Huyện miền núi Minh Long mua cây chè giống ở tỉnh Phú Thọ về cấp phát cho đồng bào dân tộc thay thế dần giống chè địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hàng ngàn cây chè được người dân nhận về vứt bỏ ngổn ngang vì trồng không phát triển.
|
Số cây chè giống anh Bin xin về bỏ ngổn ngang ngoài vườn.
Tháng 10-2011, từ nguồn vốn Chương trình 30a, UBND huyện Minh Long phê duyệt mua trên 400.000 cây chè giống (với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng) từ tỉnh Phú Thọ về cấp phát cho các hộ nghèo ở các xã. Trong đó, xã Long Môn được cấp nhiều nhất, khoảng 200.000 cây, trị giá 500 triệu đồng; xã Thanh An được cấp hơn 107.000 cây (gần 269 triệu đồng); Long Hiệp gần 81.000 cây (gần 202 triệu đồng)...
Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, số chè trên bị chết khá nhiều. Anh Đinh Văn Thạnh (47 tuổi, thôn Làng Vang, xã Thanh An) được nhận khoảng 700 cây chè giống, cho biết: “Thoạt đầu tôi nghĩ giống chè mới này sẽ tốt hơn chè địa phương. Nhưng sau 2 tháng trồng thì một phần cây chè bị rũ lá chết không rõ nguyên nhân, số cây còn lại không sinh trưởng, mới hơn gang tay mà trổ hoa, kết trái”. Anh Đinh Văn Tre (45 tuổi, cùng thôn) kể: Nhiều hộ dân các thôn bên cạnh không nhận chè giống, địa phương phải chất đống, thấy tiếc, anh đến xin và phải thuê xe tải chở 3 lần đem về trồng trên 2 ha vườn nhà, nhưng cây sinh trưởng èo uột, giờ phải nhổ để trồng cây khác.
Chị Trương Thị Thu Hà (36 tuổi, thôn Mai Lãnh Trung, xã Long Mai) cho biết, chè là cây trồng quen thuộc nơi đây, nên chị nhận 900 cây chè giống để trồng trên gần 2 sào của gia đình. Thuê 4 lao động làm đất, trồng cả tuần mới xong. “Ban đầu, cây chè phát triển bình thường, nhưng sau không phát triển, nhiều cây chết không rõ lý do nên gia đình đành phải phá bỏ để trồng khoai lang”. Anh Bin (27 tuổi) ở nhà bên cạnh, thấy cây chè giống mua tiền tỷ bỏ nằm la liệt ngoài đường nên xin vài trăm cây tại trụ sở xã mang về. Nhưng khi trồng thử một số cây xung quanh hàng rào thấy cây không phát triển mà lại ra hoa kết trái giống như tình trạng một số hộ xung quanh, nên phải nhổ bỏ.
Anh Đinh Văn Bồ, Trưởng thôn Công Loan (xã Thanh An), lo lắng: Bà con trong thôn hầu như không đăng kí nhận cây chè. Nhưng xã vẫn cấp phát cho những hộ thuộc diện được hưởng lợi từ Chương trình 30a (14 hộ, mỗi hộ 700 cây), nên nhiều người bắt buộc phải nhận. Sợ lãnh đạo xã khiển trách nên anh Bồ đến gặp từng hộ năn nỉ đi nhận. Rồi sau đó toàn bộ số chè giống này bị người dân vứt bỏ ngoài bìa rừng.
Theo ông Đinh Công Nghĩa - cán bộ văn phòng UBND xã: Việc cấp phát cây chè là dựa vào biên bản họp dân từ các thôn đưa lên. Trước khi mua giống chè này, xã đã phối hợp với một số bộ phận liên quan của huyện tiến hành khảo sát thực tế. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận là xã chưa tổ chức bất kì một buổi tập huấn kỹ thuật nào cho người dân địa phương về cách thức trồng, chăm sóc giống chè mới này. Ông Đinh Trường Giang - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, lý giải: “Trong đợt hỗ trợ theo chương trình 30a vào tháng 10-2011, mỗi hộ được hỗ trợ cây, con giống trị giá 3 triệu đồng/hộ, với tổng số tiền khoảng 3,7 tỉ đồng, trong đó tiền mua cây chè giống khoảng hơn 1,1 tỉ đồng. Do xã làm chủ đầu tư nên việc mua cấp cây, con giống gì là do cán bộ xã khảo sát nhu cầu của người dân rồi đề nghị lên. Chúng tôi chỉ tổng hợp và tham mưu cho UBND huyện để phê duyệt mà thôi”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?