“Từ ngày mấy bố con nó bị bắt, nhà tôi chẳng còn được cảm giác vui vẻ. Vợ chồng tôi cùng đứa con gái thiểu năng trí tuệ giờ sống trông cậy vào mảnh ruộng”.
Ngôi nhà Lê Văn Luyện hiện tại |
Thời gian đã bào mòn đi tất cả, dư luận, sự cay đắng, nỗi đau cũng đã được xoa dịu đi phần nào trong suy nghĩ của những con người có liên quan đến thảm án tại tiệm vàng Bích Ngọc, ở phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang.
Sát thủ Lê Văn Luyện lúc này đang trong những ngày tháng cải tạo để khơi dậy lương tri trong trại giam, gia đình nạn nhân cũng đã dần quen với cuộc sống sau thảm án.
Mọi thứ tưởng chừng như đã an bài tất cả, phận ai người đó lo. Nỗi đau của gia đình nạn nhân thật khó có thể diễn tả nhưng với gia đình hung thủ, một điều mà ai cũng có thể nhận thấy, đó là họ cũng đau đớn, dằn vặt, khổ tâm về những chuyện đã xảy ra.
Với người ông nội của Luyện, ông Lê Văn Ngà, nỗi đau đã vượt quá sức chịu đựng của con người. Cụ ông đã cận kề tuổi bát thập này chứng kiến mọi thứ diễn ra như một bi kịch khiến cho cuộc sống của tất cả mọi người phải đảo điên, không thể lấy lại được thăng bằng.
Mất Tết sau ngày con cháu đi tù
Sống gần trọn cuộc đời, mọi đắng cay, thăng trầm đều đã từng trải, nhưng khi chứng kiến cảnh cả gia đình có tới 7 người con, cháu vướng vào con đường lao lý, ông Lê Văn Ngà cũng chẳng thể giữ được sự bình tĩnh.
Cuộc sống đảo lộn, suy nghĩ trĩu nặng, mọi thứ đã lao dốc mà không có cách nào có thể chặn đứng được. Nhưng dù như thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chẳng thể tuyệt vọng cùng cực được. Dẫu là mặc cảm, dẫu là đau đớn nhưng ông Ngà chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận tất cả.
Ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện giờ tan hoang
Nói về cuộc sống của gia đình mình, ông Ngà buồn bã chia sẻ: “Từ ngày mấy bố con nó bị bắt, nhà tôi chẳng bao giờ có được cảm giác vui vẻ. Vợ chồng tôi cùng đứa con gái bị thiểu năng trí tuệ giờ sống trông cậy vào vài mảnh ruộng, tý vườn trong nhà, bà nhà tôi giờ tuổi cao nhưng vẫn phải ra đồng làm việc vì chẳng có ai đứng ra phụ giúp”.
Con trai, con gái, con rể rồi cháu nội đều đi cải tạo, những người thân nhất của vợ chồng ông Ngà giờ đều không được ở nhà để đỡ đần cha mẹ già cả.
Trong suốt câu chuyện, ông Ngà chẳng thể nào kìm được dòng nước mắt của mình, đôi mắt đỏ hoe của một ông cụ gần 80 tuổi đã nói lên tất cả những gì đau đớn nhất trong cuộc đời của một con người.
Hồi tưởng lại cuộc sống trước đây, ông Ngà chia sẻ: “Khi thằng Miên (bố của Lê Văn Luyện) còn ở nhà, nó đỡ đần chúng tôi nhiều lắm. Ngày nào nó cũng chạy vào nhà, có việc gì thì làm, mọi công việc lớn nhỏ đều nó lo hết, vợ chồng tôi già nên cũng không phải bận tâm nhiều.
Kinh tế nhà nó cũng khá giả nên càng có điều kiện báo hiếu hơn. Ấy vậy mà, chỉ thoáng một chốc mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, tất cả đã đổ vỡ không thể níu kéo được”.
Sống bằng sự mặc cảm ghê gớm, từ ngày con cháu bị công an bắt, ông Ngà luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi đối diện với những người xung quanh. Cụ ông này bảo: “Trước đây, mọi công việc lớn nhỏ trong làng xóm tôi đều tham gia nhiệt tình, nhưng từ ngày xảy ra việc đó, trừ khi là việc của người trong gia đình, còn không thì tôi từ chối cả”.
Thậm chí, đám cưới của một đứa cháu họ rất gần ông Ngà cũng không dám tới vì sợ xuất hiện trước đám đông. Lý giải về chuyện này, ông Ngà nghẹn ngào: “Nhục lắm anh ạ! Con cháu người ta thì giỏi giang, đỗ đạt trường cao, còn cháu tôi là kẻ giết người, cướp của thì còn dám nhìn mặt ai nữa. Chết thì không chết được nhưng sống thế này cũng khổ lắm”.
