Người ta gọi đó là “rừng chết”, bởi nếu vào rừng mà không mời thầy mo cúng bái cẩn thận, thế nào cũng gặp rắc rối.
Bên nồi thắng cố, trai bản Tả Gia Khâu kể về rừng cấm bằng những lời thành kính |
Khu rừng này, từ bao đời nay đã chứa đựng những bí ẩn về sự chết chóc kèm theo sự đồn thổi khó tin về lời nguyền đáng sợ.
Những câu chuyện ly kỳ
“Rừng chết” còn có tên gọi khác là rừng cấm ở bản Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Mỗi khi nhắc đến khu rừng này, người dân bản Tả Gia Khâu đều "rùng mình" không phải vì đó là khu rừng rậm rạp, âm u mà còn vì một lời nguyền rằng “thần rừng” sẽ trừng phạt bất cứ ai dám cả gan "đánh thức" giấc ngủ của ngài.
Để tìm hiểu thực hư lời nguyền đó, chúng tôi quyết định vượt hàng trăm cây số đến với khu rừng được đồn thổi này.
Từ trung tâm huyện Mường Khương tới rừng cấm Dìn Chin, đoạn đường hơn 10 km song chúng tôi phải đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới. Hiện ra trước mắt là khu rừng nguyên sinh độc đáo nằm giữa thung lũng đá hình vòng cung, vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ huyền bí.
Vừa đến chân núi, một hơi lạnh tỏa ra xen lẫn tiếng chim chóc khiến bất cứ ai đến nơi đây cũng phải lạnh người. Vốn được coi là rừng thiêng, nên người vào rừng cũng hiếm. Chúng tôi đang đấu tranh tư tưởng xem có nên vào rừng hay không thì vừa lúc nghe tiếng loẹt xoẹt đằng sau.
Cả nhóm giật mình quay lại thì thấy người một đàn ông đang quét lá cây. Đó là Lùng Tác Lung, dân tộc Nùng, nhà gần khu rừng, quét lá để về đun bếp. Tưởng chúng tôi là nhà khoa học vào tìm hiểu gì đó nên Lung ngẩng mặt lên cười vội một cái rồi lại cặm cụi với công việc của mình.
Bắt chuyện với Lung, chúng tôi ngỏ ý muốn anh dẫn vào rừng tham quan. Lung từ chối ngay. “Các anh tự vào đi, Lung không dẫn được đâu, thần núi sẽ trừng phạt đấy. Ở đây ai muốn vào phải làm lễ, nhờ thầy mo cúng thần rừng khi đó mới vào được”.
Nghe Lung nói thì ở bản làng này dễ đến cả năm chẳng ai dám vào rừng cả. Người “to gan” như Lung cũng chỉ dám lân la chân núi kiếm ít lá cây về đun bếp. Tôi hỏi vì sao không vào được?
Lung nói rằng đây là rừng thiêng, rừng cấm. Ở đây có lời nguyền nên chẳng ai dám bén mảng, nhỡ đụng phải điều sai trái thì thần rừng trừng phạt chết.
Rồi Lung dẫn chứng về câu chuyện anh Lùng Bung Béo, vào rừng rồi bị phạt cách đây đã gần chục mùa rẫy. Trước đây Béo là một thanh niên khỏe mạnh, ban đầu chỉ chặt những cành củi khô ở bìa rừng về bán nhưng cả ngày miệt mài cũng chỉ kiếm được hai bó củi bé như bắp vai nên khi nghe người ta mách trong rừng sâu có bạt ngàn củi khô, Béo đánh liều vác dao đi vào.
Đúng như lời đồn, Béo không phải nhọc công mà chỉ loáng cái đã kiếm được hai gánh củi đầy. Gánh củi ra chợ bán được món tiền to nhưng thật lạ kỳ, ngay tối hôm đó, Béo cứ lớ ngớ, điên điên dại dại, miệng luôn lẩm bẩm những ngôn ngữ khó hiểu.
Rồi chả hiểu từ đâu, tin đồn Béo xâm phạm “rừng cấm”, bị "thần rừng" bắt tội cứ thế loang đi khắp bản trên, làng dưới khiến ai cũng kinh hãi. Có người không tin, tới nhà Béo xem thực hư thế nào, thấy anh ta cứ ngồi đần một chỗ, biểu hiện bất thường nên càng tin lời nguyền có thật.
