Châu Tuyết Vân, Dương Thị Việt Anh và Nguyễn Thị Thanh Phúc là những VĐV tuổi Ngọ được kỳ vọng nhất năm 2014.
Tuyết Vân (trái) cùng các đồng đội liên tiếp thành công ở nội dung taekwondo quyền đồng đội nữ |
Đang bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp, những VĐV tài năng tuổi Ngọ (sinh năm 1990) của thể thao Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong năm Giáp Ngọ, đặc biệt là tại Asian Games 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), đấu trường quan trọng nhất trong năm của thể thao Việt Nam.
Châu Tuyết Vân (Taekwondo)
Nhắc tới Châu Tuyết Vân là phải nhắc tới taekwondo và ngược lại. Thể thao Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà vô địch thế giới ở những môn thuộc hệ thống Olympic, song Châu Tuyết Vân là một ngoại lệ, bởi cô gái sở hữu ngoại hình như một hot girl này hiện đã có trong tay bộ sưu tập thành tích đồ sộ với các danh hiệu từ cấp độ thế giới cho tới châu lục, trong đó đặc biệt đáng kể là 3 lần vô địch quyền đồng đội nữ thế giới cùng Nguyễn Thị Lệ Kim và Nguyễn Thị Thu Ngân vào các năm 2010, 2011 và 2013.
Tuyết Vân đến với võ thuật từ rất sớm, lúc mới học lớp 2, nhưng mục tiêu ban đầu của Tuyết Vân chỉ là vì thấy các bạn cùng xóm được bố mẹ chở đi học võ trong những bộ võ phục rất đẹp nên Vân nằng nặc đòi bố mẹ cho đi theo các bạn. Ban đầu, bố mẹ Tuyết Vân cũng không tán thành yêu cầu của cô con gái cưng, vì với vóc người nhỏ bé và mảnh mai của Vân, ít ai nghĩ rằng Vân có đủ sức khỏe để tập võ, nhưng bằng quyết tâm và nghị lực của mình, không những gắn bó với võ thuật lâu dài mà Tuyết Vân còn trở thành tuyển thủ taekwondo quốc gia.
Đừng nghĩ rằng vì Tuyết Vân chỉ tập quyền taekwondo mà cho rằng con đường để vươn tới đỉnh cao là hoàn toàn bằng phẳng, bởi theo Vân, cô phải tập song song cả nội dung quyền lẫn nội dung đối kháng đối kháng từ nhỏ, và phải tới khi ĐT quyền taekwondo nữ được thành lập vào năm 2009 để tham dự SEA Games 25 tại Lào thì Tuyết Vân mới chuyển hẳn qua tập quyền, thay vì tập cùng lúc cả quyền lẫn đối kháng như trước.
Cùng với 2 người đồng đội ăn ý là Lệ Kim và Thu Ngân, Tuyết Vân đã làm rạng danh taekwondo Việt Nam với 3 lần giành chức vô địch thế giới vào các năm 2010 (được tổ chức ở Uzbekistan), 2011 (Nga) và 2013 (Indonesia). Mặc dù đã khẳng định được mình ở sân chơi tầm cỡ thế giới như thế, song Tuyết Vân và 2 đồng đội Lệ Kim và Thu Ngân có vẻ lại khá lận đận với đấu trường SEA Games.
Bằng chứng là dù đã thi đấu rất tốt ở SEA Games 25 rồi SEA Games 26 nhưng Tuyết Vân và đồng đội chỉ nhận được HCB. Phải tới SEA Games 27 vừa kết thúc tại Myanmar vào tháng 12/2013, Tuyết Vân cùng Lệ Kim và Thu Ngân mới giành được chiếc HCV SEA Games đầu tiên ở nội dung quyền taekwondo.
Hiện tại, Tuyết Vân đã gần như hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu của mình, ngoại trừ chiếc HCV tại Asian Games và đây chính là mục tiêu mà cô gái sinh năm 1990 này đang quyết tâm theo đuổi. Trả lời phỏng vấn báo chí tại SEA Games 27, Tuyết Vân cho biết: “HCV SEA Games là một danh hiệu rất ý nghĩa và quý giá với tôi. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội không thể tự hài lòng với thành tích này mà phải nỗ lực nhiều hơn để hướng tới mục tiêu cao hơn nữa là Asian Games 2014”.
Dương Thị Việt Anh (Nhảy cao)
Sau khi Bùi Thị Nhung giã từ sự nghiệp, điền kinh Việt Nam đã không phải chờ lâu để tìm kiếm một Bùi Thị Nhung khác, bởi Dương Thị Việt Anh chính là sự thay thế hoàn hảo. Với 2 danh hiệu vô địch SEA Games liên tiếp vào các năm 2011 và 2013 ở nội dung nhảy cao, Việt Anh là một trong những niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam ở Asian Games 2014.
