Số phận bất hạnh của sản phụ nghèo có vết thương lúc nhúc dòi
Thứ bảy, 22/06/2013 17:34

Cũng vì nghèo Hà Thị Ngân phải chịu vết thương lúc nhúc dòi trong sự bất lực

Hà Thị Ngân vẫn mong manh giữa sự sống và cái chết

Hà Thị Ngân vẫn mong manh giữa sự sống và cái chết

Câu chuyện về sản phụ Hà Thị Ngân (1986, Hải Phòng) mắc chứng bệnh liệt não khi đang mang thai đến tháng thứ 8 mà không có điều kiện chữa trị đã khiến nhiều người thương cảm. Cũng vì nghèo Ngân phải chịu vết thương lúc nhúc dòi trong sự bất lực. Đến khi nhận được sự quan tâm của những tấm lòng hảo tâm thì ranh giới giữa sự sống và cái chết đã quá mong manh.

Bất hạnh dồn lên bất hạnh

5 năm sống chung với nhau như vợ chồng nhưng 4 tháng gần đây họ mới đăng ký kết hôn và chỉ 2 tháng sau ngày có cái giấy kết hôn thì phát bệnh. Đó là những con số ám ảnh với tôi khi biết về hoàn cảnh chị Ngân. Hà Thị Ngân sinh ra và lớn lên ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ngân mồ côi cha từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ông vĩnh viễn ra đi trong một vụ tai nạn thảm khốc. Lên 5 tuổi, đứa trẻ bất hạnh ấy thêm một lần nữa lại gánh nỗi đau  mất mẹ vì căn bệnh hiểm nghèo. Năm 13 tuổi, Ngân lầm lũi một mình xuống Hà Nội, Hải Phòng để làm thuê . Cô không chừa bất cứ việc gì từ rửa bát, dọn vệ sinh, bồi bàn, quét rác…miễn là có tiền.

Đến Hải Phòng, Ngân quen với chàng thanh niên Vũ Đăng Khoa (Hàm Nghi, Trại Chuối) và tình yêu giữa họ dần nảy nở. Hơn 5 năm, họ sống với nhau như vợ chồng. Mối tình ngọt ngào ấy cứ diễn ra trong sự vụng trộm mãi mà cũng không đi đến được hôn nhân. Chỉ đến khi cái thai trong bụng Ngân được vài tháng tuổi thì họ mới rục rịch đưa nhau về làm lễ cưới.

Ngày vui nhưng cô dâu ấy buồn khôn tả, không họ hàng thân thích, không cha mẹ, không có đến một người thân mà chỉ có thủ tục, giấy tờ được người cậu ruột làm giúp và chuyển theo ô tô từ Tuyên Quang xuống Hải Phòng.

Đám cưới ấy diễn ra trong lặng lẽ, dăm ba cái kẹo ngọt và độc một mâm cơm bên nhà chồng báo cáo với gia tiên để ra mắt cô dâu trưởng. Sau ngày cưới, chồng Ngân, anh Khoa mở một cửa hàng sửa chữa máy vi tính trên đường Thiên Lôi. Ngân thì mon men xin đi học nghề cắt tóc, gội đầu nhưng không thành công. Không công ăn việc làm Ngân ra phụ chồng trong quán sửa chữa máy tính hoặc trong khu phố ai thuê việc gì thì làm.

Những tưởng gia đình mới sẽ là nơi Ngân được bù đắp được hết những khoảng trống của sự bất hạnh đeo đẳng trong suốt hai chục năm qua ai ngờ tai họa lại tiếp tục ập xuống với.  Số phận người phụ nữ ấy trớ trêu hơn nữa khi cái thai trong bụng được 6 tháng. Sức khỏe của Ngân bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Cô bắt đầu có những biểu hiệu co giật khắp cơ thể. Mặc dù trước đó, Ngân hoàn toàn khỏe mạnh, không đau ốm. Gia đình đưa Ngân đến bệnh viện và được chuẩn đoán là bị viêm não.

Hơn 2 tháng mà có tới 5 lần Ngân phải nhập viện cấp cứu. Bà Lưu Thị Nhung (mẹ chồng chị Ngân) thở dài: “Mỗi lần đi viện, gia đình dốc cạn cả tiền của mà không biết làm thế nào. Khoảng thời gian vừa rồi, con dâu tôi đi viện như ăn cơm bữa, nhiều lúc bất lực nhìn con, nhìn đứa cháu trong bụng quằn quại mà xót xa”. Cái nghèo đã khiến gia đình nhà chồng có lúc buông xuôi. Bệnh nằm liệt giường nhưng Ngân không có người chăm sóc. Mỗi lần đi tiểu tiện không được vệ sinh cô bị viêm nhiễm vùng hông. Khi các bác sĩ ở bệnh viện Việt Tiệp tiến hành tiểu phẫu vết thương thì dòi đã bò lúc nhúc.

Người phụ nữ bán khoai Vũ Thị Hường

Được sư giúp đỡ của một số tổ chức từ thiện Hải Phòng, sản phụ Hà Thị Ngân được chuyển từ bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng) lên bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đến tối ngày 11/6 Ngân được đưa lên bàn mổ để lấy thai nhi. Bé trai sinh ra thiếu tháng được 2,1 kg, sau khi mổ sức khỏe của cháu chưa ổn định và được đưa xuống khoa nhi để nuôi trong lồng kính.

