Thể thao Việt Nam năm 2014: Săn vàng ở Asiad
Thứ ba, 04/02/2014 05:02

Tấm HCV duy nhất cứu cho cả một kỳ đại hội thất bát, nhưng không cứu nổi cái thực tế tụt lùi của TTVN ở sân chơi này.

Thể thao Việt Nam đang tụt lùi?

Thể thao Việt Nam đang tụt lùi?

Năm 2013, Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 27 với 73 HCV, nhưng ngay giới quản lý chuyên môn cũng không dám chắc làm con toán quy đổi ra... 1 HCV Asiad 17 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) năm 2014. Đơn giản, giữa sân chơi khu vực và châu lục còn một khoảng cách lớn.

4 năm trước, Asiad lần thứ 16 được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) và đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) sau ngôi á quân SEA Games 2009 đã đưa đến lực lượng hùng hậu nhất gồm 260 tuyển thủ, tranh tài tại 27/42 môn thi. Mục tiêu được đặt ra với TTVN là giành từ 4 đến 6 HCV để đứng trong nhóm 20 đầu bảng xếp hạng huy chương.

Bài học Quảng Châu 2010

Về lý thuyết, tham dự đông hơn thì số cơ hội cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Nhưng trên thực tế, số đông ở đây chỉ là hệ quả từ sự đầu tư dàn trải khi chỉ tiêu Vàng tưởng như cầm chắc kia trở thành nỗi ám ảnh kéo dài. Hàng loạt thế mạnh đánh mất mình, những sai lầm ở những thời điểm quyết định của: Xuân Vinh (bắn súng); Hoài Thu (Taekwondo), Quang Liêm (cờ vua)... có thể đáng tiếc, nhưng rõ ràng tại một đấu trường lớn như Asiad, không có chỗ cho những sai lầm dù là nhỏ nhất.

Cơn khát Vàng của TTVN tại Quảng Châu chỉ được giải và giải bằng một bất ngờ nằm ngoài mọi dự báo chuyên môn. Trong cái thế chẳng có gì để mất, nữ võ sỹ mới 18 tuổi Lê Bích Phương trong lần đầu xung trận bất ngờ đả bại nhà vô địch thế giới người Nhật để trở thành gương mặt Vàng trẻ nhất của TTVN tại đấu trường Asiad.

Tấm HCV duy nhất cứu cho cả một kỳ đại hội thất bát, nhưng không cứu nổi cái thực tế tụt lùi của TTVN ở sân chơi này. So kè với người Thái ở SEA Games trước, còn tới Asiad nơi các môn thi được chuẩn hóa hơn, chúng ta tụt xuống vị trí thứ 6. Sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia... và cả Philippines. Đó là bài học mà chắc chắn tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị với TTVN.

4 năm sau, bối cảnh tương tự lặp lại. TTVN kết thúc SEA Games 27 với 73 HCV - 86 HCB - 86 HCĐ để xếp thứ 3 chung cuộc. Thực tế là nếu không bị xử ép từ trọng tài, hay không bị sức cạnh tranh quá lớn từ Myanmar với quá nhiều lợi thế của chủ nhà, thì ngôi á quân mới là vị trí chính xác của TTVN.

Tuy nhiên, trong số 73 tấm HCV ấy, chiếc nào có thể quy đổi ra tấm HCV Asiad 17? Thậm chí, nếu nhìn lại kỳ Á vận hội trên đất Quảng Châu, liệu cả 73 tấm HCV khu vực có đổi lấy được 1 chiếc của châu Á? Không ai dám chắc với câu trả lời, đơn giản, Asiad vẫn cứ là cái sân chơi quá tầm vào lúc này.

Tìm "vàng" ở đâu?

Diễn ra từ ngày 19/9 đến 4/10 tại thành phố Incheon (Hàn Quốc), Asiad 17 có 437 bộ huy chương thuộc 36 môn thi. Đáng chú ý, trong số này có 28 môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic và 8 môn nằm ngoài gồm: Bóng chày, bowling, cricket, kabaddi, karate, cầu mây, squash và Wushu.

