp tiếp với ngân hàng để vay 990 triệu đồng. Đến ngày 26/12/2012 quá hạn trả nợ, cả tiền lãi phát sinh số nợ đã lên hơn 1 tỷ đồng. Ngày 10/4/2013, đến hạn cuối cùng để trả nợ thì bỗng dưng ông Hòa biến mất. Để đảm bảo thu hồi số nợ trên, ngân hàng đã quyết định khởi kiện ra tòa nhằm xiết nợ bằng mảnh đất có khu lăng mộ đã thế chấp để thu hồi nợ xấu.

Giấy xác nhận của người tham gia thiết kế lăng mộ

Tranh cãi xây và chưa xây

Tưởng như vụ việc được giải quyết đơn giản bởi khu đất mà ngân hàng được thế chấp rõ ràng do ông Vũ Đức Hòa là người đứng quyền sở hữu với tổng diện tích quyền sử dụng đất là 350,2 m2, mục đích sử dụng: 200 m2 đất làm nhà ở và 150,2 m2 đất vườn tạp. Nhưng sự việc lại không hề dễ dàng khi trong mảnh đất này lại có một khu lăng mộ đồ sộ.

Ông Vũ Hồng Khánh cho biết khu lăng một được xây dựng từ năm 1999 và hoàn thành năm 2001. Như thế, ngay cả lần đầu tiên ông Hòa mang mảnh đất thế chấp để vay tiền ngân hàng thì phía ngân hàng đã nhận cầm cố cả lăng mộ?. Việc ngân hàng Vietinbank chi nhánh Lê Chân chấp nhận khu đất xây lăng mộ làm tài sản thế chấp là trái với pháp luật đồng thời còn trái cả đạo đức.

Tuy nhiên, phía ngân hàng hoàn toàn phủ nhận điều này. Ngân hàng này cho rằng, gia đình ông Khánh xây lăng mộ sau khi con ông đã thế chấp tài sản với ngân hàng. Để chứng minh điều này, ông Phạm Ngọc Anh- Giám đốc chi nhánh Vietinbank Lê Chân đã gửi công văn đến báo chí nói rằng phía ngân hàng đã nhiều lần xuống yêu cầu ông gia đình ông Khánh dừng việc thi công để đảm bảo nguyên vẹn tài sản đã thế chấp vào ngân hàng nhưng gia đình không chịu hợp tác. Việc gia đình ông Khánh cố tình xây lăng mộ là muốn “xù nợ” gây khó khăn cho ngân hàng thu hồi vốn. Ngân hàng này cũng cho biết, chính ông Khánh và bà Nguyễn Thị Thanh (vợ ông Khánh-PV) đã kí kết hợp đồng bảo lãnh cho Vũ Đức Hòa vay tiền.

Để chứng minh khu lăng mộ đã xây dựng trước khi con trai mang đi thế chấp ông Khánh đã đưa ra nhiều giấy tờ, chứng cứ xác thực. Trong đó, ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc C.ty CP Mỹ thuật Tuấn Thiện (Kiến An, Hải Phòng), là đơn vị đã từng thiết kế và thi công khu lăng mộ này cho ông Khánh xác nhận chính ông đã thiết kế và xây dựng khu lăng mộ vào năm 1999, khánh thành ngày 25/10/2001. Chính hợp đồng kinh tế được kí kết xây dựng giữa ông Tuấn và ông Khánh cũng đề ngày 30/10/2000.

Ông Khánh cũng phản đối thông tin ngân hàng cho rằng ông và vợ đã kí kết hợp đồng bảo lãnh. “Tôi hoàn toàn không biết thằng Hòa đã thế chấp khu đất có mồ mả của bố, mẹ để vay tiền. Tôi không bao giờ cho phép nó làm điều đó. Rõ ràng ngân hàng đã không cử người đi thẩm định nên mới xảy ra chuyện chấp nhận thế chấp lăng mộ”- ông Khánh cho biết.

Những uẩn khúc cần làm sáng tỏ

Trong vụ việc hy hữu này có nhiều vấn đề phức tạp nhưng để xác minh thì lại không hề khó. Chi nhánh Vietinbank Lê Chân cho rằng khu lăng mộ đồ sộ kia xây sau khi mảnh đất đã được ông Vũ Đức Hòa thế chấp với ngân hàng. Còn ông Vũ Hồng Khánh thì lại nói ngược lại. Để làm sáng tỏ những tranh cãi thì theo ý nguyện của gia đình ông Khánh nên nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

Lăng mộ cũng đã ghi rõ tên hai vợ chồng ông Khánh và bà Thanh

Một phép tính rất đơn giản rằng, một khu lăng mộ bằng đá đồ sộ xây dựng hàng mấy năm trời mới hoàn thành thì chí ít cũng có hàng chục công nhân tham gia xây dựng. Giữa thanh thiên bạch nhật, cả một khu lăng mộ to vật vã không phải là cái kim mà giấu trong bọc được. Nên việc xác định năm xây dựng không hề khó chút nào. Ông Khánh cũng đưa ra nhiều bằng chứng rất xác thực nhưng có điều khu đất của ông Khánh không chỉ độc nhất có cái lăng mộ mà còn nhiều công trình khác, trong đó còn có ngôi biệt thự khá hoành tráng.

Ông Khánh nghi ngờ trong chuyện này có sự bắt tay, hoặc vấn đề khuất tất nào đó giữa con trai ông và phía ngân hàng. Bởi theo ông Khánh thì chưa một lần nào ông thấy cán bộ ngân hàng xuống nhà ông để thẩm định tài sản thế chấp. Nếu có xuống thì ông không bao giờ chấp nhận cho con trai vay tiền khi đem lăng mộ bố mẹ ra thế chấp cả. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Phía ngân hàng cũng có lý lẽ riêng của họ rằng là, về mặt pháp lý số diện tích đất ông Vũ Đức Hòa mang ra thế chấp được chứng nhận là đất ở và vườn tạp sử dụng lâu dài. Hơn nữa, lăng mộ của ông Khánh và vợ cũng mới chỉ là mô hình tượng trưng, trên thực tế chưa có người chôn cất ở đây. Bên cạnh đó, lăng mộ có diện tích không lớn trên tổng thể diện tích mảnh đất vì còn các công trình kiến trúc khác. Nếu đánh giá khách quan trên cơ sở pháp luật thì có thể thấy đó chỉ là công trình kiến trúc, giải trí. Những quy định cấm cầm cố, thế chấp khu đất của ông Khánh đặt ra cho con cháu cũng chỉ nên đánh giá, nhìn nhận trong khuôn khổ tình cảm gia đình chứ không quy định trong pháp luật. Và, điều quan trọng là ông Vũ Đức Hòa là chủ sở hữu của mảnh đất trên đã trực tiếp mang đi thế chấp để vay tiền ngân hàng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ việc hy hữu này có kết quả cuối cùng.

Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Vietinbank Lê Chân-Hải Phòng đơn vị này cho hay đã gửi đơn ra Tòa án nhân dân quận Kiến An để phân xử nhằm sớm thu hồi nợ xấu do ông Vũ Đức Hòa không chịu đến giải quyết. Tòa án đã thụ lý vụ việc và có giấy triệu tập ông Hòa nhưng ông này vẫn vắng mặt. Đơn vị khẳng định là có bằng chứng chứng thực rằng khu lăng mộ được xây sau khi đã thế chấp tài sản.
 

 

Ninh Kiều

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”