Chúng tôi tìm đến khoa Điều trị tích cực, BV Bạch Mai nơi Hà Thị Ngân đang nằm. Bà Nhung cho biết, từ khi mổ lấy cháu bé trong bụng ra đến giờ, chị Ngân vẫn trong tình trạng mê man triền miên. Chân tay và miệng co giật liên hồi, có những lúc phản ứng của Ngân mạnh quá bọt mép và rãi nhớt sùi ra rất nhiều. Lúc nào bên giường bệnh của chị Ngân cũng phải có bác sĩ và y tá túc trực để theo dõi và cùng người nhà giữ bệnh nhân.

Rổ bán khoai thành thùng từ thiện

Vào viện thăm Ngân, chúng tôi được gặp Vũ Thị Hường, một trong những người trực tiếp đứng ra xin giúp đỡ của những nhà hảo tâm để Ngân có tiền chữa bệnh. Tôi thấy Hường đứng ngoài cửa kính dõi vào giường bệnh rồi lặng lẽ khóc. Bác sĩ không cho cô vào thăm vì bệnh nhân đang trong giai đoạn hạn chế tiếp xúc với nhiều người.  Hường là người bán khoai dạo trong bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng). Sinh năm 1988 nhưng gương mặt Hường trông già rặn hơn với tuổi. Mới lần đầu gặp nhưng tôi cảm nhận được cái tâm trong đôi mắt, trong gương mặt và trong cả hành động của người phụ nữ ấy.

Có lẽ nỗi đau về sự mất mát tình cảm khiến cô không thể khoanh tay đứng nhìn hoàn cảnh khó khăn của chị Ngân. Cũng từng có một tổ ấm nhưng tổ ấm ấy cũng tan vỡ. Con của Hường cũng bị chết ngạt khi cô chuẩn bị đến ngày vượt cạn. Người chồng bỏ cô đi theo một người đàn bà khác. Không công việc, không gia đình, một thời gian dài bơ vơ, đau đớn về thể xác và tinh thần tưởng chừng như cô không trụ nổi.

Hường bắt đầu gượng dậy, bán hàng rong trong viện và cũng chính từ đây cơ duyên đã cho cô gặp được Hà Thị Ngân. Chứng kiến sự thương tâm của trường hợp chị Ngân, Hường  đã kêu gọi một số thành viên nữa đứng ra xin tiền giúp đỡ hoàn cảnh đặc biệt ấy.

Hường chia sẻ: “Thấy chị Ngân nằm ở khoa thần kinh, bụng mang dạ chửa mà cứ ngơ ngẩn, thậm chí không ý thức được gì. Chị Ngân lên cơn co giật liên hồi, thêm nữa lại có vết loét to ở bên hông mà người nhà bất lực vì không đủ tiền chữa chạy. Thấy  hoàn cảnh đáng thương quá nên tôi cùng chị Hương bán cơm cổng viện đi xin tiền mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người”.

Hường bảo: “Số của Ngân vẫn còn may mắn lắm! Khi cầm rổ đứng ở viện kêu gọi mọi người chẳng biết sao hôm đó viện lại đông người qua lại đến thế. Đôi lúc nghĩ, trông mình khỏe mạnh thế này lại tự dưng cầm rổ đi xin tiền cũng ngại nhưng mạng sống của hai con người đang chạy đua với cõi chết khiến tôi vứt bỏ sĩ diện mà cố gắng hết mình. Trong vòng vài giờ đồng hồ, con số quyên góp đã nhận được hơn 10 triệu đồng, trong mơ cũng không tưởng tượng nổi."

Những ngày sau đó, hội “Đồng hành cùng mẹ con chị Hà Thị Ngân” cũng được sáng lập. Dốc cả tấm lòng, bỏ cả công việc nhưng một số người lại nói ra, nói vào rằng việc làm ấy là để trục lợi. “Buồn lắm nhưng mình làm việc thiện, tâm mình hiểu thì ngại gì miệng lưỡi thế gian”, Hường nói.

Hường được hội cử đi lên viện với chị Ngân từ hôm Ngân lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Bỏ việc bán hàng, cô lên ở trọ cùng em ở khu Đại học công nghiệp Hà Nội. Hôm nào cũng vậy, cứ sáng bắt xe buýt ra từ Nhổn ra Bạch Mai rồi chiều tối lại về. Chỉ cần nhìn thấy sự tiến triển từng ngày, thấy Ngân được chăm sóc điều trị là cô cảm thấy hạnh phúc lắm. Mọi thông tin của hai mẹ con chị Ngân, Hường “cập nhật” liên tục về cho những người trong hội từ thiện dưới Hải Phòng. Hường bảo, hàng nghìn ánh mắt đang từng giờ, từng ngày dõi theo Ngân.

Tôi vô cùng cảm phục tấm lòng nhân ái, sự độ lượng ở con người tôi mới gặp lần đầu tiên này. Không máu mủ, chẳng ruột già, cũng chưa một lần nói chuyện với người bệnh nhưng hành động, tình cảm của Hường cùng những người bán cơm, bán bắp, bán khoai ở BV Việt- Tiệp đã khiến cho không chỉ tôi mà hàng ngàn người cảm động. Ở đâu đó trên đất nước này, còn rất nhiều số phận trớ trêu như Hà Thị Ngân và cần lắm những cánh tay của cộng đồng với trái tim biết chia sẻ như Vũ Thị Hường, như “đồng đội” của chị. Và, cuộc sống như thế mỗi ngày sẽ là một niềm vui.

Nguyễn Linh

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Hà Thị Ngân , Vết thương lúc nhúc dòi , Vết thương có dòi , Hải Phòng , Sản phụ vết thương có dòi