Sợi chỉ - mạng người
Thứ bảy, 30/11/2013 15:17

Phiên tòa hôm đó không có bất kì người thân nào của bị hại cũng như bị cáo.

Chú thích ảnh: Bị cáo Vương buồn bã ngồi trong phòng lưu phạm.

Chú thích ảnh: Bị cáo Vương buồn bã ngồi trong phòng lưu phạm.

Khuôn mặt Vương buồn bã, lâu lâu lại ngước về phía cửa với hy vọng bắt gặp ánh mắt người quen, nhưng vô vọng. Khi chúng tôi hỏi về người thân, mắt đỏ hoe, gã chia sẻ: “Ngay hôm xảy ra vụ án, tôi gọi điện về hỏi thăm thì hay tin vợ được chuyển vào bệnh viện để sinh. Từ ngày đó đến nay, tôi không biết con mình giờ ra sao”.

Tình bạn thân thiết

Lê Hồng Vương (SN 1984) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Ngay từ nhỏ, cha của gã đã bỏ đi để lại hai đứa con thơ. Lớn lên, gã không thể nhớ nổi mặt của đấng sinh thành. Khổ đau nhưng vì hai con, bà Lê Thị Hoa (mẹ Vương) nén nước mắt, xua bỏ những lời bàn tán, dị nghị của mọi người, hàng ngày vẫn đi làm thuê kiếm miếng cơm, manh áo. Tuy nhiên, đất Bình Định cằn khô, vài sào ruộng cùng công việc làm thêm không thể nuôi đủ ba kiếp người. Căn nhà dột nát, bà ao ước sửa lại mái tôn nhưng mãi vẫn không làm được. Lắm khi, ngồi nhìn mưa dột, nắng xiên mà lòng quặn thắt.

Dù muốn hai con được ăn học đến nơi, đến chốn, nhưng vì hoàn cảnh, khi Vương lên lớp ba, bà Hoa đành cho nghỉ học. Mỗi ngày, gã lại lon ton chạy sau, theo mẹ đến nhà người dưng để làm thêm kiếm tiền. Bước qua mười tuổi, gã trở thành người trụ cột trong căn nhà dột nát. Nhìn bóng dáng mẹ mỗi ngày càng còm nhom, lưng còng hơn, gã mong mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền để mẹ bớt khổ. Nhưng, chỉ mới lớn, không học hành, gã biết làm sao?.

Ngày sinh nhật tuổi 15, Vương nhẹ nhàng: “Con nghe mọi người bảo, Sài Gòn có lắm việc. Mẹ cho con vào đó kiếm tiền để đỡ đần”. Bà Hoa nhìn con, nước mắt rơi trên khóe mi: “Con còn nhỏ quá. Muốn đi đâu thì vài năm hẳn đi”. Gã nắm bàn tay mẹ, cố năn nỉ: “Con sẽ cố. Mẹ xem, cứ ở đây hoài biết lúc nào mới thoát khỏi cảnh nghèo, bữa đói, bữa no. Con sao cũng được, còn em út, nó phận gái, sống thế hoài sao được”. Nước mắt lại rơi, người mẹ gật đầu đồng ý.

Thế là, Vương xách ba lô bạc màu cùng đôi ba bộ áo quần nhàu nát vào vùng đất lạ. Vừa rời khỏi bến xe, gã đã tìm đến nhiều nơi để xin việc. Các ông chủ, bà chủ, thấy dáng người nhỏ thó, còi cọc của gã ái ngại lắc đầu. Cùng đường, gã xin một người lạ gọi điện thoại nhờ cho anh trong xóm ở quê đang làm việc ở thành phố.

Sau đó, theo chỉ dẫn, Vương đến huyện Nhà Bè, làm trong một xưởng may tư nhân. Căn nhà nằm trong hẻm sâu. Hầu hết, công nhân chỉ lớn bằng gã, thậm chí nhỏ hơn. Sáng sớm, mới mở mắt, gã đã làm việc. Đến trưa, nghỉ chừng mươi phút, ăn cơm xong, gã lại làm. Có hôm, gã làm đến 2,3 giờ sáng hôm sau. Cứ thế, gã chôn vùi gần chục năm trời tại xưởng may ấy. Khổ thật, nhưng mỗi tháng, gã nhận lương, gửi được hơn triệu về quê. Đối với đứa trẻ mới lớn, con nhà nghèo, chừng đó là quá lớn.