Họ bàn tán ngoài chợ, đi nương và cả trong các buổi ra suối tắm của con gái bản. Gia đình Béo hoảng sợ, mời già làng, thầy bói về cúng để xin phép vào rừng cấm, lập lễ tạ lỗi với "thần rừng". Vài hôm sau, bệnh của Béo có đỡ hơn, song vẫn chưa trở lại bình thường.
Chuyện anh Béo vào rừng đốn củi về phải nhờ thầy mo cúng chưa kịp lắng xuống thì chưa đầy một tháng sau, cũng tại khu rừng này lại có một thanh niên vào rừng nhặt củi. Trong lúc lấy củi, anh này thấy bụng đau dữ dội, không nhịn được bèn ngồi xuống một gốc cây cổ thụ giải quyết “mâu thuẫn”.
Về tới nhà, anh này thấy như có người đang đạp trong bụng mình rồi toàn thân đau ê ẩm. Một ngày sau, anh trở nên điên khùng, không ăn đồ chín như mọi khi mà thay vào đó là nhặt những thức ăn vẫn còn sống như những con thú rừng đói khát.
Hai câu chuyện Lung kể khiến chúng tôi lạnh người, nhưng vẫn thấy có điều gì đó huyễn hoặc, bán tín bán nghi bởi chẳng lẽ thời đại người ta đặt chân lên sao Hỏa, sao Kim rồi mà vẫn còn có những chuyện thần thoại đến như vậy.
Thấy chúng tôi có vẻ không tin, Lung nói: “Không phải tôi muốn ngăn cản các anh vào bên trong đâu, những lời tôi kể đều là sự thật. Sợ các anh ở xa đến vào đó rồi về bị thần rừng trừng phạt thì khổ”.
Nói xong, Lung dẫn chúng tôi đến nhà ông Lùng Tà Chéng, một già làng còn lưu giữ truyền thuyết về “rừng Cấm” ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Ông Chéng từng là Bí thư Đảng ủy xã Dìn Chin, có thân hình gầy gò, nhưng đôi chân lại nhanh nhẹn, đặc biệt đôi mắt ông rất sáng và tinh tường.
Thấy có người lạ đến ông vui lắm, ông bảo từ khi thôi không còn làm bí thư nữa, ít người đến nhà chơi. Rót chén nước lá cây rừng mời khách, bằng tiếng Kinh khá sõi, ông Chéng đưa chúng tôi vào câu chuyện thần bí về “rừng Cấm” mà Lùng cũng chưa từng biết đến.
Ông bảo theo quan niệm của người dân thì "thần rừng" là vị thần linh thiêng che chở cho bản làng trong cuộc sống hằng ngày, thần chỉ trừng phạt những kẻ làm việc xấu, xâm phạm đến rừng và bất kính với thần linh.
Người vinh dự được làm lễ cúng "thần rừng" là già làng các bản có rừng cấm như bản Tả Gia Khâu; Cóc Cán; Cao Sơn; Lồ Sú Thàng…
Lùng Tác Lung kể về khu rừng cấm
Còn mãi rừng thiêng
Chưa dừng lại ở những câu chuyện mà ông Chéng kể, chúng tôi lại tiếp tục lang thang vào các bản làng lân cận để hỏi về khu rừng này. Người dân ở đây coi rừng là bạn, và rừng cũng là nguồn sống của bao thế hệ người dân bản nên khi nghe chúng tôi hỏi đến, ai cũng dùng những lời lẽ thành kính để kể về rừng.
Tôi hỏi vì sao lại phải dùng những lời thành kính với khu rừng, trăm người như một đều trả lời nếu nói sai sẽ bị thần rừng trách phạt, không làm ăn được, ngô sắn không lên, vật nuôi bị chết, con người thì điên loạn.
Chúng tôi trở về nhà ông Chéng lúc màn đêm đã bao trùm ngôi làng. Không gian chìm vào tĩnh lặng, ông Chéng mang một ghè rượu và xâu thịt trâu khô ra đãi khách.
Đêm về khuya, bên ngoài trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, khiến cho cái lạnh càng thêm sắc đậm, những cơn gió hoang vu của núi rừng len lỏi qua vách nhà. Bên bếp lửa cháy bập bùng, ông Chéng lại chậm rãi kể về những câu chuyện “huyền thoại”.