Đó chỉ là chuyện của những ngày thường, còn mỗi khi dịp Tết về, cảm giác về sự thiếu vắng con cháu mới thực sự khiến người ta phải chạnh lòng. Đã ba Tết nay, gia đình ông Ngà vắng tiếng cười. Bánh chưng, thịt lợn, kẹo bánh vẫn đủ nhưng có một điều là chưa ai nghe thấy một tiếng cười lớn từ gia đình này.
Những nhà hàng xóm bên cạnh thì điện đài rộn ràng, con cháu quây quần vui vẻ nhưng gia đình ông Ngà chỉ là một sự im lặng đến lạnh người. Chẳng ai nói với ai, cứ đến bữa là dậy ăn, ăn xong thì mỗi người một góc, ông ngồi uống nước chè một mình, bà thì nằm gọn ở góc giường, lúc ngủ, lúc thức, cô con gái thiểu năng thì ra ngồi ở mép hiên cười nói một mình…
Những cái Tết thật quá đỗi đau đớn. Dường như cái giá mà gia đình Lê Văn Luyện phải trả cho vụ thảm án cũng vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, ông Ngà không trách cứ, không đổ lỗi cho ai mà vẫn khẳng định rằng: “Chúng nó gây tội thì phải bị pháp luật xử lý chứ không thể nào dung tha được.
Cháu tôi, con tôi gây tội thì đi tù là đáng lắm, nhưng chẳng biết tôi có còn sống được chờ đến khi chúng nó trở về nữa hay không. Có thể tôi sẽ chết trước ngày thằng Luyện được thả tự do nhưng thôi, mong sao nó sẽ cải tạo tốt, trở thành con người lương thiện thì tôi cũng cảm thấy yên lòng”.
Nói về chuyện người con trai một hồi, ông Ngà kể về cuộc sống của người con gái. Vốn dĩ con gái ông Ngà đã có được một cuộc sống yên ổn với nghề kinh doanh ở Lạng Sơn. Có điều kiện kinh tế nên luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bố mẹ nhưng cũng chỉ vì có liên quan đến việc của Luyện mà giờ đây, hai vợ chồng người con gái này cũng vướng vào vòng lao lý. Hoàn cảnh bi đát đến mức, hai đứa con người cô của Luyện vẫn còn rất nhỏ nay lại phải sống xa cha mẹ nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nghĩ về những đưa cháu ngoại, ông Ngà bảo rằng: “Tôi thương chúng lắm nhưng cũng chẳng làm được điều gì để thay đổi cả. Hiện tại, hai đứa nó sống với ông bà nội nên mọi thứ cũng được thu xếp khá ổn thỏa.
Tôi nhớ cháu, muốn lên thăm chúng nhưng cũng chẳng làm được, phần vì không có tiền, phần vì ngại với gia đình ông bà thông gia, chẳng còn mặt mũi nào mà ngồi nói chuyện với họ nữa nên đành giữ sự nhớ nhung trong lòng vậy, mong bố mẹ chúng sớm trở về để cuộc sống được như trước đây”.
Thương con, nhớ cháu đó là những gì có thể cảm nhận được từ trong suy nghĩ của ông Lê Văn Ngà trong suốt những năm tháng qua. Ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện trước kia giờ đã trở thành hoang phế, nghĩ tiếc của, tiếc công của con, mỗi tuần ông Ngà lại ra quét dọn một lần.
Ngôi nhà 2 tầng khang trang trước đây nay luôn mang một không khí ảm đạm, có những lần vì trọng bệnh, ông Ngà không quét dọn, lá cây phủ kín sân nhìn chẳng khác gì nhà hoang. Ông Ngà bảo rằng: “Mình chẳng làm được gì giúp chúng nó thì ở nhà trông coi mọi thứ để không bị hỏng hóc, đến khi nó về cứ thế mà ở thôi”.
Phần cuối cùng trong câu chuyện, ông Ngà chia sẻ rằng có một ước mong là sẽ được một lần lên trại giam thăm con, thăm cháu. Cụ ông này bảo rằng: “Từ ngày hai bố con nó bị bắt đến nay, tôi chưa một lần được đi thăm nuôi chúng. Cũng chẳng biết đường đi, lại phận già cả, ốm yếu sợ không đi nổi nên đành ở nhà.
Tới đây, nếu tôi khỏe thì sẽ thu xếp lên thăm thằng Miên một lần, còn thằng Luyện ở tận Nghệ An chưa chắc đã đi được. Có khi hai ông cháu sẽ chẳng còn có cơ hội được nhìn thấy nhau nữa vì mấy năm nay sức tôi yếu lắm rồi”.
Người mẹ khổ đau
Có một điều rất đặc biệt là khi tâm sự, ông Ngà khẳng định rằng: “Tôi thương bố con thằng Luyện 10 thì tôi thương mẹ nó 100”, có lẽ ông thấu hiểu được sự đau đớn mà người con dâu của mình đã phải hứng chịu khi biến cố xảy ra. Gia đình Luyện giờ đã tan nát, sau ngày hai bố con bị bắt, mẹ và em trai Luyện cũng không còn sống ở ngôi nhà cũ của gia đình nữa mà chuyển về nhà ngoại sinh sống.