Thời gian trôi, bao lượt người đến rồi đi, riêng Vương vẫn tiếp tục làm tại xưởng may tư nhân ấy. Trong khoảng thời gian làm việc ở đây, còn có anh Nguyễn Nhật Trường (SN 1985, ngụ Nhà Bè, TP.HCM) và một người nữa tên Tr.. Ba người cùng cảnh ngộ nghèo khổ, sau những giây phút căng tròn mắt bên máy may lại trò chuyện về chuyện đời, chuyện người và chuyện nhà. Tình cảm ba người thân thiết lúc nào không hay. Chỉ biết rằng, hàng ngày, họ làm cùng nhau, đêm về lại ôm nhau ngủ.

Cách đây 5 năm, anh Trường bàn: “Bọn mình tuổi cũng lớn, cứ làm công, tháng vài triệu hoài sao đặng. Thôi thì ba đứa bỏ ra làm riêng xem có đổi số được không?”. Vương và Tr. cũng muốn làm theo lời bạn lắm nhưng vốn ở đâu? Họ ái ngại: “Nhưng mình không có tiền”. Anh Trường động viên: “Thì từ nay, cố gắng tăng ca nhiều hơn. Mỗi tháng, gửi tiền về nhà ít hơn vài trăm. Đôi ba tháng, bọn mình có đủ tiền mua mỗi đứa một cái máy may là được”.

Từ đó, cả ba nuôi mộng ra làm riêng. Tuổi trẻ, quyết chí là làm được. Chưa đầy nửa năm sau, ba người xin nghỉ, thuê một phòng trọ riêng để sống. Họ tự tìm mối rồi cùng may hàng. Từ ngày ra riêng, sống chung một phòng trọ, tình cảm của ba người lại càng thắm thiết. Họ tự cảm thấy thật may mắn vì sống bên nhau và kiếm được nhiều tiền hơn trước. Lắm khi, Vương nghĩ, đời mình thật may mắn khi gặp được hai người bạn này.

Cứ thế, từ năm này sang năm khác, tuổi đời cả ba người lớn dần. Theo qui luật cuộc đời, cả ba người đều có những mối tình riêng. Do ở nhà chung, họ vẫn đưa người yêu đi chơi cùng nhau. Thế rồi, cả ba đều lập gia đình. Ban đầu, họ vẫn thuê nhà ở chung nhưng vì bất tiện nên đầu tháng 10/2012, anh Tr. xin dọn ra ngoài. Sau đó, Vương cũng chuyển sang ở với em họ và vợ. Riêng vợ chồng anh Trường vẫn tiếp tục ở căn trọ cũ. Tuy nhiên, tình cảm thân thiết đã lâu nên Vương thuê nhà ở gần chỗ cũ để có gì anh em còn giúp đỡ lẫn nhau.

Mạng người rẻ rúng

Sau đó, sắp đến ngày hạ sinh, vợ Vương về quê Bình Định. Ở lại thành phố chỉ còn gã và em họ. Buồn vì nhớ vợ, hàng đêm, sau khi làm việc, gã vẫn thường sang nhà vợ chồng anh Trường chơi. Điều đáng nói, mặc dù đã dọn ra ở riêng nhưng thói quen ở chung vẫn còn lưu giữ trong trí nhớ, gã xem nhà anh Trường như chính nhà của mình. Cứ hễ, gã thích thì sang, không cần hỏi hang gì, kể cả đêm khuya. Đang làm việc, thấy thiếu vật dụng gì, gã lại sang, tự ý lấy.

Vợ chồng anh Trường cũng bực mình bởi: “Cái gì cũng phải bỏ tiền túi ra mua chứ có phải trên trời rơi xuống đâu”. Lắm khi, chị Huỳnh Thị Vân lại cằn nhằn chồng: “Anh Vương ra ở riêng gần nửa tháng rồi mà vẫn tự tiện như thế. Anh xem chừng nói anh ấy không lại mất lòng nhau không hay”. Nghe lời vợ, anh Trường nhỏ nhẹ: “Dẫu biết, hai đứa rất thân, có gì cần phải giúp đỡ nhau. Nhưng, bọn mình ra làm riêng, lại có vợ con, mày đừng hở tí gì lại sang nhà tao lấy thế”. Gã nhảy đành đạch, chửi mắng anh Trường lại còn dọa: “Mày mà còn nói thế, có ngày tao đâm chết”.