Hiện quá trình chuẩn bị cho Asiad 17 của TTVN mới chỉ bắt đầu nên chưa thể có những dự báo chính xác nhất về khả năng tranh chấp thực sự. Tuy nhiên, nếu "soi" từ chính những tấm HCV SEA Games 27 mới giành được, thì không khó nhận ra, cơ hội có Vàng của các tuyển thủ Việt Nam cũng là không nhiều!

Bắt đầu với 2 môn giàu thành tích nhất là vật và điền kinh cùng với 10 HCV. Dù thống lĩnh khu vực, nhưng vật Việt Nam khó tranh chấp ngôi đầu tại châu lục, nơi bộ môn này cũng rất phát triển. Cơ hội tiến xa chỉ thuộc về vật tự do nữ, nhưng có huy chương đã là thành công, giống như ngôi á quân của Nguyễn Thị Lụa tại Asiad 2010. Điền kinh ở SEA Games 27 có sự trở lại ấn tượng của Vũ Thị Hương trên đường chạy tốc độ nữ và đây cũng sẽ là con bài chủ lực tại Incheon 2014, nhưng nếu... cô gái đã 28 tuổi này tìm lại phong độ đỉnh cao như tại Quảng Châu 4 năm trước. Cũng như thế là trường hợp của Trương Thanh Hằng, nhà á quân Asiad ở 2 cự ly 1500m và 800m, nếu... hoàn toàn hồi phục sau chấn thương khiến cô phải bỏ SEA Games 27.

Tương tự với bắn súng dù đã trẻ hóa để giành 7 HCV SEA Games, nhưng nếu nhìn vào thành tích cũng chỉ là 1 Hoàng Xuân Vinh đạt tới đẳng cấp hàng đầu châu lục ở nội dung súng ngắn nam. Karatedo, Taekwondo, hai môn võ đã từng làm nên nhiều kỳ Asiad thành công cho thể thao Việt, nay đều trong giai đoạn chuyển giao lực lượng. Các gương mặt trẻ dù tiến bộ nhưng vẫn là chưa chắc để cạnh tranh, trong khi các tuyển thủ nòng cốt hầu hết đều đã ở bên kia sườn sự nghiệp....

Không có môn nào thực sự áp đảo khi bước ra sân chơi khu vực, đương nhiên, cửa Vàng của TTVN cũng chỉ được đặt vào từng cá nhân xuất sắc. Tuy nhiên, chính các cá nhân này, nếu áp chỉ tiêu Vàng e cũng là quá sức. Trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên là ví dụ cụ thể. Giành 3 HCV SEA Games, phá 2 kỷ lục Đại hội, nữ kình ngư 17 tuổi không chỉ là VĐV giàu thành tích nhất của đoàn TTVN mà sớm trở thành niềm hy vọng tại sân chơi châu lục. Thế nhưng nếu so sánh 2 kỷ lục mà Ánh Viên mới lập với thành tích tại chính Asiad, thì dễ dàng nhận ra khoảng cách lớn. 200m ngửa Ánh Viên bơi hết 2:14.80, trong khi ĐKVĐ Asiad là Zhao Jing bơi 2:06.46. Cự ly 400m hỗn hợp, Ánh Viên lập kỷ lục SEA Games mới là 4:46.16, trong khi VĐV Trung Quốc Ye Shiwen giữ kỷ lục châu Á với thời gian là 4:28.43...

Giống như Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn dù xuất sắc nhất SEA Games 27, nhưng ở hạng 56kg nam môn cử tạ, vị trí số 1 luôn giành cho các VĐV Trung Quốc. Wushu cũng vậy khi môn võ này xuất xứ từ Trung Quốc....

Tóm lại, khi phải chơi bằng sức cơ bản của mình qua những môn cơ bản, việc giành được dù chỉ là 1 tấm HCV tại Asiad cũng là bài toán khó với TTVN.

Cần hướng tới tương lai

Đã từ quá lâu rồi, TTVN thường tự tạo ra sức ép cho chính mình thông qua việc đặt ra những chỉ tiêu Vàng để rồi phải chật vật phấn đấu trước cả những sức ép khách quan và chủ quan. SEA Games 27 là minh chứng.