Bản thân những người dân ở xã Thanh Lâm khi nói về câu chuyện diễn ra với gia đình Lê Văn Luyện cũng luôn có sự ngao ngán. Dẫu biết rằng, sự việc Luyện gây ra thật kinh hoàng và không thể tha thứ nhưng với những gì đã diễn ra với người mẹ của tên sát thủ này thì ai nấy cũng đều phải cảm thấy đau thương.
Sau khi chứng kiến biến cố xảy ra với gia đình mình, mẹ của Luyện đã không còn giữ được sự bình tĩnh tự nhiên, đêm nằm gặp ác mộng, ban ngày thì đờ đẫn, đi lang thang khắp nơi vì không thể điều khiển được hành vi của mình.
Sức ép từ việc chồng, con bị bắt, sức ép từ dư luận và sức ép từ việc cuộc sống thay đổi đã khiến cho tâm lý của người phụ nữ này không còn được như trước nữa.
Sau khi Lê Văn Luyện vào tù, gia đình cũng tan hoang, mỗi người một nơi.
Nhiều người bảo rằng mẹ của Luyện đã bị mắc bệnh tâm thần, có nhiều đêm người phụ nữ này lang thang khắp xóm nói lảm nhảm những chuyện chẳng ai hiểu. Rồi thi thoảng lại bỏ đi mà gia đình không rõ đi đâu, có đận cả hai bên nội ngoại phải đi tìm mẹ của Luyện mất gần nửa tháng mới thấy.
Không còn kiểm soát được hành vi cũng có nghĩa là mẹ của Luyện chẳng còn có thể lao động bình thường như trước.
Một người dân sống gần nhà với gia đình Lê Văn Luyện khẳng định, trước đây vợ chồng bà Thơm (mẹ của Luyện) sống rất hiền lành, chan hòa với mọi người. Nhà này mổ lợn bán thịt ở ngay ngã ba xã, những gia đình khó khăn họ bán rẻ như cho, thậm chí còn cho nợ khi nào có thì trả sau nên rất có cảm tình của mọi người. Ấy vậy mà đùng một cái, chồng đi tù, vợ bị điên, những người hàng xóm cũng cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng.
Luyện có một người em trai, khi vụ án xảy ra đang học lớp 10 trường huyện, tuy nhiên, chuyện của người anh trai đã khiến cậu bé này không dám đến trường. Ngày vụ thảm án xảy ra cũng là ngày cậu bé này thôi học.
Bạn bè cũng chẳng còn thấy cậu bé này đi chơi, quây quần chúng bạn như trước nữa. Có lẽ, kể cả một cậu bé chưa đủ tuổi thành niên cũng đã cảm nhận được những gì là đau đớn, là mặc cảm, là hổ thẹn…
Mẹ mắc bệnh, người em trai của Luyện dù còn nhỏ nhưng buộc phải tìm việc làm để lo liệu cho cuộc sống của hai mẹ con. Cùng mẹ về nhà bà ngoại sinh sống, hằng ngày, người em trai của Luyện đi làm thuê mướn khắp nơi, khi đi chặt cây thuê, khi thì đi bốc củi, khi thì làm nghề bóc vỏ cây… rất nhiều nghề khác nhau nhưng cậu bé này ý thức được việc bố đã vắng nhà thì bản thân mình phải đứng ra cáng đáng mọi việc.
Gánh nặng của việc duy trì cuộc sống gia đình bỗng nhiên đè lên vai một cậu con trai chưa quá 20 tuổi, ai cũng có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt là như thế nào.
Đảm bảo cuộc sống của hai mẹ con, tích cóp được ít tiền nào là em trai của Luyện lại đưa mẹ đi khám chữa. Thời gian gần đây, do bệnh tình đã thuyên giảm nên mẹ của Luyện đã bình tĩnh hơn và dần tìm được sự thăng bằng. Bà Thơm đã đi làm để kiếm tiền lo cho cuộc sống, cứ thế thời gian trôi qua, khi mà vụ thảm án dần khép lại thì mẹ và em trai Luyện cũng đã có thể tìm được sự bình yên trong cuộc sống.
Giờ đây khi tìm về xã Thanh Lâm, chuyện của gia đình Luyện đã không còn xuất hiện. Hơn 3 năm qua, mọi thứ đã được xóa nhòa bằng một lớp bụi thời gian, có thể mọi người chưa quên nhưng không ai còn nghĩ tới nữa. Tất cả lúc này chỉ là quá khứ, cuộc sống của những người còn lại mới là thực tại. Ai cũng hiểu điều này và họ luôn cho rằng, mọi việc đã kết thúc hoàn toàn và mong sao gia đình của Luyện sẽ tìm được một cuộc sống mới thật sự bình yên.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%