Soi chốn ăn nghỉ khi đi công cán của Tổng thống Mỹ Obama
Chủ nhật, 12/04/2015 21:13

Người ta thường nghe rằng tổng thống Mỹ Barack Obama hay tiến hành các hoạt động ngoại giao ở những khách sạn xa xỉ nhất, tại nhiều điểm đến sang trọng.


Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố ông không thích ở trong các
phòng nghỉ quá sang trọng.

Thực tế thì không phải lúc nào Obama cũng ở các khách sạn hạng sang và bước chân lên thảm đỏ đón tiếp là chuyện chỉ có trong mơ. Thay vì thế, thứ đầu tiên Tổng thống Mỹ nhìn - và ngửi thấy - khi cửa kính chiếc xe chống đạn của ông hạ xuống là... rác.

“Không cần biết khách sạn đó đẹp tới đâu, 5 sao hay 1 sao, chúng tôi chỉ đi vào bằng cửa sau. Đó là lối đi nằm gần khu bếp, cạnh các thùng rác” - một trợ lý của Obama đã đi lại nhiều với ông cho biết - “Mùi hương ở những nơi đó không phải lúc nào cũng tuyệt vời”.

Chẳng được đón tiếp long trọng, Obama cũng không có cơ hội thụ hưởng các căn phòng Tổng thống với tầm nhìn rất đẹp mà nhiều khách sạn hạng sang đã để sẵn để dành cho những người như ông. Bất kỳ nơi nào mà một vị khách trong khách sạn có thể nhìn ra ngoài cũng đồng nghĩa với việc người ngoài có thể nhìn vào trong - và vì thế đã gây nên những đe dọa về an ninh.

“Tổng thống chẳng bao giờ nhìn thấy cảnh bên ngoài từ căn phòng khách sạn của ông” - người trợ lý nói - “Vì các lý do an ninh, ngay cả khi phòng ông không quay mặt ra phố, mọi tấm rèm đều phải buông xuống”.

Không khó hiểu vì sao các Tổng thống Mỹ thường phàn nàn về những bong bóng quanh họ - chỉ các lớp rào bảo vệ và đôi khi là các lớp trợ lý, cố vấn, vệ sĩ - đã ngăn cách họ với thế giới bên ngoài. Các “bong bóng” này theo chân Tổng thống Mỹ đi khắp nơi.

Đó là một đội báo chí đưa tin về nhất cử nhất động của ông và một đội an ninh, trợ lý có trách nhiệm bảo vệ, phục vụ ông. Đội ngũ khổng lồ này theo chân Tổng thống khi ông rời Washington đi công cán và ở trong các khách sạn.

Yahoo News đã tiếp xúc với một số người trong “bong bóng”, nhằm tìm hiểu đội ngũ hậu cần đã âm thầm chuẩn bị ra sao, để mọi chuyến đi của ông Obama đều diễn ra suôn sẻ.

Theo đó, khó khăn đã xuất hiện ngay từ khâu đặt chỗ. Một khách sạn cần phải có chỗ ở cho Tổng thống và đoàn tùy tùng đông đảo của ông, với số lượng có thể lên tới vài trăm người.

Hoạt động đặt chỗ bắt đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản mà du khách nào cũng phải trả lời, đó là khách sạn nào còn trống? Một cựu trợ lý của Obama nói: “Chúng tôi phải khảo sát tìm kiếm các khách sạn từ rất lâu trước khi có tuyên bố chính thức về nơi Tổng thống tới làm việc”.

Quan chức phụ trách công tác hậu cần phục vụ hoạt động công tác của Tổng thống sẽ liên lạc với một mạng lưới quản lý khách sạn, có quan hệ tốt với chính quyền Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Mạng lưới này gồm đại diện kinh doanh cả ở Mỹ lẫn thế giới của nhiều tập đoàn khách sạn lớn. Họ sẽ kiểm tra danh mục và xem khách sạn nào còn phòng trống.

Để đảm bảo nơi ở đáp ứng tiêu chuẩn dành cho Tổng thống, đội hậu cần của Nhà Trắng thường gửi đi một nhóm 40 người để chuẩn bị, 6 ngày trước khi ông thực sự tới nơi đó.

