Tất tần tật những điều về sẩy thai mẹ bầu nên biết
Thứ năm, 06/11/2014 08:32

Sẩy thai là một trong những điều không ai mong muốn trong thai kỳ. Những thông tin liên quan đến sẩy thai dưới đây có thể mẹ bầu chưa biết.

Tất tần tật những điều về sẩy thai mẹ bầu nên biết (Ảnh minh họa)

Tất tần tật những điều về sẩy thai mẹ bầu nên biết (Ảnh minh họa)

1. Nguyên nhân gây sẩy thai

Nguyên nhân gây sẩy thai thường đa dạng và có nguyên nhân không thể nhận diện được. Sẩy thai có thể do bất thường nhiễm sắc thể, cũng có thể do mất cân bằng hormone, nội tiết bất thường, rối loạn tự miễn, hội chứng phospholipid (một vấn đề miễn dịch gây ra các vấn đề đông máu), hoặc do bất thường ở tử cung của người mẹ...

2. Dấu hiệu cảnh báo sẩy thai

Nếu gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây, mẹ bầu nên đi khám để phòng nguy cơ sẩy thai:

- Đau lưng (từ đau vừa đến đau nghiêm trọng).

- Sút cân.

- Dịch âm đạo màu trắng hồng.

- Cơn co tử cung (khoảng 5-20 phút một lần).

- Ra máu đỏ hoặc nâu đỏ, có thể kèm theo cơn chuột rút.

- Đột nhiên mất các triệu chứng của ốm nghén.

Tuy nhiên, ra máu nhẹ và co thắt không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo sẩy thai. Những triệu chứng này vô cùng phổ biến trong giai đoạn đầu mang thai và thường không có gì phải lo lắng. “Chảy máu trong tam cá nguyệt đầu tiên xảy ra ở khoảng 40% thai phụ. Còn co thắt nhẹ là dấu hiệu hầu hết phụ nữ gặp phải, giống như là kết quả tử cung mở rộng” – Laurie Gregg (giám đốc sản phụ khoa tại bệnh viện Memorial Sutter, California) nói.

Vì thế, hãy tới gặp bác sĩ và nói họ biết về tình trạng ra máu lốm đốm, ra máu rải rác, co thắt… Nếu bạn bị đau nghiêm trọng, đặc biệt hai bên xương chậu, hãy đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.

3. Dấu hiệu ẩn của sẩy thai là gì?

- Ra máu lốm đốm, không đau.

- Có chất lỏng từ âm đạo nhưng không đau hoặc chảy máu.

4. Có những kiểu sẩy thai nào?

Sẩy thai tiến triển theo quá trình, gồm nhiều giai đoạn, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc (thai bị đẩy ra ngoài). Tuy nhiên, không phải lúc nào sẩy thai cũng diễn biến theo quy trình như thế. Có các loại sẩy thai như sau:

- Dọa sẩy: Bắt đầu bằng dấu hiệu ra máu, thường chỉ với lượng ít, máu đỏ hoặc bầm đen, kèm theo đau lưng dưới, chuột rút, kéo dài vài ngày. Cổ tử cung vẫn đóng. Thai phụ thấy triệu chứng ra máu. Trong nhiều trường hợp, sau khi mẹ bầu có dấu hiệu và được chẩn đoán là dọa sẩy thai, tuy nhiên sau đó lại có kết quả là sảy thai. Nguyên nhân của những trường hợp này có thể là do có sự bất thường ở nhiễm sắc thể.

- Sẩy thai không hoàn toàn: Bụng và lưng đau, kèm dấu hiệu ra máu. Cổ tử cung mở. Ra máu và chuột rút nghiêm trọng hơn.

- Sẩy thai hoàn toàn: Bào thai bị đẩy ra ngoài tử cung. Ra máu đột ngột, mạnh mẽ hơn kèm theo cơn co tử cung. Sẩy thai hoàn toàn sẽ được kiểm tra qua siêu âm thai từ bác sĩ.

