Trong nhiều chuyến công tác ở miền núi Tây Bắc, chúng tôi được nghe không dưới một lần những câu chuyện đầy sự hoang đường về “ma cà rồng”...
Nhiều thiếu nữ miền sơn cước được trời phú cho sắc đẹp tuyệt mỹ, bỗng dưng bị cho là hiện thân của “ma cà rồng” (Ảnh minh họa) |
Hiện thân của quỷ!?
Vượt qua mấy con đường rải đá tối tăm dọc dãy núi Bách Thần (Tuyên Quang) tìm đến căn nhà sàn của bà Hoàng Thị Bần. Bà Bần là người dân tộc Tày, năm nay đã gần 80 tuổi và được người dân nơi đây cho rằng biết rất nhiều chuyện người xưa truyền lại về loài “ma cà rồng” từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vùng cao nhiều đời qua.
Dõi đôi mắt xa xăm vào bóng đêm núi rừng Tây Bắc, bà Bần bắt đầu câu chuyện: Không chỉ các cụ đời xưa mà ngày nay người dân tộc Tày chúng tôi vẫn nói với nhau rằng “ma cà rồng” thường hóa thân vào các cô gái đẹp, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như máu, tóc đen chảy dài xuống lưng. Cũng theo lời bà Bần thì “ma cà rồng” chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người “bị ma nhập” chết đi ấy là một lần “ma cà rồng” lột xác. Lột xác 7 lần thì “ma cà rồng” có thêm một chiếc sừng (nhiều cùng ma lột xác 9 lần). Có thêm một chiếc sừng thì “ma” thoát xác 63 lần (trên đầu có 9 cái sừng) lúc ấy “con ma” hấp thu đủ linh khí tam tài, công lực trở nên vô cùng thâm hậu, biến hóa muôn hình vạn trạng. Lúc ấy chỉ cần “ma” nhìn ai thì người đó sẽ phải… chết(!?). Chính vì vậy mà người nào bị dân bản nghi là “ma cà rồng” thì người đó sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với “ma” và đặc biệt rất sợ “ma”… đến nhà mình chơi. “Ma” đến “thăm” nhà nào thì dứt khoát vài ngày hôm sau lợn, gà của nhà đó tự dưng sẽ lăn đùng ra chết?!
“Ma cà rồng” không trú chân ở hẳn một nhà mà cứ lang thang khắp nơi theo chu trình của một đời người. Vì thế người nào bị dân bản nghi là “ma” thì trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Cô gái bị “ma cà rồng” nhập xác, nếu lấy chồng, “ma” theo cô gái ấy về nhà chồng. Cô gái ấy sinh con, “hồn ma” nhập sang con gái, “hồn ma” nhập sang cháu gái. Nếu không có cháu gái thì núp tạm sau cháu dâu…”. Lời đồn tai ác ấy đã khiến cho nhiều cô gái cùng thế hệ với bà Bần bị người trong làng bản ghê sợ, cách ly. Người ta cứ bảo nhau không lấy, không chơi khiến cho những cô gái đó nếu không muốn ế chồng thì phải bỏ quê hương đi lập gia đình ở tít tận những miền xa.
Dù những gì liên quan đến “ma cà rồng” chỉ là những lời truyền miệng nhưng bà cụ người Tày này một mực khẳng định hiện nay vẫn còn những gia đình trong dân tộc mình bị coi là “ma cà rồng” nhập xác. Thuyết phục mãi, bà Bần mới dám chỉ cho chúng tôi một gia đình bên xã Yên Lập (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị đồn là có “ma cà rồng” trong dòng họ.
Từ nhà bà Bần ra về, dù không tin vào những chuyện hoang đường như vậy nhưng những cơn gió núi quăng mình vào vách đá tạo nên những tiếng rít ghê người giữa đại ngàn hoang vu cũng đủ để chúng tôi sởn gai ốc, dựng tóc gáy trên suốt quảng đường về…
Rất nhiều cô gái người Tày bị cho rằng hiện thân của “ma cà rồng”
Lời nguyền nặng mang
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục leo bộ vượt qua con đường đầy đá gộc vắt ngang một quả đồi để tìm sang xã Yên Lập, nơi được cho là vẫn đang tồn tại “ma cà rồng” giữa thời đại tên lửa. Vừa nghe chúng tôi hỏi về “ma cà rồng”, Phó Chủ tịch UBND xã Sầm Văn C. nghệt mặt ra như bất ngờ rồi bỗng xua tay đầy lo lắng: “Cái này khó nói lắm. Có “ma cà rồng” thật đấy. Sợ lắm. Không nên nhắc đến làm gì”. Chúng tôi phải động viên mãi, ông Phó Chủ tịch xã sinh năm 977 có khuôn mặt còn rất trẻ này mới nhỏ giọng kể lại: “Ở trong xã Yên Lập có 2 gia đình bị coi là bị “ma cà rồng” nhập. Họ cứ đến nhà ai thì nhà người đó có người bị bệnh hoặc chết lợn, chết gà”. Cũng theo lời ông C. từ năm 2000 trở lại đây, khi xã có điện chiếu sáng thì người dân đi đêm ít bị “ma cà rồng” dọa. Chứ trước đó thì việc gặp “ma” là chuyện thường xuyên.