Nhóm chuẩn bị sẽ kiểm tra các cơ sở vật chất của khách sạn, xử lý các tình huống an ninh cần thiết và họ cũng phải đảm bảo khách sạn đủ chỗ trống cho đoàn xe Tổng thống, có thể tới 40 chiếc.

 Một trong những chuyến đi phức tạp nhất của Obama là lần ông viếng thăm vùng Gulf Coast ở Mỹ trong vụ tràn dầu dàn khoan Deepwater Horizon. Tổng thống không ở qua đêm, nhưng quyết định đi thị sát thảm họa được đưa ra đột ngột của ông đã khiến đơn vị hậu cần phải hủy bỏ lịch công cán nước ngoài được chuẩn bị rất lâu từ trước và gấp rút xây dựng một lịch trình làm việc ngắn hơn ở trong nước.

Tuy nhiên ngay cả việc tìm nơi ở cho nhóm chuẩn bị ở Louisiana cũng gặp nhiều khó khăn do công ty BP và cánh báo chí đã gần như đặt hết chỗ ở của mọi khách sạn, nằm cách điểm rò dầu chừng 90 phút chạy xe. Trong tình huống như thế, các khách sạn thường sẽ chấp nhận “đuổi” bớt khách để đón đoàn công tác.

Vài trợ lý của Obama cho biết ông luôn cần có 2 thứ tại nơi nghỉ của mình: Kênh thể thao ESPN và một phòng tập thể lực, nơi ông tới rèn luyện thân thể. Nếu một chỗ nghỉ không có 2 thứ này, người ta sẽ phải đi tìm nơi khác. Thời cầm quyền, George W. Bush cũng có nhu cầu tương tự.

Có một sự khác biệt lớn giữa Bush và Obama, đó là đội của ông Obama luôn tìm cách ở lại các khách sạn đã tham gia công đoàn, bất khi nào có thể. Ông Obama cũng không thích đặt chỗ nghỉ tại một khách sạn thuộc sở hữu của Sheldon Adelson, người ủng hộ nhiệt thành với đảng Cộng hòa.

Các trợ lý nói rằng Obama rất khoái khách sạn Hampton Inn gần sân bay ở Des Moines, Iowa. “Ông đã liên tục ở đó trong năm 2007, 2008... coi việc ở lại đó như để lấy may. Obama ở khách sạn này nhiều tới mức nhân viên phục vụ đã quen nếp ông. Khách sạn cũng thường xếp ông tại một căn phòng gần cửa ra để việc ông đến và đi không ảnh hưởng tới những vị khách khác.

Không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng ở các khách sạn siêu sang. Khi Obama ghé thăm Lawrence, Kansas vào cuối tháng 1 để bàn về chính sách kinh tế, ông đã ở tại khách sạn Holiday Inn. Giá phòng của khách sạn niêm yết trên Internet là 80,33 USD mỗi đêm và phòng Tổng thống của Obama thực tế chỉ là 3 phòng thường ghép lại. Chủ khách sạn Holiday Inn là Stephen Horton cho biết đoàn của ông Obama cũng không phải trả khoản phí như niêm yết mà thường thấp hơn, theo mức phí dành cho đoàn công tác của chính quyền.


Vào khách sạn bằng thảm đỏ là chuyện xa xỉ với các Tổng thống Mỹ. Họ thường
phải đi bằng lối cửa sau.

Obama thích ở khách sạn có giá bình dân không chỉ bởi lý do tiết kiệm tiền đóng thuế của dân. Hồi năm 2012, ông nói rằng mình không thích vào các khách sạn sang trọng. Tuy nhiên trong một lần dừng chân ở Las Vegas và ở trong phòng Tổng thống tại khách sạn Ceasars, ông đã choáng ngợp với sự sang trọng của căn phòng.

