Xahoi – Những ngày cận Tết thiếu nhi (1/6), mua quà gì cho con, để con chơi lành mạnh và phát triển trí tuệ là điều khiến các bậc phụ huynh quan tâm. Không nằm ngoài ý nghĩa đó, thị trường đồ chơi cho trẻ năm nay có vẻ “chuộng” đồ chơi thông minh hơn.
|
Các mặt hàng đồ chơi cho trẻ được bày bán nhộn nhịp
Đồ chơi rẻ tiền, tiềm ẩn rủi ro
Cận kề ngày này, không chỉ những tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như: Lương Văn Can, Hàng Mã mà mọi ngõ ngách đường phố Hà Nội đều trang hoàng bày bán đủ các loại đồ chơi trẻ em. Dọc những tuyến phố Nguyễn Khánh Toàn, Đường Láng… vào buổi tối, những khu chợ đồ chơi di động lại mọc lên rất nhiều. Tại đây, có bán đầy đủ các loại đồ chơi, đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi không nhãn mác, bán với giá khá “mềm”. Cầm một bộ xếp hình trên tay chị Dung không khỏi băn khoăn bởi không đọc được chữ trong bảng hướng dẫn cách dùng (chữ nước ngoài). Chị phân trần: “Mình muốn mua một bộ xếp hình cho cháu, nhưng băn khoăn quá bởi toàn chữ nước ngoài, mình không đọc được thì hướng dẫn cho cháu thế nào? Mình cũng có tham khảo qua một số siêu thị đồ chơi nhưng ở đó giá hơi mắc so với ở đây…”.
Đồ chơi không nhãn mác được bày bán tràn lan
Theo khảo sát của phóng viên ở một số siêu thị đồ chơi tại đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, giá cả mặt hàng đồ chơi trẻ em năm nay tăng từ 10 đến 15% so với mọi năm. Nguyên nhân là do nguyên vật liệu cùng giá thuê nhân công tăng nên tác động trực tiếp tới loại mặt hàng này.
Chị Hoa (Tòa nhà Thanh Bình, Dịch Vọng) bộc bạch, năm trước con gái chị đã bị ngộ độc phẩm màu vẽ từ bảng màu chị mua trên vỉa hè, và từ đó đến nay chị không dám mua đồ không nhãn mác, và nhất là đồ bán ở vỉa hè nữa…
Với tâm lý thích đồ rẻ, nhiều người đã mua những đồ chơi không nhãn mác cho con mà không biết hiểm họa khôn lường từ thứ đồ chơi này.
Tránh xa đồ chơi bạo lực
Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số siêu thị, cửa hàng chuyên bán đồ chơi cho trẻ, mặt hàng đồ chơi có tính bạo lực khá “vắng bóng”, chỉ ở một số tuyến phố, vỉa hè bán hàng không nhãn mác thì “tràn ngập” thứ đồ chơi nguy hiểm này. Nào súng nhựa, súng mê ka, kiếm, dao... đủ kích cỡ, thậm chí một số loại đồ chơi như dùi cui điện (chạy bằng pin) được bán (kín) rất nhiều.
Tránh xa đồ chơi bạo lực, là cách giáo dục con thông minh
Theo một số chuyên gia tâm lý học, việc thích bạo lực trong đó xem phim, game và chơi đồ chơi bạo lực sẽ kích thích tâm lý của trẻ, từ đó trẻ sẽ có những hành vi bạo lực, đơn giản như việc chĩa súng, dao, kiếm vào người cha mẹ và mạnh mẽ hơn là có những hành vi gây thương tích…
Đồ chơi thông minh lên ngôi
Được hỏi mua đồ chơi “made in Việt Nam” anh Thành nhân viên bán hàng cửa hàng đồ chơi “Chơi gì cho con giỏi” Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN vui vẻ chỉ lại một góc khá lớn của cửa hàng. Tại đây, đồ chơi Việt Nam khá đa dạng, đặc biệt là những bộ đồ chơi gỗ, hay còn gọi là đồ chơi trí tuệ, anh nói: “Mấy hôm nay mặt hàng đồ chơi này bán khá chạy, cửa hàng lại đang có chương trình giảm giá từ 10 – 15%...”. Được biết mặt hàng này giá khá cao thậm chí cao gấp nhiều lần so với đồ chơi bằng nhựa, một bộ đồ chơi này có giá trung bình từ 150.000 đến 1.000.000 đồng và có nhiều loại giá cao hơn nữa. Anh Thành cho biết, mặt hàng này bán không chạy bằng các loại đồ chơi bằng nhựa, hoặc đồ chơi Robot Lego lắp ráp, Robot trái cây… nhưng khách hàng rất quan tâm bởi tính sáng tạo và trí tuệ của nó.
Đồ chơi an toàn, giúp trẻ phát triển tư duy được người tiêu dùng lựa chọn
Trong các siêu thị lớn, mặc dù mặt hàng đồ chơi này chỉ chiếm một góc rất nhỏ, nhưng nó đang thu hút được một sự quan tâm lớn từ phía người tiêu dùng. Chị Quỳnh Nga (Kim Mã) chia sẻ: “Loại đồ chơi này rất khó sử dụng, mình loay hoay mãi mà không lắp đúng vị trí của nó, thế mà cu cậu nhà mình chơi và “nghiên cứu” thì lắp được và còn lắp được rất nhiều kiểu nữa. Những loại đồ chơi này rất hay, kích thích sự khám phá, tìm tòi, một khi trẻ đã tìm ra được đáp án thì rất thích thú… vì vậy 1/6 này mình sẽ lại mua 1 bộ đồ chơi trí tuệ để làm quà cho con”.
Cháu Vũ Gia Bảo Huy (2 tuổi, số 27 ngõ 133 Thái Hà Hà Nội) đang thích thú khám phá những điều thú vị từ đồ chơi thông minh
Anh Đinh Văn Minh (Phố Đội Cấn) bộc bạch: “Trẻ con rất nhanh chán đồ chơi, đồ chơi gì cũng chỉ chơi được một thời gian, tuy nhiên gia đình tôi vẫn chọn mua những loại đồ chơi an toàn về chất liệu và giúp trẻ phát triển tư duy như Fisher-Price, Ravensburger, Lego…”
Để giúp trẻ phát triển tư duy từ những đồ chơi của mình, những bậc làm cha mẹ cần có thời gian để chơi cùng trẻ, điều này sẽ khiến trẻ rất vui vì được cha mẹ quan tâm, được cha mẹ “khơi nguồn” cho những sáng tạo trong nhiều kiểu lắp ghép đồ chơi. Qua đó, trẻ có thể phát triển tư duy một cách tự nhiên, và đồ chơi của trẻ sẽ thực sự là đồ để chơi và để khám phá.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?