Luật Hôn nhân và gia đình cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế trên hệ thống Internet, hoạt động này vẫn diễn ra cả lén lút lẫn công khai.
'Thuê bụng' giá nửa tỷ! |
Nửa tỷ, chưa kể tiền “cò”
Trong vai “khổ chủ” cần tìm người mang thai hộ, chúng tôi gọi đến số điện thoại 01642968xxx cho một “cò” có tên là Phương. Lần đầu gọi, sau khi trình bày lý do, phía bên kia hỏi lại: “Ai giới thiệu chị?”. Khi nghe tôi nói chị H ở Đống Đa (Hà Nội), lập tức phía bên kia cúp máy. Những cuộc gọi tiếp theo đến máy của Phương, chuông đổ nhưng “cò” đã liên tục bấm nút từ chối.
Đem băn khoăn này hỏi chị H, người đã từng được “cò” Phương môi giới cho người mang thai hộ thì chị chia sẻ: “Hắn sợ tôi đấy. Tôi chỉ cho người mang thai hộ 2 lần hết 100 triệu đồng, chưa kể trả tiền “cò”, tiền ăn ở của người mang thai hộ nhưng việc bất thành, giờ giới thiệu sẽ bị hắn nghi ngờ”.
Tìm đến địa bàn được cho là nơi “cò” Phương hoạt động ở khu vực Đê La Thành (Hà Nội), chúng tôi được một bà chủ quán nước cho biết: “Gặp không dễ, phải hẹn trước, phải có người giới thiệu”. Thấy tôi thành tâm, bà chủ quán mới nói: “Làm cái này không sốt ruột được đâu, không phải ngày một, ngày hai mà làm được vì phức tạp lắm. Không phải mình Phương làm được mà có khi tôi cũng giúp được. Nhưng phải cẩn thận, cứ để lại số điện thoại, lúc nào kiếm được “hàng” tôi sẽ a lô".
“Chị cho em biết trước chi phí khoảng bao nhiêu để em còn chuẩn bị?”, tôi gặng hỏi. “Được thì tôi lấy ít thôi nhưng “thuê” bụng là đắt lắm, cứ chuẩn bị sẵn nửa tỷ”, bà chủ quán nước phán!
“Mượn” bụng sinh con trên mạng
Không lén lút như ngoài đời, trên các trang mạng, diễn đàn, chuyện nhờ người mang thai hộ và người có nhu cầu cho “mượn bụng” diễn ra một cách công khai. Thực tế, nhờ người đẻ thuê không phải chuyện dễ dàng và nhờ các “cò” bên ngoài mất quá nhiều thời gian nên nhiều người vợ hiếm muộn sẵn sàng chủ động tìm đến dịch vụ trên mạng. Chỉ cần gõ vào Google từ khóa xung quanh vấn đề “mang thai hộ” đều cho những kết quả khủng: Từ khóa “tìm người mang thai hộ” có tới 917.000 kết quả; “tìm người đẻ thuê tại Hà Nội” cho đến 673.000 kết quả; “cần mang thai hộ” cũng cho tới 797.000 kết quả… Trong đó, chủ yếu là thông tin của người có nhu cầu tìm người mang thai hộ và người chịu mang thai hộ. Những thông tin đăng tải rất ngắn gọn nhưng đủ để cho bên cung và bên cầu có thể “bắt sóng” được với nhau.
Ví dụ, “Vợ chồng tôi cưới nhau hơn 15 năm mà không có con, nay tôi muốn tìm người mang thai hộ bằng hình thức thụ tinh ống nghiệm, cần người có sức khỏe và những điều kiện khác tốt để thực hiện, khi thoả thuận xong chúng tôi sẽ lo chỗ ở và có người nấu ăn chăm sóc trong thời gian mang thai, đảm bảo điều kiện sinh hoạt hàng ngày tốt cho người mang thai. Tôi đang ở TPHCM. Vui lòng gửi thông tin cho tôi 09xx”. Hay “Nếu cần người mang thai hộ liên hệ trực tiếp với mình nhé, vui lòng và nghiêm túc, mình ở TPHCM 01212871xxx”.
Thậm chí, có người mang thai hộ lên diễn đàn trình bày hoàn cảnh để mong sớm gặp được “khách” thuê: “Thực sự bây giờ tôi đang rơi vào sự bế tắc không lối thoát, trong những ngày qua tôi thấy trên mạng đăng rất nhiều tin mang thai hộ. Để cứu được gia đình tôi khỏi mất nhà, mất đất giờ tôi chỉ còn cách là đi mang thai hộ nhưng tôi chẳng biết ai đang cần và tôi cũng chẳng biết làm cách nào để biết ai đang cần đến những người mang thai hộ. Tôi rất mong mọi người ai cần thì hãy liên hệ với tôi qua mail, vừa cứu giúp tôi cảnh nợ nần, vừa giúp cho ai đó có được thêm thành viên nhỏ trong gia đình. Liên hệ với tôi ghidauan@...”.
Có luật nhưng “cửa” quá hẹp
Luật Hôn nhân và gia đình cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Để phòng chống việc “đẻ thuê”, Luật quy định người được nhờ mang thai hộ phải: “Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ”.
Chị Nguyễn Thị Minh (phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Luật quy định được phép mang thai hộ là mở ra hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn như tôi. Nhưng tôi chỉ mong là đã mở cửa nhân đạo thì hãy để rộng hơn nữa. Vì thực tế tôi không tìm được người trong họ hàng của cả vợ và chồng mang thai hộ. Chỉ có cách nhờ người ngoài nhưng luật lại không cho phép”.
Những trường hợp như của chị Minh không phải là hiếm. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, nếu “mở hơn” thì có thể việc “đẻ thuê” sẽ tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là về mặt đạo đức...
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%