Vậy tại Asiad 17 tới, chúng ta cũng lại tự tạo ra sức cho mình? Câu trả lời nằm ở phía ngành thể thao. Tuy nhiên, nếu đưa cái nhìn ra xa hơn - Asiad lần thứ 18 sẽ diễn ra ngay trên sân nhà vào năm 2019 với mục tiêu giành khoảng 10 HCV để đứng trong tốp 10 đại hội, thì TTVN phải có sự chuẩn bị ngay từ lúc này. Hãy tạm quên đi thành tích mà cần đầu tư sâu vào lực lượng trẻ kế cận thì mới có hy vọng.

Thành tích của TTVN tại các kỳ Asiad

Asiad lần thứ 9 - New Dehli, Ấn Độ 1982

Số người tham gia: 40

Môn thi: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng.

Thành tích: 1 HCĐ

Xếp hạng chung cuộc: 22/33

Asiad lần thứ 11- Bắc Kinh, Trung Quốc 1990

Số người tham gia: 104

Môn thi: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Bóng bàn, Bóng chuyền (Nam), Vật tự do, Judo, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Quyền Anh, Wushu.

Thành tích: Không giành được huy chương

Asiad lần thứ 12 - Hiroshima, Nhật Bản 1994

Số người tham gia: 84

Môn thi: Điền kinh, Bắn súng, Bóng bàn, Judo, Taekwondo, Wushu, Vật tự do, Soft Tennis.

Thành tích: 1 HCV - 2 HCB

Xếp hạng chung cuộc: 20/42

Asiad lần thứ 13 - Bangkok, Thái Lan 1988

Số người tham gia: 198

Môn thi: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Bóng đá (Nam, nữ), Bóng bàn, Cử tạ, Judo, Xe đạp, Taekwondo, Wushu, Vật, Karatedo, Cầu mây, Billiard - Snooker.

Thành tích: 1 HCV, 5 HCB, 11 HCĐ

Xếp hạng chung cuộc: 21/41

Asiad lần thứ 14 - Busan, Hàn Quốc 2002

Số người tham gia: 180 (125 VĐV)

Môn thi: Taekwondo, Karatedo, Judo, Vật, Cử tạ, Wushu, Bắn súng, Xe đạp, Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ, Cầu mây, Bóng bàn, Billiard - Snooker, Thể dục thể hình và Bóng đá (nam, nữ).

Thành tích: 4 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ

Xếp hạng chung cuộc: 15/44

Asiad lần thứ 15 - Doha, Qatar 2006

Số người tham gia: 357 (247 VĐV)

Môn thi: Điền kinh, Cầu lông, Thể hình, Quyền anh, Caoeing, Cờ vua, Xe đạp, Billiards - Snooker, Bóng đá, Đấu kiếm, Thể dục, Golf, Judo, Karate, Rowing, Cầu mây, Bắn súng (Đĩa bay), Bơi lội (Nhảy cầu), Quần vợt, Taekwondo, Bóng bàn, Bóng chuyền (nữ), Cử tạ, Vật, Wushu.

Thành tích: 3 HCV, 13 HCB, 7 HCĐ

Xếp hạng chung cuộc: 19/45

Asiad lần thứ 16 - Quảng Châu, Trung Quốc 2010

Số người tham gia: 392 (260 VĐV)

Môn thi: Bóng đá, Cầu mây, Cầu lông, Taekwondo, Karatedo, Judo, Billiards&Snooker, Bóng bàn, Xe đạp, Quần vợt, Bắn súng, Bắn cung, Bắn đĩa bay, Cử tạ, Đấu kiếm, Bơi, Nhảy cầu, Điền kinh, Khiêu vũ thể thao, Thể dục dụng cụ, quyền Anh, Cờ Vua, Cờ Tướng, Rowing, Canoeing, Wushu, Bóng chuyền, Gofl.

Thành tích: 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ

Xếp hạng chung cuộc: 24/45

Thethaovanhoa.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Thể thao Việt Nam , Asiad , Đại hội thể thao châu Á , Asiad 2014