Thung lũng “trời đánh” bên sông La Ngà
Thứ ba, 17/01/2012 16:53

Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm trở lại đây, đã có gần trăm người dân sống dọc thung lũng sông La Ngà thuộc hai huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận) bị sét đánh chết. “Lưỡi búa thiên lôi” cũng khiến nhà cửa đổ sập, các vật dụng hư hỏng...

Đã có dự án phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại thiên tai “ngốn” hàng tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả. Người dân vẫn nơm nớp lo sợ vì không biết bị… giáng họa lúc nào!

Những cái chết thình lình

Con sông La Ngà đoạn chảy qua hai huyện Tánh Linh, Đức Linh tạo nên vùng đất trũng màu mỡ, ngô lúa quanh năm tươi tốt. Nhưng nơi đây cũng được mệnh danh là “cánh đồng chết” bởi sét liên tục hoành hành. Dẫn chúng tôi ra một gốc cây to bằng ba người ôm ở thôn 5, xã Sùng Nhơn, Đức Linh, anh Đặng Quang Dũng, người dân địa phương cho hay: “Mấy tháng trước cây này còn xanh tươi lắm, người dân thường vào đây hóng mát. Vậy mà sau trận mưa giông, vài ngày sau đã thấy cây chết đứng. May mà hôm đó không có ai trú dưới gốc cây”.


Không chỉ người, nhiều đàn trâu bò của dân cũng bị sét đánh chết trên đồng

Sống trong vùng thường bị thiên lôi... ghé thăm nên người dân ở các xã Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu của huyện Đức Linh luôn nơm nớp lo sợ. Mỗi khi đi làm đồng, thấy trời mưa gió họ liền chạy về nhà ẩn nấp. Tuy nhiên có những người đi làm xa, đành trú lại dưới bờ đê, cống rãnh, hay “thây kệ, tới đâu thì tới”. Có người xui xẻo bị sét đánh chết như các anh chị Lê Văn Oi, Trần Mai Đạo, Lê Thị Sáu ở xã Mê Pu. Đa số người bị sét đánh đều chết ngay tại chỗ, mình mẩy cháy sém rất khó nhận dạng. Có trường hợp độc nhất vô nhị là anh Lê Tuấn Phong (thôn 6, xã Mê Pu), đang ở đầu làng thấy trời mưa giông, sấm sét nổi lên, anh vội chạy về nhà, đi được nửa đường thì bị sét đánh văng ra khỏi xe bất tỉnh. Mưa tạnh, mọi người chạy ra đưa anh về... lo hậu sự. Nhưng thật kỳ lạ, ba ngày sau anh dần hồi tỉnh và sống cho tới bây giờ. 

Thiên lôi không chỉ giáng cái chết xuống đầu những người dân vô tội mà còn phá hủy vật dụng, hoa màu, cây cối, súc vật. Anh Lê Văn Định (ở thôn 5, xã Sùng Nhơn) chỉ cho chúng tôi vạt lúa sắp thu hoạch của gia đình bị thần sét đốt cháy rụi cách nay hơn tuần. Gương mặt vẫn chưa hết bàng hoàng, anh kể: “Hôm đó tôi đi thăm đồng để chuẩn bị gặt lúa, bỗng mưa gió đột ngột đổ xuống. Vừa kịp vứt xe chạy xuống cái cống ven bờ thì thấy luồng điện như rễ cây phóng xuống sáng chóe trước mặt. Hết giông chạy ra tôi thấy đám lúa cháy khét lẹt, rộng gần chục mét vuông”.

Mỗi năm sét còn vật chết hàng chục con trâu bò của các xã. Thiết bị điện, vật dụng sinh hoạt hư hỏng không tính xuể. Ông Đinh Văn Lưu - Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Mê Pu -trần tình: “Là xã nghèo của huyện Đức Linh nhưng mỗi năm có hàng chục gia đình bị sét đánh sập nhà cửa, lợn gà, trâu bò cũng chết theo. Chúng tôi đã nêu cao cảnh giác cho người dân mỗi khi mưa giông, nhưng cũng có những trường hợp vì miếng cơm manh áo không thể bỏ đồng ruộng, và cũng có người ở trong nhà vẫn bị trời đánh”...


