"Thần dược" chữa đột quỵ, tiểu đường: Chỉ là đồn thổi
Thứ hai, 14/05/2012 11:18

Các chuyên gia y tế cho biết, công dụng của thuốc chủ yếu là đồn thổi…

Coi hạt cà ri như “thần dược” chữa bệnh tiểu đường hay tin vào lời quảng cáo "bị tai biến mạch máu não nếu kịp thời uống thuốc sẽ khỏi ngay, không để lại di chứng" về viên An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) có xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài triệu để mua chữa bệnh và dự phòng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, công dụng của thuốc chủ yếu là đồn thổi…

Suy hô hấp khi dùng ACNHH

“Thần dược” ACNHH xuất hiện tại Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây, chủ yếu theo nguồn “rỉ tai” của một số người có thâm niên với bệnh huyết áp cao. Loại “thần dược” này ngày càng được nhiều người lùng mua. Khảo sát của PV, ACNHH trên thị trường chủ yếu là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được bán với giá đắt: Khoảng 500.000 - 2 triệu/ hộp. Sản phẩm này được bày bán nhiều nhất tại các hiệu thuốc Đông y.
Trên các diễn đàn mạng, người tiêu dùng cũng không khó để tìm được những quảng cáo về thuốc này. Một số trang web còn quảng cáo: “Thuốc có tác dụng cấp cứu, điều trị đột quỵ, nhồi máu não cực kỳ nhanh và hiệu quả. Nhiều người bị hôn mê, nằm viện mấy ngày không tỉnh, tiên lượng rất xấu, uống ACNHH đã tỉnh lại và hồi phục”.

BS. TTND Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: ACNHH là một trong những loại thuốc rất quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm này cần hết sức lưu ý. Bởi thuốc có hạn sử dụng, nhiều người không để ý nên sử dụng quá hạn không chỉ lãng phí một món tiền lớn mà còn nguy hại tới sức khỏe. Hơn nữa, đây là một loại thuốc “bệnh” của Đông y có sức công phá mãnh liệt, chứ hoàn toàn không phải là loại dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa thăm khám, chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

An cung ngưu hoàng hoàn không phải là “thần dược” như quảng cáo.

Theo tài liệu của Trung Quốc, bài thuốc này có thể điều trị một số bệnh khác như viêm màng não, viêm não B, viêm phổi nhiễm độc, sốt do bại liệt... Nhưng Việt Nam chưa có điều kiện dùng cho bệnh nhân trong những trường hợp này. ACNHH cũng chỉ có tác dụng trong hai nguyên nhân cụ thể: Đối với người xuất huyết não trong trường hợp do gan nóng hoặc huyết nhiệt tâm hỏa dẫn đến huyết áp cao... dùng có kết quả tốt nhưng xuất huyết não do nguyên nhân khác không có kết quả. Còn để đề phòng xuất huyết não thì chưa có một công trình nghiên cứu nào mà chỉ là lời đồn thổi.

"Trước đây, chúng tôi hướng dẫn cho 13 bệnh nhân xuất huyết não dùng ACNHH theo yêu cầu của gia đình chỉ có 3 bệnh nhân sống, 2 trường hợp do quá trình uống nhiều rượu làm nóng gan dẫn đến cao huyết áp, một trường hợp do uống rượu say bị tai nạn bị hôn mê không có chấn thương sọ não, sau khi uống hai ngày bệnh nhân tỉnh lại. Còn 10 trường hợp khác không có hiệu quả hoặc tử vong hoặc như những bệnh nhân không dùng ACNHH", BS Hướng nói.

BS. Hướng khuyến cáo: Thị trường hiện có nhiều loại ACNHH, thật giả lẫn lộn, giá cả đa dạng, thậm chí có nơi bán "chui" với giá cực đắt. Tình trạng mua phải của “rởm” để rồi lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang” không phải là hiếm. Tốt nhất bệnh nhân đột quỵ nên điều trị theo y học hiện đại ở giai đoạn cấp tính chứ không nên tin tưởng tuyệt đối vào ACNHH.

Theo TS.Lê Văn Trường - Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch (BV Trung ương Quân đội 108), đột quỵ não rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp, không dễ chẩn đoán chính xác và rất khó điều trị. Mọi căn bệnh đều phải điều trị theo căn nguyên mới có thể khỏi. Đột quỵ não có 2 dạng: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), khác nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế nên cách thức cấp cứu, điều trị cũng khác. Chỉ khi xác định được bệnh nhân đột quỵ dạng nào, các bác sĩ mới có thể quyết định hồi sức cấp cứu nội khoa, can thiệp mạch hay phẫu thuật sọ não.

"Đã có bệnh nhân nhồi máu não, đang hôn mê thì người nhà cố nhét thuốc ACNHH vào miệng nên bị sặc, suy hô hấp khiến huyết áp tăng vọt làm vỡ mạch máu. Hễ thấy đột quỵ lập tức cho uống ACNHH là phản khoa học, đặt cược tính mạng người thân với sự may rủi. Bệnh nhân nếu được cấp cứu kịp thời hoàn toàn có cơ hội sống sót", TS.Trường cho biết.

Chưa có khoa học chứng minh tác dụng của hạt cà ri

Không chỉ lùng tìm ACNHH, gần đây, nhiều người dân rỉ tai nhau việc dùng hạt cà ri hay còn được gọi là hạt Methi để chữa bệnh tiểu đường. Loại hạt cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ được bán rộng rãi trên thị trường. Người bệnh thường dùng dưới dạng trà uống hằng ngày.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Quang Huy - Trưởng Bộ môn Xét  nghiệm Đại học Y Dược  TP. HCM nên hết sức thận trọng khi dùng hạt cà ri vì chưa có nghiên cứu cụ thể nào để chứng minh tác dụng. Hiện TS.Vũ Quang Huy vừa làm một nghiên cứu chuyên sâu để xem hạt cà ri có tác dụng không và trong thành phần hạt có gây độc không.

Hơn 100 bệnh nhân tiểu đường đã được bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM điều trị thử bằng thảo dược Methi được thực hiện từ tháng 2 và vừa hoàn tất đầu tháng 5. Kết quả cho thấy, sau khi uống thứ hạt trên bệnh tình của nhiều bệnh nhân gần như vẫn không thay đổi. Có 6 người tiểu đường và 11 người trong nhóm rối loạn lipid máu bệnh không giảm. Thậm chí chỉ số đường và mỡ trong máu của họ còn tăng hơn sau khi dùng Methi. Các nhà khoa học cho rằng, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra kết luận chính thức về công dụng điều trị của loại thảo dược này. Vì vậy, TS.Huy cảnh báo, người tiêu dùng cũng không nên coi đây là "thần dược" mà bỏ uống thuốc theo toa của bác sĩ.

Tại Việt Nam, trước đề tài của các bác sĩ Trường ĐH Y Dược TP. HCM, chưa có nghiên cứu chính thức nào về khả năng điều trị bệnh của loại hạt này.

GiaDinhNet
Tag: Thần dược , Cà ri , Chữa đột quỵ , Chữa bệnh tiểu đường , Viên An cung ngưu hoàng hoàn , Sức khỏe