Dương Thị Việt Anh (trái) dồn sức cho Asian Games 2014. Ảnh: Quang Nhựt
Tại SEA Games 27, Việt Anh đã giành HCV với thành tích 1m84, thông số không mấy ấn tượng so với thành tích tốt nhất của Việt Anh là 1m92. Bản thân Việt Anh cũng thừa nhận cô đã không có được phong độ tốt nhất ở SEA Games 27, nhưng đây hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, bởi Việt Anh đã bị chấn thương trước khi lên đường tham dự Đại hội, và trong suốt gần 2 tuần có mặt ở Myanmar, Việt Anh hầu như chỉ khởi động nhẹ và đi bộ để không làm tái phát chấn thương.
Vì thế, nếu có được sự chuẩn bị tốt nhất, rất có thể thành tích của Việt Anh sẽ không chỉ là 1m84 như ở SEA Games 27, và với thành tích tốt nhất là 1m92, Việt Anh xứng đáng được đầu tư và chăm sóc nhiều hơn nữa để làm tăng thêm hy vọng lần đầu tiên giành huy chương nhảy cao nữ ở đấu trường Asian Games cho điền kinh Việt Nam.
Tại Asian Games 2014, điền kinh và bơi lội được xác định là 2 môn thể thao trọng điểm để thể thao Việt Nam dồn sức đầu tư, và với Việt Anh, cô gái Bạc Liêu này xứng đáng được xem là một niềm hy vọng của ĐT điền kinh Việt Nam tại Incheon (Hàn Quốc). Trước khi đến với Asian Games 2014, Việt Anh cũng đã có được những thành tích khả quan ở đấu trường châu lục như HCB giải điền kinh Các ngôi sao châu Á hay HCĐ giải Grand Prix châu Á 2012 cùng việc giành vé tham dự Olympic London 2012, nên Đại hội thể thao châu Á chưa hẳn là sân chơi mà Việt Anh không thể có cơ hội giành huy chương.
Nguyễn Thị Thanh Phúc (Đi bộ)
Sinh năm 1990 tại xã miền núi Hòa Sơn (TP.Đà Nẵng), Thanh Phúc gia nhập đội điền kinh TP.Đà Nẵng từ năm lớp 9, và đến Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010, Thanh Phúc đã chính thức trình làng với chiếc HCV nội dung đi bộ 20km, và kể từ đó đến nay, Thanh Phúc luôn là VĐV số một của điền kinh Việt Nam trong nội dung này.
Thanh Phúc nỗ lực khẳng định bản thân sau khi hụt HCV SEA Games 27 một cách đáng tiếc. Ảnh: D.H
Tại kỳ SEA Games đầu tiên được tham dự vào năm 2011 tại Indonesia, Thanh Phúc đã xuất sắc giành HCV. 2 năm sau, mặc dù không thể bảo vệ thành công chiếc HCV nội dung đi bộ ở SEA Games 27, nhưng không ai vì thế mà đánh giá thấp năng lực của Thanh Phúc, bởi nếu không có sự tiếp sức của trọng tài, khi VĐV Myanmar dù đã phạm luật rõ ràng nhưng vẫn không bị xử phạt, thì Thanh Phúc gần như không có đối thủ ở nội dung này.
Gác lại nỗi buồn SEA Games 27, giờ là lúc để Thanh Phúc hướng tới Asian Games 2014. Cách đây 2 năm, ở giải điền kinh đi bộ châu Á diễn ra tại Nhật Bản vào đầu tháng 3, Thanh Phúc đã bất ngờ giành được HCĐ và chính nhờ chiến tích này mà Phúc đã có cơ hội góp mặt ở Olympic London 2012.
Tại sân chơi danh giá nhất của thể thao thế giới, dù chỉ xếp hạng 36 nhưng Thanh Phúc đã xuất sắc phá sâu kỷ lục quốc gia do chính cô đang nắm giữ đến hơn 2 phút, và đây chính là cơ sở để Thanh Phúc được kỳ vọng sẽ giúp điền kinh Việt Nam làm được điều gì đó ở Asian Games 27.
Ngoài Châu Tuyết Vân, Dương Thị Việt Anh và Nguyễn Thị Thanh Phúc, thể thao Việt Nam còn rất nhiều VĐV tài năng tuổi Ngọ được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở Asian Games 2014 như Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cờ vua) hay Phạm Quốc Khánh (wushu).
Với riêng bóng đá nam, dù không có những VĐV thực sự xuất sắc hay nổi trội tuổi Ngọ, nhưng các cầu thủ như Trần Mạnh Dũng, Lê Văn Thắng (V.Ninh Bình) cũng là những gương mặt đáng chú ý trong hành trình hướng tới AFF Suzuki Cup 2014, giải đấu mà ĐT Việt Nam là đồng chủ nhà cùng với ĐT Singapore.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%