Anh Trường về kể lại mọi chuyện, thủ thỉ với vợ: “Hay vợ chồng mình kiếm chỗ khác thuê, anh cảm thấy sắp có điều không hay xảy ra”. Chị Vân tươi cười: “Anh ấy chỉ dọa thế thôi chứ tình cảm anh em thân thiết sao lại đâm chém nhau được chứ”. Vậy là anh Trường nghe lời vợ ở lại. Nhưng, vợ chồng anh không thể ngờ, lời dọa của người từng làm chung, ăn chung, ở chung lại thành hiện thực.

Chiều ngày 24/9/2012, Vương đang may túi xách gia công tại nhà thì hết chỉ đỏ nên bảo cô em họ sang nhà Trường xin một đoạn chỉ. 5 phút sau, cô em trở về đưa chỉ cho Vương nhưng dấm dẳng bảo: “Vợ chồng anh Trường nói sao anh không mua mà xin hoài”. Lời nói không bằng cách nói, nên khi nghe vậy Vương giận lắm liền điện thoại sang cho vợ chồng Trường hỏi chuyện.

Vương hỏi vì sao xin một đoạn chỉ mà nói những lời khó nghe như thế rồi cự cãi qua điện thoại. Thấy khó chịu về việc xin chỉ nên Trường cầm điện thoại và nói qua lại với Vương. Sau một hồi khẩu chiến, Trường thách thức Vương: “Mày có tin, chiều nay tao không cho mày làm ở đây luôn không?”. Nghe vậỵ, Vương tức giận lấy xe chạy qua nhà Trường. Thấy chiếc kéo cắt may nằm trên bàn, Vương tiện tay cầm theo.
Nghe tiếng xe máy quen thuộc của Vương, biết bạn đã đến, Trường cùng vợ ra trước cửa nhà “nghênh tiếp”. Vừa gặp mặt, hai người đàn ông tiếp tục cãi nhau. Vương vung tay đấm vào ngực Trường. Không vừa, Trường lao vào tính đánh lại nhưng được mọi người can ngăn nên bỏ vào nhà. Thấy trên bàn máy may nhà mình có cái kéo, Trường tính cầm ra đánh nhau với Vương nhưng được vợ ngăn lại nên thôi.

Lúc này, Vương sang nhà người quen ở đối diện nhà Trường ngồi uống nước. Chưa hả cơn giận, Vương kể lể và cố tình nói lớn tiếng để vợ chồng Trường nghe. Vậy là hai bên tiếp tục cự cãi. Hăng máu, Vương hùng hổ bước về phía Trường thì bị vợ anh này dùng mũ bảo hiểm đập trúng đầu. Hai người đàn ông xông vào nhau. Kẻ ghì, người kéo, bên ngoài Vân vẫn tấn công Vương bằng nón bảo hiểm. Buông không được, giữ chẳng xong, Vương dùng kéo đâm nhiều nhát từ phía sau vảo lưng, gáy và đầu của Trường làm cả hai ngă xuông bậc thềm trước cửa.
Nghe tiếng hét của người quen, Vương chợt bừng tỉnh. Gã vội buông kéo và lấy xe chạy về nhà. Chợt nghĩ Trường có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng, gã vội vã chạy sang nhà đưa cậu em đến bệnh viện. Tuy nhiên vì vết thương gây thủng phổi, nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu để lại ba đứa con thơ. Ngay sau đó, gã đã bị bắt.

Mới đây, tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Vương về tội giết người. Đứng trước vành móng ngựa, gã thừa nhận toàn bộ hành vi mình gây ra. Gã mong muốn được nhận sự khoan hồng của pháp luật, được giảm án. Nước mắt ngắn dài, gã cho biết: “Anh Trường là bạn thân thiết, tôi không có ý định sát hại, chỉ vì chút tức giận mới gây nên nông nỗi này”.

Mặc dù hối hận, thành khẩn khai báo nhưng hành vi của Vương đặc biệt nghiêm trọng, đem lại đau thương, mất mát cho người thân. Tòa sơ thẩm đã xem xét rất nhiều tình tiết giảm án. Trong phiên phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới nên tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án chung thân.

Huy Linh

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Lê Hồng Vương , Đâm chết bạn , TP.HCM , Giết bạn , Án mạng , Giết bạn chỉ vì sợi chỉ