Môn vật và tấm vé của “ý chí thép”
Thứ sáu, 13/04/2012 08:50

Như vậy là sau hơn 1 thập kỷ, môn võ mũi nhọn của thể thao VN là vật mới đạt được giấc mơ cháy bỏng của mình. Nguyễn Thị Lụa chính là đại diện cho lớp trẻ đang vươn lên mạnh mẽ...

Tấm vé tham dự Olympic mà Lụa giành được, đến từ sự kiên trì, khát khao chiến thắng và đặc biệt là một “ý chí thép” không thể lẫn vào đâu được.

Ai khổ bằng vật

Môn vật vốn chỉ thi đấu trên thảm, tưởng nhàn nhã nhưng lại là môn số 1 về hành xác. Có chứng kiến các đô vật tập luyện mới thấy, họ xứng đáng là VĐV đa năng nhất. Từ chạy bền của môn điền kinh, nhảy với của môn bóng chuyền, uốn dẻo của môn TDDC, phản xạ của môn judo và đặc biệt là món “ép cân” trứ danh không môn nào đọ kịp. Tập luyện, thi đấu quần quật quanh năm suốt tháng nhưng môn vật thời gian qua, vốn chưa được quan tâm đúng mức. Vì niềm đam mê, các đô vật vẫn âm thầm tập luyện.

Nguyễn Thị Lụa. (Ảnh: Huy Tường)

Ở đội tuyển vật, Lụa được xếp vào nhóm đàn em, nhưng sức chiến đấu, ý chí vươn lên thì không ai sánh kịp. Giành vô số giải châu lục nhưng Lụa chưa từng có huy chương ở SEA Games, khi cả 3 lần tham dự các nước chủ nhà đều hủy hạng cân của Lụa vì quá mạnh. Đã quá quen với sự thiệt thòi đó, Lụa đã bỏ “ao làng” để hướng ra “biển lớn”, giành tấm HCB Asian Games 16, giành luôn tấm vé lịch sử tham dự Thế vận hội. Hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi của môn vật đã tôi luyện cho các VĐV như lụa ý chí chiến đấu tuyệt vời. Tấm vé của Lụa giành được, cũng chính là tấm vé của “ý chí thép”. Chắc chắn sau những gì đạt được, Lụa sẽ còn tiến xa.

Khơi lại niềm tin

Cứ nói đến môn vật, là người ta nói đến các VĐV xuất thân từ những vùng quê nghèo khó. Các làng vật càng ngày càng thu hẹp, có nơi đang mất trắng thứ “đặc sản” của TTVN này. Cũng bởi, chế độ trên tuyển chưa đủ giúp các VĐV nuôi sống được bản thân và gia đình, thêm nữa, thành tích của môn vật nhiều năm qua, chỉ quanh quẩn ở sân chơi khu vực.

Theo đánh giá của chính các đô vật ở các cường quốc của châu Á, trình độ chuyên môn, kỹ thuật ra đòn của đô vật VN, đặc biệt là các đô vật nữ không hề thua kém ai. Tuy nhiên, vấn đề khiến họ chưa thể giành chiến thắng khi “lâm trận” là kinh nghiệm và tâm lý thi đấu. Đây là lý do khiến các đô vật VN đã không có đủ khả năng phán đoán chớp thời cơ  trong những khoảnh khắc quyết định. Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế đó, là bởi chúng ta không có đủ nguồn kinh phí để ra nước ngoài tập huấn và thi đấu. “Rất nhiều kế hoạch bị hủy bỏ. Đó là một điều đáng tiếc nhất với đội tuyển vật”, Trưởng bộ môn Nguyễn Thế Long chia sẻ.

Tuy nhiên, giờ thì đã khác, bản thân ông Long khẳng định, tấm vé của Lụa ngoài nỗ lực của bản thân, còn là do môn vật thời gian qua đã có những kế hoạch tập huấn chu đáo, dẫu chưa tới mức đầy đủ, nhưng cũng đã cải thiện rất nhiều. Tấm vé tham dự Olympic của Lụa, đã giúp vật VN có thêm nhiều niềm tin về khả năng của mình. Nói cách khác, Lụa chính là tấm gương để cho những ai còn đang đắn đo theo nghiệp vật, quyết đi theo con đường mình sẽ lựa chọn.

20 ngày xả hơi

Sau khi về nước từ giải vòng loại Olympic, Lụa được phép về nhà xả hơi. Căn nhà của Lụa ở Quốc Oai, Hà Nội trở nên rộn ràng khi họ hàng, bạn bè tới chúc mừng Lụa. Lụa sẽ có khoảng gần 1 tháng ở cùng với gia đình, kết hợp điều trị chấn thương, rồi trở lại đội tuyển trước khi tập huấn tại Trung Quốc cho đến ngày tham dự Olympic vào tháng 7 tới.

TT TP. HCM
Tag: Nguyễn Thị Lụa giành vé dự Olympic , Nguyễn Thị Lụa , Vật , Võ thuật , Olympic London 2012 , Thể thao