Thể thao Việt Nam và cơ hội Olympic: Nhiều vé nhưng liệu lấy nổi huy chương?
Thứ sáu, 13/04/2012 23:31

Mới đây, Ban tổ chức Olympic 2012 đã đặt Việt Nam ra ngoài danh sách các quốc gia được nhận suất đặc cách vì có nhiều VĐV giành vé qua vòng loại. Ở Olympic này, ai sẽ có huy chương?

Trông giỏ bỏ thóc

Với việc có thêm 1 vé của Nguyễn Thị Lụa (vật) mới đây, cùng với Diệu Linh, Huỳnh Châu (taekwondon), Ngọc Tú (judo), Xuân Vinh, Hoàng Ngọc (bắn súng), Phước Hưng, Hà Thanh (TDDC), thể thao Việt Nam chính thức có 8 suất trực tiếp đi London vào tháng 7 này. Chưa kể, 3 gương mặt Thanh Phúc (điền kinh), Quý Phước, Ánh Viên (bơi) đã vượt chuẩn B Olympic. Nếu được các Liên đoàn thế giới xét suất thông qua, nhiều khả năng chúng ta có thêm 3 vé trực tiếp nữa.

Đó là niềm vui và khẳng định thể thao Việt Nam đang dần tiếp cận với thể thao thế giới. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, chưa hẳn cứ có nhiều vé đi Olympic là chúng ta sẽ giành được huy chương. Ai trong số những gương mặt trên sẽ lập được thành tích 1 HCB như Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008? Ở đây, chỉ đặt mục tiêu giữ được thành tích chứ chưa nghĩ tới đổi màu vàng cho tấm huy chương.

Thành tích của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008 là điểm mốc để các VĐV Việt Nam phấn đấu tại Olympic London 2012. (Ảnh: Quang Thắng)

Nhìn lại quá trình có vé, cả 8 gương mặt đã có suất trực tiếp tới thời điểm này đều rất xuất sắc. Đơn cử trường hợp của người đầu tiên giành suất trực tiếp Olympic là Phan Thị Hà Thanh (TDDC). Hà Thanh đã đoạt HCĐ thế giới không hẳn cô sẽ chạm được 1 tay vào 3 vị trí cao nhất ở Olympic London. Đấu trường Olympic không đơn giản và khi đó nhiều đối thủ mạnh mới lộ diện, chưa kể dù là 1 trong 3 người xếp đầu thế giới năm 2011, nhưng Hà Thanh vẫn phải thi đấu vòng loại rồi mới xét điểm để vào 8 vị trí thi chung kết tại Olympic.

Đối với Văn Ngọc Tú, hy vọng rất ít bởi trong năm 2011, đã không dưới 5 giải đấu tìm suất Olympic thì cô đều thất bại ngày vòng đầu. Cũng may, Tú có vé nhờ qua điểm số chứ không phải thi đấu thắng-bại trực tiếp. Hai xạ thủ bắn súng của Việt Nam không quá thấp về chuyên môn, nhưng ở kết quả đấu vòng loại thì chúng ta chưa lọt được vào 3 vị trí đầu. Như thế, trong thi đấu Olympic thực sự, nơi có nhiều xạ thủ xuất sắc thế giới góp mặt, cơ hội giành được huy chương rất khó.

Ai đủ sức đây?

Tới đây, tổ điền kinh với Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Việt Anh… rồi boxing nữ, rowing, bóng bàn, đấu kiếm, cử tạ tiếp tục bước vào các cuộc đấu vòng loại tìm suất. Trong đó, cử tạ vẫn là “cửa sáng” nhất cho khả năng giành huy chương tại Olympic của Việt Nam. Dĩ nhiên, đừng vội nghĩ tới thành tích xa xôi khi Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn đều đang tập trung cao độ cho vòng loại trước mắt ở Hàn Quốc. Đây vẫn là 2 gương mặt được đánh giá nhiều triển vọng.

Thực tế, với thể hình, thể trạng và tầm vóc vừa phải thì VĐV Việt Nam có thế mạnh ở một số nội dung nhất định và hạng 56kg cử tạ nam là minh chứng. Trước ngày đi Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn đã giành HCB thế giới còn bây giờ, trước cuộc tuyển chọn vòng loại Olympic, Trần Lê Quốc Toàn đang xếp hạng 4 thế giới.

Ở chiều hướng khác, nếu không quá bất ngờ, Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) vẫn chắc 1 suất trực tiếp khi anh duy trì được thứ hạng trong Top 30 thế giới. Ai cũng biết, sau nhiều hy vọng ở các giải đại hội (rốt cuộc Tiến Minh liên tục thua… lãng nhách) bây giờ, giới chuyên môn không còn đặt kỳ vọng cao ở tay vợt này.

Boxing nữ cũng có thể tạo dấu ấn bất ngờ. Việc có 3 HCĐ ở giải vô địch châu Á mới đây, cơ hội tìm 1 vé trực tiếp sẽ không quá khó nhưng để tiến sâu ở Olympic, hẳn các cô gái Việt Nam phải chịu được những cú đấm của nhiều đối thủ sừng sỏ như Cuba, Mỹ, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên…

SGGP
Tag: Trần Lê Quốc Toàn , Thạch Kim Tuấn , Nguyễn Thị Lụa , Phan Thị Hà Thanh , Olympic London 2012 , Thể thao