P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ được xem là phương tiện có khả năng giải mã bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không thế giới nhưng cũng bó tay trong việc tìm kiếm MH370.
Một chiếc máy bay trinh sát P-8 Poseidon đậu tại sân bay quốc tế Perth, miền tây nước Úc - Ảnh: Reuters |
Trong toàn bộ 20 máy bay và tàu thuyền tham gia tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích ở Ấn Độ Dương, máy bay trinh sát tối tân P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ được xem là phương tiện có khả năng giải mã bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù được mệnh danh là một trong những mẫu máy bay do thám hiện đại nhất thế giới, nhưng P-8 Poseidon vẫn không tìm ra tung tích của chiếc Boeing 777 chở theo 239 người, theo Reuters.
“Đây là lần đầu tiên tôi bay ở Ấn Độ Dương và rõ ràng đây là vùng biển hoang vu nhất mà tôi từng được thấy”, thiếu tá Hải quân Mỹ David Mims, người lái chiếc P-8 Poseidon tham gia tìm kiếm MH370, cho biết.
“Hiếm khi thấy một khu vực mà không có bất kỳ vùng đất nào, không thấy bất kỳ tàu thuyền nào như ở đây. Điều này thật kỳ dị”, anh này nói.
Mỹ đã điều động 2 chiếc Poseidon đến Úc để tham gia tìm kiếm. Với giá khoảng 175 triệu USD/chiếc, chiếc máy bay trinh sát quân sự này được trang bị camera điện quang thế hệ mới và thiết bị quét hình ảnh độ phân giải cao, được cho là có thể phát hiện được cả kính tiềm vọng của tàu ngầm.
Nhưng mặc dù được trang bị những thiết bị dò tìm tối tân, việc tìm kiếm tung tích MH370 chủ yếu vẫn được thực hiện bằng mắt thường, với các thành viên phi hành đoàn nhìn xuống mặt biển qua cửa sổ, Reuters cho hay.
“Tôi là một người rất lạc quan. Nhưng vụ này thiệt tình là rất khó khăn", hạ sĩ Michael Herman nói với Reuters khi đang ngồi trước ô cửa sổ máy bay P-8 Poseidon, nhìn xuống mặt biển.
Hai chiếc Poseidon của Hải quân Mỹ được một đội đặc nhiệm vũ trang phản ứng nhanh bảo vệ nghiêm ngặt 24/24.
Chiếc máy bay này được bảo mật chặt đến nỗi phóng viên Reuters mặc dù may mắn được phép vào bên trong máy bay nhưng lại không được mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào và bị cấm chụp hình.
Công nghệ trang bị bên trong máy bay trông rất ấn tượng, theo Reuters.
Ngồi trước 2 màn hình máy tính, hạ sĩ Julio Cerpa điều khiển một camera chụp toàn cảnh 360 độ có khả năng phóng to các vùng tìm kiếm trên biển với độ nét cực cao.
Một trong 2 màn hình thể hiện ảnh quay hồng ngoại của camera nói trên, cung cấp cho người điều khiển tầm nhìn xuyên qua màn mây bao bọc quanh máy bay.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm kiếm bằng camera, một số thành viên phi hành đoàn cũng được giao nhiệm vụ ngồi ngay ô cửa sổ để tìm máy bay mất tích.
Cuộc tìm kiếm kết thúc sau 10 tiếng bay, tính luôn thời gian bay đến khu vực tìm kiếm, theo phóng viên Reuters.
Hiện Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Trung Quốc và Hàn Quốc đang lùng sục một khu vực rộng khoảng 319.000 km2, cách cảng Perth (Úc) khoảng 1.850 km về phía tây.
Cho đến nay, các vật thể tình nghi là mảnh vỡ MH370 mà đội tìm kiếm quốc tế thu hồi từ vùng tìm kiếm chỉ là thiết bị đánh cá và rác.
Cuộc tìm kiếm cũng đã bị hoãn một vài lần vì thời tiết quá xấu, theo Reuters.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?