Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, mang thai hộ sẽ chính thức được phép thực hiện tại Việt Nam. Đây được coi là một điều luật nhân văn cho những phụ nữ không thể sinh con.
Chỉ người thân mới được phép mang thai hộ sẽ không có đất cho những người hành nghề đẻ thuê |
Vẫn chỉ là cánh cửa hẹp
Lâu nay mang thai hộ (MTH) mà thực chất là đẻ thuê luôn bị coi là phạm pháp. Nhưng với quy định được phép MTH hộ mới đây đã trở thành niềm hy vọng cho rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên, trước lo ngại MTH sẽ bị thương mại hóa, Bộ Y tế đã đặt ra những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhu cầu chính đáng của nhiều người để kiếm tiền.
Tại nghị định của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện MTH sau khi nội dung này được thông qua trong Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 quy định rõ: Chỉ cho phép MTH giữa người trong gia đình hoặc được chính quyền địa phương xác nhận người MTH và người nhờ MTH có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người chỉ được MTH một lần…
Ông Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho rằng, đặt ra "điều kiện" cho các trường hợp MTH là để ngăn chặn tình trạng đẻ thuê. Việc cho phép người nhà MTH vừa hợp tình vừa hợp lý, bởi những người thân cảm thông, chia sẻ với nhau mà không mang tính thương mại. Nói đơn giản là vậy nhưng việc nhờ người thân có quan hệ họ hàng trong 3 đời MTH trên thực tế không hề dễ dàng. Khi mới lấy chồng phát hiện u nang buồng trứng, chị Mai Anh (Từ Liêm, Hà Nội) đã phải cắt bỏ 1 bên buồng trứng, sau đó phát hiện bị dị tật tử cung nên không thể mang thai. Vợ chồng chị đã tìm kiếm khắp nơi nhờ người đẻ thuê nhưng nhiều năm qua đều bất thành.
Sau khi biết thông tin được phép MTH, chị Mai Anh đã ngỏ lời nhờ cậy cô em chồng giúp đỡ. Thương chị dâu song cô em chồng phải nói lời từ chối vì lý do bố mẹ đẻ của cô không đồng ý. Vợ chồng chị đang lên kế hoạch lặn lội về quê nhờ vả mấy người em họ mà không biết có kết quả hay không. "Giá như được phép nhờ một người lạ thay vì người nhà có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Là người ngoài, chỉ cần mình chăm sóc họ trong thời gian thai nghén, sinh nở, bù đắp một số tiền, sau đó không có gì liên quan. Với người nhà sẽ rất rắc rối, mình phải mang ơn họ suốt đời, con mình khi lớn biết chuyện sẽ ra sao…”, chị Mai Anh chia sẻ.
Chị Lâm Bích (Hải Phòng) đã nhiều năm sống trong tâm trạng day dứt, có lỗi với chồng vì không thể có con do mắc bệnh tim nặng. Chị đã từng nhờ cô em họ MTH nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Vì vậy, với chị khi biết thông tin được phép nhờ người thân MTH cũng không thấy lạc quan hơn. Không ít chị em đang bế tắc trước việc tìm người MTH đều có chung một ý nghĩ rằng: Nhờ người nhà MTH còn khó hơn nhờ người ngoài. Chẳng mấy ai, kể cả người ruột thịt sẵn sàng mang thai giúp. Nếu chị em mình có đồng ý thì còn chồng, nhà chồng nữa, không đơn giản tí nào.
Hơn nữa phụ nữ hiện đại đang có xu hướng ngại sinh con vì sợ ảnh hưởng đến phom dáng, có chăng cố gắng sinh đủ 2 con. Không mấy người lại hy sinh bản thân để mang thai thêm lần thứ 3 hộ người khác cho dù đó là ruột thịt...
Nói chuyện với một số chị em đang kiên trì chữa chạy vô sinh tại BV Phụ sản Hà Nội, hầu như chị nào cũng lắc đầu khi được hỏi đến việc nhờ người thân MTH. “Đó là một điều quá khó! Một chính sách mới ra tưởng chừng như sẽ mang lại nhiều hy vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh nhưng đó chỉ như cánh cửa mới hé mở nên vẫn bế tắc”, đó là ý kiến chung của một số chị em.
Nói về vấn đề này một bác sĩ sản khoa cũng cho rằng: “Mỗi phụ nữ khi sinh nở đều đứng trước cửa tử, những rủi ro trong quá trình thai nghén. Có thể có những nguy cơ tiềm ẩn đối với người MTH như người MTH gặp biến chứng sau sinh và phải cắt bỏ tử cung, như vậy người này không thể có con sau đó nữa. Và khi đó họ lại trở thành một đối tượng cần người MTH. Vì thế, sẽ không nhiều chị em - dù là thân thích, họ hàng - dám đứng ra cho “mượn bụng” suốt 9 tháng 10 ngày. Trước tình trạng vô sinh ngày càng nhiều, nhu cầu MTH, nhu cầu thuê đẻ thực sự là có thật. Những “giao dịch” ngầm vẫn tồn tại và việc đẻ thuê, MTH vẫn xảy ra. Không nhờ được người thân MTH, chắc chắc nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ phải tìm đến chợ “đen” để “mượn bụng” sinh con."
Bộ Y tế “tung” nhiều “chiêu” để quản
Ông Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế - cho biết, việc cho phép MTH sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người MTH, điều kiện sức khỏe của người MTH…
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng y tế - nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người MTH. Chẳng hạn, những người MTH sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người MTH đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được làm nữa vì họ đã có trong danh sách đăng ký làm trước đó.
Để kiểm soát vấn đề thương mại hóa MTH, Bộ Y tế lên phương án những tinh trùng đã thụ tinh thành công thì không được tiếp tục cho. Tất cả trung tâm phải liên kết chặt chẽ với nhau về thông tin để biết được những mẫu tinh trùng nào đã thực hiện có kết quả, phải tạo được mã số riêng biệt cho từng mẫu tinh trùng.
Trước vấn đề mà dư luận quan tâm về những biến tướng của MTH, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định, nếu mỗi người chỉ được phép MTH một lần thì sẽ không có người kiếm tiền hành nghề bằng MTH. Việc cho phép MTH vì mục đích nhân đạo không khó về mặt chuyên môn, nhưng sẽ khó về mặt quản lý vì vậy quy trình MTH, chăm sóc và giao nhận con… sẽ được quy định rất cụ thể và chặt chẽ.
• Điều kiện để được mang thai hộ *Một cặp vợ chồng có quyền nhờ MTH khi có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Cặp vợ chồng đang không có con chung và đã được tư vấn đầy đủ về y tế, pháp lý và tâm lý. * Người được quyền MTH phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ MTH. Đã từng sinh con và chỉ được MTH một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng MTH; người phụ nữ MTH phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng, nếu đang có chồng; phải được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý. • Những trường hợp nào được chỉ định MTH? Những cặp vợ chồng không thể có con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoặc việc mang thai có thể nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người vợ và của trẻ sinh ra. Đã phẫu thuật cắt tử cung do bệnh lý hay do các tai biến sản khoa. Không có tử cung hay dị dạng tử cung bẩm sinh. Người vợ bị bệnh nội khoa nặng không thể mang thai, ví dụ bệnh tim, suy tim. Các trường hợp sẩy thai nhiều lần hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần hoặc do những vấn đề liên quan đến tử cung. • Chi phí mang thai hộ ở Mỹ hiện nay khoảng hơn 700.000 triệu, còn ở Việt Nam dự kiến khoảng 40.000-60.000 triệu đồng. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?