Sáp nhập MobiFone-VinaPhone vướng Luật Cạnh tranh
Thứ bảy, 24/03/2012 11:03

Chiếm hơn 55% thị phần viễn thông di động nếu MobiFone - VinaPhone sáp nhập, đề án tái cơ cấu VNPT có thể vi phạm Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, luật này cũng có quy định miễn trừ đối với trường hợp đặc biệt.

Theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp không được thực hiện tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50%. Trong khi đó, Sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Như vậy, với việc nắm giữ đến hơn 55% thị phần viễn thông hậu sáp nhập MobiFone-VinaPhone, đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có thể vướng luật Cạnh tranh.

Đề xuất sáp nhập MobiFone-VinaPhone có thể vướng luật Cạnh tranh. Ảnh: X.N

Trao đổi với báo chí tại cuộc hội thảo "Chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp" tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23/3, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, doanh nghiệp có phương án sáp nhập phải tuân thủ quy định của luật Cạnh tranh. Song điều này miễn trừ cho một số trường hợp như: một trong các bên tiến hành sáp nhập có nguy cơ phá sản hoặc việc hợp nhất, sáp nhập giúp mở rộng xuất khẩu, mang lại lợi ích, tiến bộ cho khoa học và xã hội.

Trong trường hợp sau khi sáp nhập, doanh nghiệp nắm giữ hơn 50% thị trường liên quan thì phải làm thủ tục miễn trừ trình lên Cục Quản lý cạnh tranh và Chính phủ. Người ra quyết định cuối cùng là Thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cho rằng, thị phần không là tiêu chí duy nhất để xem xét trong đề xuất sáp nhập của MobiFone và VinaPhone. Sức mạnh cạnh tranh sau đó, năng lực tiếp cận thị trường và cơ hội cho doanh nghiệp mới... đều là những yếu tố phải quan tâm. Bởi theo ông, thị phần có thể thay đổi qua từng năm, quan trọng là sự quản lý, theo dõi, giám sát của Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương và Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Là người từng khảo sát, đánh giá tình hình tại Tập đoàn VNPT, ông Đặng Quốc Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, việc MobiFone và VinaPhone là 2 cơ quan con thuộc VNPT nhưng lại đầu tư phát triển theo 2 hướng khác nhau, sử dụng hạ tầng khác nhau là rất lãng phí. "Đây là 2 thương hiệu cung cấp cho khách hàng trong cùng một tập đoàn, không thể đầu tư 2 mạng chạy song song theo 2 hướng", ông Tiến nói.

Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ.

Kế đó, tháng 6/2011, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đã đề xuất 3 phương án tái cấu trúc là sáp nhập VinaPhone và MobiFone; cổ phần hóa một trong hai mạng di động trên hoặc cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn. Tuy nhiên, trong phương án mới nhất trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT chỉ đề xuất duy nhất một phương án là sáp nhập dù điều này dẫn tới việc tạo ra một mạng chiếm 55% thị phần trên thị trường viễn thông, vi phạm luật Cạnh tranh.

Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Tập đoàn VNPT cho biết, trước khi xây dựng đề án, đơn vị này đã nghiên cứu kỹ luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, phương án sáp nhập MobiFone-VinaPhone được cân nhắc kỹ và dựa trên quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông cho biết thêm, việc sáp nhập này là mong muốn của doanh nghiệp. Còn thực thi phụ thuộc vào sự xem xét và quyết định của Chính phủ. "VNPT có thể xây dựng 2, 3, thậm chí 10 phương án. Nhưng Thủ tướng quyết định thế nào, VNPT sẽ thực hiện như vậy", vị này khẳng định.

Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, đề án tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam sẽ được xem xét trên nhiều khía cạnh. Đó là Nghị định 25 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật viễn thông, Luật Cạnh tranh, đảm bảo môi trường cạnh tranh của thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp... và quan trọng nhất là quyền lợi của người tiêu dùng. Vị này cũng cho hay, hiện, Bộ chưa đưa ra xem xét hay phê duyệt bất kỳ phương án của VNPT. "Đề án tái cấu trúc của VNPT sẽ được Bộ trình lên Chính phủ. Người ra quyết định cuối cùng là Thủ tướng", ông nói.

VNE
Tag: Mua bán sáp nhập , MobiFone , VinaPhone , Tái cơ cấu VNPT , Luật cạnh tranh , Tái cơ cấu doanh nghiệp