Tăng giá điện từ ngày mai (22/12), EVN có thêm 7.000 tỉ
Thứ sáu, 21/12/2012 19:00

Phó TGĐ EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, doanh thu của EVN năm tới ước tính sẽ có thêm 7.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện bình quân thêm 5% từ ngày mai.

Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, ông Đinh Quang Tri. Ảnh: C.H

Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, ông Đinh Quang Tri. Ảnh: C.H

“Không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất”?

Theo đó, giá điện bình quân từ 1.369 đồng/kWh sẽ tăng lên 1.437 đồng/kWh (tăng 68 đồng/kWh). Nguồn thu có được này, theo ông Tri, EVN sẽ dành ra 900 tỉ đồng bù cho việc tăng giá than từ ngày 15/9 vừa qua; Khoảng 3.800 tỉ để bù vào chênh lệch khí bao tiêu; và khoảng 3.000 còn lại EVN sẽ bù cho khoản chênh tỉ giá (hơn 26.000 tỉ tính đến hết năm 2011). Như vậy, số tiền lỗ tỉ giá còn lại là 23.000 tỉ sẽ được bù vào giá điện trong các lần tăng giá từ 2013-2015.

Như mọi lần, lời trấn an quen thuộc lại được EVN và bộ Công thương đưa ra để giải thích cho những bức xúc của dư luận là: “tăng giá điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất”. Những con số được EVN tính toán và đưa ra trong thông cáo báo chí để minh chứng cho luận điểm trên như sau: tăng giá chỉ khiến các hộ sử dụng điện bình thường 100kWh/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng, các hộ sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng, sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng, hộ sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng/tháng, các hộ sử dụng 400kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.

Còn theo ông Đinh Thế Phúc, phó cục trưởng cục Điều tiết Điện lực (bộ Công thương) thì tính toán của liên bộ Tài chính – Công thương cho thấy tăng giá điện chỉ tác động đến CPI rất khiêm tốn: 0,12%.

Tuy nhiên, "việc tăng giá này tác động tới doanh nghiệp ra sao"? thì theo ông Đinh Quang Tri, "doanh nghiệp phải tự tính trên cơ sở giá đầu vào của mình vì mỗi doanh nghiệp sử dụng điện khác nhau. EVN không tính thay cho các doanh nghiệp được”, ông Tri nói. Lý giải vì sao chọn thời điểm này để tăng giá điện, ông Tri cho hay: vì là thời điểm cuối năm, nên đã biết được các chỉ số cơ bản của nền kinh tế, theo đó việc tăng lúc này và điều chỉnh mức độ nhỏ nên không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Trước quan điểm cho rằng tăng thời điểm này - khi đời sống người dân đang khó khăn - là không phù hợp, ông Tri giải thích: Chả lúc nào phù hợp nếu dưới gốc độ người tiêu dùng, thì tăng dù chỉ một đồng cũng phải chi tiền. Nhưng gưới góc độ tổng thể nền kinh tế, EVN đi mua và bán lại cho dân, EVN không thể bù được nếu mua cao bán thấp, khi đó sẽ không mua được thì khổng đủ điện để dùng.

“EVN không có thưởng tết”

Cũng theo ông Tri, việc thưởng tết thì phải trên cơ sở trích lập các quỹ, nhưng việc trích lập quỹ chỉ thực hiện khi EVN đã hết lỗ. Vì vậy, với việc khoản lỗ hai năm trước còn treo lại gần 11 ngàn tỉ nên hiện EVN không có trích quỹ nên đương nhiên không có nguồn thưởng tết. “Có chăng chỉ cho ứng lương trước”, ông Tri cho biết.

SGTT
Tag: Giá điện , EVN , Điện lực , Kinh tế , Tin tức xã hội