Ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.
Thẻ căn cước sẽ thay cho CMND |
Thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến “bộ đôi” luật trên, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Bộ Công an khẳng định mục tiêu năm 2020 mọi công dân VN được cấp mã số công dân, có thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, chấm dứt quản lý bằng hộ khẩu.
Thay thế chứng minh nhân dân
“Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân VN, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Nội dung thẻ căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân” - Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết. Theo ông, “trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, do đó sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu”.
Theo dự thảo Luật căn cước công dân, thẻ này sẽ thay thế chứng minh nhân dân, được cấp cho công dân từ khi mới sinh ra, cùng với mã số định danh cá nhân được sử dụng trong suốt cuộc đời. Mọi thông tin về cá nhân sẽ được chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với mã số định danh cá nhân và thẻ căn cước. “Giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - ông Nam nói. Theo đó, thẻ căn cước cũng thay thế cả giấy khai sinh, đến năm 15 tuổi thẻ này sẽ được cập nhật vân tay và đặc điểm nhận dạng của công dân. Tóm lại, tới đây thông tin của mỗi công dân VN chỉ gắn với một thẻ và một số định danh, tương tự các nước tiên tiến trên thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng “làm được như vậy sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong quản lý dân cư, giấy tờ công dân”. Trước ý kiến của Bộ Tư pháp đề nghị từ khi sinh ra đến trước năm 15 tuổi chỉ nên cấp giấy khai sinh vì khoảng thời gian này chưa cập nhật dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng vào thẻ căn cước và giấy tờ tùy thân của trẻ em vẫn do cha mẹ hoặc người giám hộ nắm giữ, ông Lý bày tỏ: “Tôi cho rằng thẻ căn cước công dân phải được cấp từ lúc khai sinh, nó chứa đựng trong đó những thông tin cơ bản trong suốt cuộc đời. Một con người sinh ra, có mặt trên đời thì phải được ghi nhận, vì vậy cần một tấm thẻ thống nhất trong cả cuộc đời”.
Mặt trước và sau thẻ căn cước
Không cần sổ hộ tịch cá nhân
Tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các phiên họp trước, tại dự thảo Luật hộ tịch lần này, Chính phủ đã bỏ quy định cấp sổ hộ tịch cho công dân. Theo đó, dữ liệu về hộ tịch của công dân chỉ được đăng ký vào sổ bộ hộ tịch (sổ gốc) do Nhà nước giữ. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sổ hộ tịch sẽ giúp công dân đăng ký, xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi...
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, khi hệ thống dữ liệu điện tử được thiết lập, đến năm 2020 tất cả công dân VN đều có số định danh cá nhân và được cấp thẻ căn cước như lộ trình thì có thể bỏ hộ khẩu. “Đến năm 2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Khi đó có thể cắt giảm hầu hết giấy tờ cá nhân” - ông Cường khẳng định.
Ông Cường thừa nhận công tác quản lý hộ tịch của ta hiện nay còn yếu kém, do đó mới có chuyện hộ khẩu khác với hộ tịch, chứng minh nhân dân khác với hộ khẩu, khác với thẻ bảo hiểm y tế... mỗi giấy tờ một số khác nhau. “Như các nước thì rất đơn giản, họ chỉ cần một thẻ căn cước công dân điện tử, khi cần người ta tra là ra hết. Còn ở ta chưa có cái này thì người dân vẫn còn phải đi xin trích lục các giấy tờ. Vì các nước có căn cước điện tử, quản lý trên dữ liệu điện tử nên công dân người ta có đi chân trời góc bể nào, kể cả ở nước ngoài thì người ta cũng có thể đến cơ quan ngoại giao đề nghị được trích lục giấy tờ, thông tin rất thuận tiện” - ông Cường giải thích thêm.
Theo dự thảo, Luật căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Thẻ căn cước công dân sẽ như thế nào? Thông tư quy định về quy cách, chất liệu, hình dáng, kích thước của thẻ căn cước công dân được trình kèm dự thảo luật. Theo đó, thẻ căn cước công dân hình chữ nhật, chiều dài 85,6mm, chiều rộng 53,98mm. Thẻ được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của thẻ in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Nền mặt trước thẻ gồm hình ảnh trống đồng, bản đồ VN, hoa sen và các hoa văn, nền mặt sau thẻ gồm các hoa văn. Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên thẻ. Mã vạch hai chiều lưu trữ một số thông tin cơ bản của công dân màu đen… Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Bảo mật ra sao? Vấn đề chính tôi quan tâm là cơ sở hạ tầng đã đáp ứng đủ hay chưa? Cơ sở dữ liệu cá nhân của công dân toàn quốc sẽ được thực hiện như thế nào? Bởi căn cước công dân theo tôi biết thì phát triển đến cả nhóm máu, trình độ... Tất cả thông tin đó đòi hỏi phải có một cơ sở dữ liệu lớn và đồng bộ. Nếu đặt ra luật mà cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh thì cũng rất khó thực hiện. Nhưng nếu Quốc hội đặt ra mục tiêu trong thời gian 5-6 năm tới thì tôi hi vọng mọi việc có thể đạt được. Ngoài ra còn vấn đề bảo mật thông tin cá nhân này sẽ được thực hiện như thế nào, bởi đây là vấn đề quan trọng. Với tình trạng VN như hiện nay thì tôi cảm thấy chưa được an tâm.
|
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%