- Thai chết lưu: Ngay cả nhóm thai phụ có kinh nghiệm sẩy thai cũng khó nhận biết triệu chứng của thai chết lưu. Thai chết lưu là tình trạng bào thai bị hỏng nhưng vẫn lưu lại trong tử cung. Nhiều thai phụ không biết chính xác thời điểm bào thai đã hỏng. Dấu hiệu thường thấy là mất triệu chứng ốm nghén, nhịp tim thai không còn đập nữa qua siêu âm.

5. Đã từng sẩy thai thì sẽ bị sẩy những lần mang thai tiếp theo?

Khi một người phụ nữ bị sẩy thai tái phát (được định nghĩa là từ 3 lần sảy thai liên tiếp trở lên), điều quan trọng là bạn cần đi kiểm tra nội tiết sinh sản để tìm kiếm nguyên nhân.

Nếu bạn bị sẩy thai một lần, rất có khả năng bạn sẽ sẩy lại. Tỷ lệ sẩy thai lần hai không tăng nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn từng 2 lần bị sẩy thì nguy cơ sẩy thai lần 3 tăng lên 20%. Sau 3 lần, con số đó tăng đến 30%; sau 4 lần là 40%. Nhưng bạn cũng nên biết rằng, ngay cả khi bạn đã có 4 lần sẩy thai thì bạn vẫn còn 60% cơ hội mang thai thành công.

6. Tuổi tác có làm tăng nguy cơ sẩy thai?

Các bác sĩ của Trường Cao đẳng sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cho biết, với phụ nữ độ tuổi 20-30, nguy cơ sẩy thai là 15%. Tại tuổi 35, tỷ lệ sẩy thai có thể lên tới ¼ và ở tuổi 40 là gần 1/3. 

7. Từng phá thai thì dễ bị sẩy thai?

Nếu bạn từng phá thai, hãy cho bác sĩ của bạn biết. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng có một số ý kiến cho rằng, phá thai nhiều hơn 3 lần khiến cổ tử cung không còn toàn vẹn nữa. Nguy cơ sẩy thai tăng lên nếu sau phá thai, người mẹ mang thai lại sớm (ít hơn 3 tháng sau khi sẩy thai).

8. Tập thể dục có làm tăng nguy cơ sẩy thai?

Không có bằng chứng cho thấy tập thể dục vừa phải trong quá trình mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai. Mẹ bầu chỉ cần tránh các hoạt động có nguy cơ bị ngã như cưỡi ngựa, trượt tuyết, các môn bóng như bóng đá và bóng rổ… Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần phải uống đủ nước để không bị nóng quá khi tập một môn thể dục nào đó.

Trong thực tế, tập thể dục thực sự có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những phụ nữ tập luyện vừa phải trong suốt thai kỳ có tỷ lệ sẩy thai thấp hơn 40%. Bên cạnh đó, tập luyện còn ngăn chặn tăng cân quá mức và giúp phụ nữ chuyển dạ dễ dàng hơn.

9. Điều gì xảy ra sau sẩy thai?

Bạn có thể ra máu lốm đốm và khó chịu trong vài ngày. Tuy nhiên, cần đi khám ngay nếu bạn bị chảy máu nặng, sốt, ớn lạnh hoặc đau nghiêm trọng – chúng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiều khuyến cáo rằng, phụ nữ nên tránh mang thai lại trong 3 tháng đầu sau sẩy thai.

10. Có thể phòng ngừa sẩy thai không?

Nhiều trường hợp sẩy thai xuất hiện mà không ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có thể làm giảm tỷ lệ sẩy thai bằng cách chăm sóc tốt bản thân, không dùng thuốc bừa bãi, không uống rượu hay hút thuốc. Nếu bạn có tiền sử sẩy thai liên tiếp, bác sĩ có thể khuyên bạn kiểm tra di truyền để xem liệu bạn (hay chồng bạn) có bất thường nhiễm sắc thể, ảnh hưởng đến trứng hoặc tinh trùng không.

Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin giúp giảm nguy cơ sẩy thai liên tiếp cho bạn. Có thể gồm cả việc tránh sinh hoạt vợ chồng hoặc tránh một số hình thức luyện tập khi mới mang thai.

MASK Online

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: nhung dieu can biet ve say thai , say thai , say thai o phu nu , nhung dieu can biet sau khi say thai , tin , bao