Người nông dân rất cần những dự án nhằm hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

Cột thu lôi vô tác dụng?

Là xã có số người tử nạn do sét đánh nhiều nhất nên từ những năm 1980, xã Mê Pu đã dựng ba cột thu lôi độ cao từ 30 đến 35 mét ở những nơi thần sét thường ghé thăm. “Lâu lâu vẫn có người bị sét đánh, nhưng so với khi chưa dựng cột thì hạn chế rất nhiều, người dân cũng yên tâm làm ăn, sản xuất. Thế nhưng duy trì được mươi năm thì các cột này mục ruỗng hết, muốn làm lại nhưng kinh phí xã hạn hẹp quá” - ông Tô Phiếu, Chủ tịch UBND xã tâm sự. 

Năm 1995, sau nhiều lần kiến nghị của cử tri, các xã Mê Pu, Sùng Nhơn và một số xã trong vùng được đầu tư dựng cột thu lôi nhằm phòng tránh, hạn chế thiệt hại do sét đánh. “Các chuyên gia về dựng cột bảo với chúng tôi rằng trong vòng bán kính 1,5km của cột thu lôi sẽ được an toàn, vậy mà anh Lê Văn Oi bị sét đánh chết cách cột thu lôi chừng 150 mét. Từ đó người dân trong xã chẳng ai dám đến gần cột chống sét ấy nữa” - ông Tô Phiếu bức xúc. Kinh phí nghiên cứu, dựng cột thu lôi là không nhỏ, nhưng các chuyên gia về dựng cột cũng chẳng màng đến ý kiến góp ý của địa phương hay bàn giao bảo quản, dựng xong rồi bỏ mặc. Ông Tô Phiếu dẫn chúng tôi ra cột thu lôi cách trung tâm xã khoảng 2km, chiếc cột cao chừng 20 mét đã gỉ sét lỗ chỗ, đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” bao nhiêu năm nay không có ai nhòm ngó, duy tu. 

Năm 2004, trước những mất mát, thiệt hại quá lớn về tính mạng, tài sản của người dân, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Phân viện địa lý tại TP. Hồ Chí Minh (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân gây ra giông sét; đề xuất các giải pháp làm giảm nhẹ thiệt hại trong vùng thung lũng sông La Ngà thuộc hai huyện Đức Linh - Tánh Linh”. Những người thực hiện công trình đã đưa ra giải pháp như đầu tư cột thu lôi, sử dụng nguyên tắc lồng Faraday xây dựng các nhà trú mưa tại khu vực ruộng lúa, phục vụ nông dân làm đồng trong bán kính 500 mét; dự án trồng các loại cây cao chứa nhiều nước, dẫn điện tốt trên các tuyến đường, khu dân cư để thu hút các tia điện, hạn chế đánh vào nhà dân. Ngoài ra cần có phương tiện dự báo sớm thông tin giông sét để người dân biết đường phòng tránh. Công trình này đã hoàn tất từ tháng 12-2004, nhưng đến nay người dân vẫn phải tự chống chọi với thần chết. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận thì nguyên nhân chính là nguồn vốn đầu tư cho cột thu lôi, nhà lồng chống sét quá lớn nên chưa thể triển khai. Thế nên người dân vẫn phải chờ, trong khi hiểm họa vẫn luôn rình rập. 


Cột thu lôi không đem lại hiệu quả nằm trên xã Mê Pu, huyện Đức Linh

Báo CA TPHCM
Tag: Làng quê , Trời đánh , Thung lũng , Bình Thuận , Thiên tai , Tai nạn chết người