Tên cướp vui mừng khi bị công an bắt giữ sau 15 năm trốn lệnh truy nã
Thứ sáu, 20/06/2014 16:54

Dù biết trở về để nhận án chồng án nhưng Lương đã không hề sợ hãi mà còn tỏ ra vui mừng, bởi gã đã được trở về nhà sau 15 năm trốn nã./

Tên cướp vui mừng khi bị công an bắt giữ sau 15 năm trốn lệnh truy nã

Tên cướp vui mừng khi bị công an bắt giữ sau 15 năm trốn lệnh truy nã

Đang chấp hành bản án 3 năm tù giam về tội trộm cắp tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Phạm Minh Lương (SN 1966, ngụ tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị Công an tỉnh Quảng Nam dẫn độ về Việt Nam để điều tra vụ cướp tài sản mà Lương đã thực hiện năm 1993. Dù biết trở về để nhận án chồng án nhưng trái với tâm lý thông thường của một kẻ tội phạm, Lương đã không hề sợ hãi mà còn tỏ ra vui mừng, bởi gã đã được trở về nhà sau 15 năm trốn chui lủi nơi đất khách quê người...

Từ chàng trai tài hoa trở thành tên cướp vặt

Thời trai trẻ, Phạm Minh Lương được nhiều người biết đến bởi bàn tay tài hoa qua những bức tranh do mình vẽ. Dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào nhưng Lương đặc biệt có năng khiếu về hội họa. Không những thế, ở địa phương Lương còn nổi tiếng bởi khả năng nói tiếng Anh khá lưu loát và thông thạo võ thuật. Có thể nói, ở một miền quê nghèo khó như xã Tam Xuân 1 này, Lương là một thanh niên thông minh, giỏi giang khiến nhiều cô gái phải ngưỡng mộ, mơ ước.

Thế nhưng, chỉ vì một phút nông nổi, Lương đã rẽ cuộc đời mình vào ngõ tối. Đêm 24/7/1993, Lương đến nhà văn hóa thị xã Tam Kỳ để xem xiếc môtô bay. Tại đây, Lương gặp một người bạn tên Hoàng Văn Đức rủ Đức uống rượu. Trong lúc uống rượu, cả hai nổi hứng rủ nhau... đi cướp. Trước khi rời quán nhậu, Đức đã lấy trộm một con dao có cán nhựa màu vàng để làm công cụ gây án. Tiếp đó, cả hai lững thững đi bộ đến ngã tư Nam Ngãi thì thấy một nhóm lái xe thồ đang đánh bài nên đã mò vào để thử xem có kiếm chác được gì không. Tuy nhiên, sau khoảng chừng hơn 1 giờ ngồi chầu rìa, biết đám này không có tiền chỉ chơi bài bạc cò con không bõ công để cướp nên Lương cùng Đức bấm nhau đứng dậy đi tìm con mồi khác. Trước khi đi, Lương không quên “cầm nhầm” chiếc đèn pin của các tay cờ bạc đang mải mê sát phạt nhau.

Lúc này đường vắng lặng, thi thoảng có vài xe ôtô đường dài chạy qua nên hai tên cướp đi bộ không thể làm gì được. Đến khoảng 3h30, khi đến khu vực vườn Cừa (phường Hòa Hương), thấy anh Phan Bộ đang đạp xe đạp đến, Lương và Đức bước ra giữa đường, chặn anh Bộ lại. Đức đưa đèn pin soi vào mặt anh Bộ, còn Lương thì dí dao vào cổ nạn nhân và nói: “Có tiền không đưa đây”. Anh Bộ hốt hoảng trả lời: “Tôi không có tiền”. Đức soi đèn pin vào chiếc giỏ nhựa trên xe anh Bộ thì phát hiện gói tiền 140.000 đồng, Lương và Đức vơ vội gói tiền rồi bỏ chạy. Lúc này, trời cũng bắt đầu hửng sáng. Cả hai rủ nhau đi ăn sáng và uống cà phê hết 22.000 đồng, còn lại 118.000 đồng Lương giữ lấy.

Nhận được tin báo của nạn nhân, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Tại hiện trường, công an thu được chiếc đèn pin và con dao cán nhựa màu vàng. Ngày 28/9/1993, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Lương và Hoàng Văn Đức về hành vi “Cướp tài sản công dân”. Do Lương và Đức bỏ trốn khỏi địa phương nên ngày 24/10/1993, Công an thị xã Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ) đã ra quyết định truy nã đối với 2 bị can này. Hai ngày sau, đối tượng Hoàng Văn Đức đã bị bắt, riêng Phạm Minh Lương vẫn bặt âm vô tín.

Hành trình 15 năm trốn lệnh truy nã

Biết mình đang bị truy nã, Lương quyết đi thật xa để mai danh ẩn tích. Rời quê nhà, Lương đi thẳng một mạch sang Lào. Dừng chân tại Thủ đô Viên Chăn, Lương đổi tên thành Lê Thương và xin vào làm công nhân cho các công trình xây dựng.