Câu chuyện đang kể dở bỗng bị gián đoạn bởi những tiếng hú kéo dài rồi tru lên liên hồi trong bóng đêm tĩnh lặng. Tiếng hú vang vọng vào vách đá của núi rừng rồi bật lại làm tôi rờn rợn sống lưng. Ông Chéng trấn an chúng tôi bằng những câu nói quá quen thuộc với người dân nơi dây.
Ông nói, đêm nay đàn sói về bản, chúng gọi bầy đi kiếm ăn đấy. Lâu rồi mới nghe được tiếng hú của đàn sói, đàn này cũng phải có hơn mười con. Tháng này sói về sớm, chắc sói lại làm điều gì khiến thần rừng giận nên không cho chúng thức ăn mới phải về bản.
Lần nào có sói về, dân bản cũng cho ăn nên chúng chẳng phá gì của dân cả. Sống gần trọn đời người bên rừng cấm, ông Chéng đã được chứng kiến rất nhiều đàn sói dạt về bản mỗi khi đói nhưng “giờ thì không còn nữa rồi”.
Theo ông Chéng thì nguyên nhân khiến sói ngày càng cạn kiệt là do “người lạ vào săn bắn hết. Duy nhất chỉ còn đàn sói hơn chục con sót lại, nếu không được người dân bảo vệ chắc rừng cấm cũng không còn sói nữa”.
Quay về câu chuyện ly kỳ của rừng Cấm, ông Chéng cười hiền bảo “tôi có kể cả tuần cũng không hết được chuyện đâu”. Như muốn chứng minh lời nói của mình là thật, ông Chéng kể một câu chuyện về sự thần bí linh thiêng của rừng cấm mà ông là người chứng kiến.
Vào những năm 70 của thế kỉ trước, có một cây cổ thụ trong rừng bị đổ gẫy, dân làng họp bàn và quyết định bán cây gỗ ấy cho một người có nhiều tiền dưới Lào Cai. Cây đã chặt hạ, nhưng khi vào rừng lấy gỗ ông này nổi lòng tham, chặt trộm thêm mấy cây cổ thụ nữa.
Về thành phố, ông ta thuê thợ dựng nhà sàn nhưng thật kỳ lạ là ngay từ đầu, việc dựng nhà đã không suôn sẻ. Trong tốp thợ đó, cứ vài ba ngày lại có người lăn ra ốm, không sốt, không đau, chỉ khi cầm dụng cụ xây nhà thì tay chân người nào, người nấy cứ run cầm cập, miệng lảm nhảm những câu khó hiểu. Đám thợ còn lại sợ quá bỏ việc không một lời giải thích.
Thấy lạ cho nhóm thợ nhà mình, người đàn ông này liền dò hỏi mới biết những điều kiêng kỵ về khu rừng cấm, song vẫn không tin vào những chuyện ma quỷ hoang đường. Ông ta tiếp tục thuê tốp thợ khác về làm và những người này cũng mắc bệnh tương tự.
Quá hốt hoảng, người mua gỗ này đành cho thợ phá dỡ căn nhà, đem bán số gỗ trên mỗi nơi một ít. Một gia đình ở xã khác không biết mua về làm nhà, đến lúc lên ở cứ đêm xuống lại nghe như có tiếng kêu lục cục, nỉ non.
Hoảng quá, gia chủ phải thuê thầy cúng về làm lễ, nhưng dù đã mời cả pháp sư cao tay về đuổi tà ma nhưng tiếng khóc ai oán hàng đêm vẫn vang lên não nề. Gia chủ chẳng còn cách nào khác ngoài việc phá dỡ ngôi nhà đem làm cầu cho dân đi. Không biết câu chuyện ông Chéng kể sự thật đến đâu, nhưng cũng làm chúng tôi cũng túa mồ hôi.
Sự linh thiêng, huyền bí hư hư thực thực đã khiến nhiều người dân dù có đói cũng không dám vào rừng nên cho tới tận bây giờ những người già sống đến bách niên tại bản Tả Gia Khâu cũng không biết bên trong rừng cấm có những gì.
Và những dấu tích cùng những câu chuyện mà bà con bản Tả Gia Khâu, Lồ Sú Thàng, Sín Pau Chải thuộc xã Dìn Chin huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai kể cho nhau nghe mãi là những điều bí ẩn.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%