Cũng chẳng có gì để đảm bảo rằng Tổng thống Mỹ sẽ luôn nhận được sự đối đãi đẳng cấp 4-5 sao khi đi công cán, dù các chủ khách sạn thường tìm cách cải thiện công trình của họ khi biết ai sẽ tới nghỉ. “Sẽ không lạ nếu bạn đi lòng vòng quanh một khách sạn mà Tổng thống sắp tới nghỉ và ngửi thấy mùi sơn mới quét!” - một trợ lý của Obama nói. Đôi khi, như George W. Bush từng trải nghiệm trong chuyến công cán tới Nigeria hồi tháng 7.2003, ông đã phải mang theo giường khi ngủ trong khách sạn.

“Đó không phải là một khách sạn tốt. Vì thế khi tiến hành chuẩn bị, chúng tôi đã phải trò chuyện với quản lý, đề nghị thay đổi. Họ có trải thảm lại phòng Tổng thống, sơn lại nó. Nhưng chúng tôi vẫn phải mang theo một cái giường và đầy đủ chăn đệm để phục vụ Tổng thống” - một cựu trợ lý kể với Yahoo News.

Khách sạn chăm sóc tốt hơn cả đại sứ quán

Thường thì Tổng thống sẽ đến khách sạn bằng cửa ngách hoặc cửa sau, dưới sự giám sát an ninh chặt chẽ. Chiếc xe bọc thép của Tổng thống sẽ chạy vào một chiếc lều trắng cỡ lớn, có vai trò che giấu khi ông bước một quãng ngắn vào trong khách sạn.

Tổng thống và đội an ninh luôn dùng thang chở hàng để lên phòng. Chính quyền Mỹ đặt nguyên 3 tầng trong một khách sạn (Tổng thống ở tầng giữa) để đảm bảo an ninh. Phòng Tổng thống luôn mở cửa sẵn khi ông tới nơi.

Đôi khi tham dự các hội nghị quốc tế, thường diễn ra ở một số resort nghỉ dưỡng, Tổng thống Mỹ sẽ chọn ở tại một nơi biệt lập so với các lãnh đạo khác. Ví dụ tại hội nghị của NATO ở Wales, ông Obama đã ở tại một “túp lều dành cho thợ săn” tại resort Celtic Manor.

Không cần biết Tổng thống nghỉ ở đâu, sẽ luôn có một căn phòng nằm cạnh đó để ông thực hiện các hoạt động liên lạc có bảo mật và nghe thông báo vắn tắt tình hình công việc. Thường đây chỉ là một căn phòng khách sạn bình thường, bị gỡ bỏ toàn bộ đồ đạc bên trong và được trang bị một “căn lều” đặc biệt, với khả năng chống lại mọi hoạt động do thám hình ảnh, âm thanh, điện tử của tình báo nước ngoài.

Thời gian Tổng thống ở lại khách sạn, việc gọi phục vụ từ phòng của ông là điều bất khả thi, do nguyên tắc an ninh. “Nếu tôi gọi phục vụ từ một tầng đã được đảm bảo an ninh, tôi sẽ phải ra khỏi tầng đó và lấy thứ mình yêu cầu” - một trợ lý dưới thời Ronald Reagan kể - “Nếu Tổng thống đặt món ăn chẳng hạn, trợ lý sẽ không thể gọi cho tiếp tân khách sạn từ phòng của ông”.

Điều thú vị là đôi khi các khách sạn ở nước ngoài còn chăm sóc Tổng thống Mỹ tốt hơn cả các đại sứ Mỹ. Khi George W. Bush tới Peru vào tháng 3.2002, ban đầu ông có kế hoạch nghỉ tại tư dinh của đại sứ, người do cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ định. Nhưng vị đại sứ và vợ ông lo ngại hoạt động an ninh có thể khiến con mèo già của họ toi mạng nên đã đưa Bush vào ở một căn phòng còn trống trong sứ quán, trông rất buồn thảm, bất chấp việc vừa được trải thảm mới, lắp giường mới và sơn tường mới.

May thay, ông Bush đã không phải ở trong căn phòng này, nhờ một quả bom phát nổ gần đại sứ quán. “Ngay sau đó, chúng tôi quyết định rằng sẽ đưa Tổng thống tới ở khách sạn Marriott” - một cựu trợ lý cho biết.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Tong thong my Obama , Barack Obama