Nhờ thông minh, nhanh nhẹn, Lương được khá nhiều người tin tưởng và hợp tác cùng làm ăn. Hết nhận công trình xây.

dựng, Lương nhận thầu sửa chữa máy cày rồi buôn bán xe ôtô cũ... Công việc thuận lợi, tiền Lương kiếm được cũng khá nhiều. Thế nhưng, cuộc sống của Lương không hề hạnh phúc, bởi nhớ nhà, nhớ người thân. Nhiều lúc, Lương muốn quay trở về quê để được chăm sóc cho cha mẹ già, được vui vầy với anh chị em. Nhưng rồi án tù cứ treo lơ lửng trên đầu khiến Lương không dám bước chân về Việt Nam. Sống nơi xứ người, không cha mẹ, không vợ con, Lương vùi vào ma túy cho quên nỗi buồn. Chẳng mấy chốc Lương đã chôn vùi tất cả trong niềm đam mê chết người của mình.

Túng tiền, Lương lại thêm một lần nữa nhúng chàm. Lần này, Lương theo bạn bè trộm cắp xe ôtô ở Lào để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Ngày 1/4/2006, Lương bị cơ quan công an Lào bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 27/2/2007, Lương đã bị TAND Viêng Chăn xử phạt 3 năm tù giam. Khi đại diện Bộ Công an (C5) tại Lào có công văn đề nghị xác minh tiền án, tiền sự, nhân thân lai lịch của đối tượng Lê Thương, qua tra cứu vân tay, Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định Lê Thương chính là Phạm Minh Lương, kẻ đang bị truy nã về hành vi “Cướp tài sản”. Lúc này, Phạm Minh Lương đang thi hành án tại Trại giam Phôn-Toong thuộc Cục cảnh sát quản lý trại giam Bộ An ninh Lào.

Giám đốc Công an Quảng Nam đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC16) căn cứ Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào ký ngày 6/7/1998; Điều 56 Luật Tương trợ Tư pháp để đưa Phạm Minh Lương về Việt Nam xét xử. Ngày 19/10/2008, Công an tỉnh Quảng Nam đã cử một đoàn công tác phối hợp với Văn phòng Interpol - Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào và Cục điều tra - Bộ An Ninh Lào dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam.

Ngày 29/10/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phục hồi điều tra vụ án hình sự và ra lệnh tạm giam Phạm Minh Lương thời hạn 3 tháng để điều tra làm rõ hành vi cướp tài sản. Sau khi nhận bản án 36 tháng tù giam về hành vi này, Phạm Minh Lương được “truy lĩnh” 10 tháng tù giam mà Lương còn nợ trong vụ án trộm cắp tài sản ở Thủ đô Viêng Chăn, tổng hình phạt mà Lương phải chịu là 46 tháng tù giam.

tron-truy-na-o-lao

Chuyện bây giờ mới kể

Thiếu tá Lương Quốc Bình, người trực tiếp điều tra vụ án và tham gia dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam kể, đây là một trong những vụ án mà anh nhớ nhất. Bởi vụ án có yếu tố nước ngoài và lần đầu tiên mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Quảng Nam ra nước ngoài để dẫn độ đối tượng về nước. Lúc đó, Phạm Minh Lương đang chấp hành án tại trại giam ở nước bạn, việc đưa Lương về để xét xử tại Việt Nam có nhiều vấn đề đặt ra, vừa phải thực hiện công tác truy nã, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp phía Việt Nam, vừa phải bảo đảm việc thi hành bản án của TAND thủ đô Viêng Chăn. Tuy nhiên, được sự phối hợp tích cực từ Interpol, Công an thủ đô Viêng Chăn và Trại giam Phôn-Toong, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Quảng Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thiếu tá Bình nhớ lại, trong thời gian tầm nã Lương, anh đã về gặp cha mẹ của Lương. Ngày đó, Lương bỏ đi khiến họ ngày đêm thương nhớ người con trai, nhưng không biết tìm con ở chân trời nào. Biết cơ quan công an truy nã con trai mình, họ lại thấy yên tâm, vui hơn và mong công an sớm bắt được Lương. Điều đó không có gì lạ, bởi họ hiểu, dù Lương có trốn chân trời góc bể nào thì cũng bị công an tìm ra. Hơn nữa, ra đầu thú hoặc bị bắt sớm ngày nào là tốt ngày ấy, họ còn được gặp con, còn biết con mình còn sống... Sau khi Lương được đưa về từ Lào, bà Nguyễn Thị Chiểu (SN 1925, mẹ Lương) ngỏ lời đã cám ơn cơ quan công an vì đã tìm được con cho bà.

Ngay cả, Phạm Minh Lương cũng vậy, sau khi chấp hành xong án phạt tù, Lương đã mau chóng hoàn lương. Ngày ra tù, Lương đã tìm gặp Thiếu tá Bình để nói lời cảm ơn chân thành, rằng các anh Công an đã giúp Lương trở về quê hương, trở về với gia đình và từ bỏ ma túy. Hiện nay, Lương đã có vợ con, gia đình hạnh phúc, có việc làm ổn định và được bà con, làng xóm thương yêu, tin tưởng. Cho đến bây giờ, Lương và Thiếu tá Bình vẫn thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện. Đó là cái kết tốt đẹp của chàng trai từng lầm lỡ và cũng chính là niềm vui của Thiếu tá Bình và đồng đội...

Hiền Phương – Phương Nam (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: tron na , truy na , toi pham , trom cuop , cuop cua giet nguoi , tin , bao