Điều đáng chú ý là con gái trong dòng họ Hà đều rất xinh đẹp tuyệt trần và nổi tiếng khắp gần xa về nhan sắc. Họ là những cô gái da trắng, môi hồng, tóc đen mượt chảy dài như suối. Thế nhưng, chỉ vì lời đồn đại tai ác trên mà con gái họ Hà ở khu vực đó không lấy được chồng. Từ thời phong kiến cho tới tận cách đây mấy năm, vẫn không có ai dám lấy những người con gái đẹp đó. Những người con gái họ Hà đều phải bỏ đi nơi xa không ai biết đến để lấy chồng và mưu sinh. Bà Hà Thị B., vợ ông T. nhan sắc hơn người cũng đều chịu chung số phận.
Mất cả giờ đồng hồ thuyết phục, giở đủ các ngón nghề cơ bản chúng tôi mới tiếp cận và chụp được kiểu ảnh của Hà Thị Ng. (17 tuổi) – một thiếu nữ mà theo ông C. là đang phải chịu sự khốn khổ vì những lời đồn ác tâm kia. Ng. có một vẻ đẹp rực rỡ hệt như bông hoa rừng tươi thắm dưới ánh nắng mặt trời. Với làn da trắng nõn và nụ cười đẹp mê hồn có thể làm siêu lòng người khó tính nhất. Năm nay đã 17 tuổi mà Ng. vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, bởi đơn giản là các chàng trai trong bản đều kinh sợ chẳng ai dám đến gần cô, ai bạo gan thì cũng chỉ dám đứng từ xa mà ngắm.
Bằng tiếng Kinh lơ lớ, Ng. cười buồn tâm sự: “Ngay từ khi mới lớn lên em đã chịu đủ tiếng xấu rằng em là hiện thân của ma quỷ nên chẳng dám đi đâu. Sắp tới em sẽ được một người bác họ đón về Hà Nam để học, để kiếm lấy cái nghề rồi lấy chồng sinh con. Phải xa quê hương, xa cha mẹ, dù rất buồn nhưng em chẳng biết tính sao nữa…”.
Theo tìm hiểu của PV, ở xã Yên Lập và những xã lân cận có đến hơn 50 cô gái đẹp từng bị tiếng là “ma cà rồng” nhập. Điển hình như chị em nhà cô Hà Thị M. và Hà Thị T. ở thôn Bản Cải vốn rất xinh đẹp và trắng trẻo nhưng bị đồn là “ma cà rồng”. Vì lời đồn đó mà một cô phải lấy chồng trên Na Hang, còn một cô thì xuôi về Phú Thọ. Trước khi ra về, chúng tôi hỏi giờ có điện, có ti vi, đài, báo để đọc thông tin rồi thì còn sợ “ma cà rồng” không, ông Phó Chủ tịch xã nhăn mặt: “Sợ chứ! Cái “ma cà rồng” nó có tha ai đâu. Nếu bắt gặp thì các nhà báo cũng sợ cả thôi”!
Sự thật về căn bệnh “ma cà rồng”
Các nhà khoa học trên thế giời nghiên cứu và khẳng định, những người bị coi là “ma cà rồng” thực ra bị mắc một căn bệnh cực kỳ hi hữu có tên gọi là porphyria – một loại bệnh gen di truyền làm ảnh hưởng đến các sắc tố dưới da. Vào giai đoạn cuối, khôn mặt bệnh nhân porphyria bị biến dạng một cách kỳ dị và hãi hùng, ngay cả chủ nhân của nó cũng không đủ can đảm để soi gương. Nước da sạm lại, nướu răng bắt đầu tróc ra từng mảng khiến cho gốc chân răng càng chìa hẳn ra ngoài. Lợi chuyển sang màu đỏ quạch, ri rỉ máu, trông như thể hàm răng vừa cắm vào… cổ ai.
Thêm nữa những người này cũng rất sợ tiếp xúc với ánh sáng, bởi sẽ làm cho da phồng dộp và nhiễm trùng. Do đó họ chỉ dám ra ngoài vào ban đêm. Rồi loạn tâm lý phát sinh từ hoàn cảnh tù túng ức chế này. Không ít bệnh nhân porphyria rơi vào trạng thái cuồng loạn đã nảy ra ý nghĩ điên rồ: Tìm hơi máu để làm dịu cơn đau đớn. Đây là căn bệnh được coi là bí hiểm nhất mọi thời đại và may mắn là số người mắc bệnh không nhiều, trên toàn thế giới mới chỉ ghi nhận được hơn 100 trường hợp.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì những người bị coi là “ma cà rồng” ở các bản người Tày của một số vùng cao Việt Nam lại không phải là những người có dấu hiệu của bệnh porphyria. Con “ma” đó chỉ sống trong những lời đồn đại của người dân thiếu hiểu biết, tri thực hạn chế, sống trong những lời phán truyền mê muội của các ông bụt, ông tạo và thậm chí sống trong cả sự đố kị, ganh ghét, nói xấu nhau trong cuộc sống hàng ngày.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%