Săn lùng tài sản các “ông vua không ngai Ả Rập”
Thứ sáu, 10/08/2012 10:14

Chỉ sau 28 ngày nổi dậy của nhân dân Tunisia, tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali và gia đình chạy qua Ả Rập Saudi tị nạn bằng máy bay chở theo 1,5 tấn vàng.

Bà Leila Ben Ali, “Imelda Marcos của thế giới Ả Rập”. Ảnh: EFE

Bà Leila Ben Ali, “Imelda Marcos của thế giới Ả Rập”. Ảnh: EFE

Nói chính xác, người đem vàng ra khỏi Tunisia là bà Leila Ben Ali, đệ nhất phu nhân Tunisia. Nhật báo Pháp Le Monde dẫn nguồn tin tình báo Pháp, tiết lộ một tuần trước khi chế độ ông Ben Ali sụp đổ, bà Leila đến ngân hàng trung ương chỉ thị ông thống đốc ngân hàng giao cho bà 1,5 tấn vàng thỏi trị giá gần 60 triệu USD. Lúc đầu, ông thống đốc cự tuyệt nhưng sau khi tổng thống Ben Ali đích thân can thiệp, ông đành tuân lệnh.

Bà Leila và gia đình bà dùng máy bay chở vàng đến thành phố Jeddah, Ả Rập Saudi. Sau đó, ông Ben Ali cùng với con cái và bà con dòng họ cũng bay đến Ả Rập Saudi tị nạn.

Imelda Marcos của thế giới Ả Rập

Leila Ben Ali là đệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất trong thế giới Ả Rập về lối sống xa hoa, tiêu tiền như nước, ăn mặc toàn đồ hiệu, thích lái xe hơi thể thao (gia đình bà có hơn 50 chiếc), thường đi mua sắm ở Dubai, mỗi lần tiêu hàng trăm ngàn USD. Bởi lẽ này, bà có biệt danh là “Imelda Marcos của thế giới Ả Rập”.

Bà Leila còn có một biệt danh khác là “Marie Antoinette của Tunisia” với những sở thích kiêu kỳ. Ví dụ, bà thường sai người ở lấy máy bay riêng đến St. Tropez, thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của giới siêu giàu ở Pháp, mua kem và các món ăn xa xỉ chở về dinh thự của bà ở bãi biển Tunisia.

Leila Trabelsi (tên thời con gái) là vợ thứ 2 của ông Ben Ali. Từ một cô gái làm nghề uốn tóc, một bước trở thành đệ nhất phu nhân. Bà Leila có đến 10 anh chị em và hàng chục đứa cháu. Dòng họ Trabelsi nổi tiếng tham nhũng nhất xứ, dùng thế lực của tổng thống Ben Ali chi phối các ngành ngân hàng, kinh doanh bất động sản, các hệ thống siêu thị lớn, ngành viễn thông, truyền thông, hải quan... Nói chung, truyền thông trong nước coi bà Leila là biểu tượng của tham nhũng ở Tunisia, tham tàn hơn cả chồng.

Năm 2008, đại sứ Mỹ ở Tunisia bí mật báo cáo về Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “vợ của Ben Ali và gia đình bà ta khiến dân chúng Tunisia căm phẫn nhất”. Bức công điện này đã bị rò rỉ trên website WikiLeaks hồi năm ngoái.

Gian nan thu hồi tài sản bất hợp pháp

Cũng giống như các nhà độc tài vùng vịnh Ba Tư, rất khó xác định tài sản bí mật của Ben Ali và gia đình vơ vét được trong 23 năm cầm quyền. Năm 2008, tạp chí Forbes ước tính tài sản ông này là 5 tỉ USD. Tuy nhiên, theo ông Sami Ramadi, Chủ tịch Hội Minh bạch Tài chính Tunisia, tài sản của cựu tổng thống Tunisia có thể lên đến 17 tỉ USD.

Cái khó nhất đối với chính phủ Tunisia - cũng như chính phủ các nước Libya, Ai Cập... sau “Mùa xuân Ả Rập” bắt đầu từ cuộc “Cách mạng Hoa Lài” ở Tunisia - hiện nay là xác định được nơi cất giấu tài sản và thủ tục pháp lý để thu hồi số tài sản bị cướp.

Sau khi ông Ben Ali từ chức ngày 14/1/2011, chính phủ lâm thời Tunisia thành lập hồi tháng 11 năm ngoái đã bắt đầu chiến dịch thu hồi tài sản bất minh của vợ chồng ông Ben Ali. Nhiều công ty và bất động sản của 114 người thân của ông Ben Ali đã bị tịch thu. 33 thành viên của gia đình Ben Ali bị bắt lúc vượt biên.

Ngày 18/7 vừa qua, Thủ tướng Hamadi Jebali tuyên bố: “Chúng tôi đã tịch thu một máy bay của gia đình Ben Ali (chiếc Falcon 900 trị giá 15 triệu USD) và một biệt thự ở Canada, đang làm thủ tục thu hồi 28 triệu USD của bà Leila Ben Ali ký gửi trong một ngân hàng ở Beirut (Lebanon)”.

Tuy nhiên, việc thu hồi 60 triệu francs Thụy Sĩ của gia đình Ben Ali gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ đang làm cho Tunisia mất kiên nhẫn mặc dù Chính phủ Thụy Sĩ tỏ ra rất tích cực. Theo Tunisialive, trong chuyến viếng thăm ngoại giao Thụy Sĩ ngày 29/5 vừa qua, tân Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki than phiền Thụy Sĩ cố tình trì hoãn việc trả lại tài sản của Ben Ali bằng cách gắn liền với vấn đề người Tunisia nhập cư bất hợp pháp. Đó là đối với một nước sẵn sàng hợp tác với Tunisia. Đối với các nước vùng Vịnh như Qatar, UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Ả Rập Saudi - nơi các chuyên gia tài chính Tunisia cho rằng chứa chấp khối tài sản lớn nhất của gia đình Ben Ali và vợ - tình hình rõ ràng bi đát hơn.

Ngoài chuyện bị săn lùng tài sản, vợ chồng ông Ben Ali còn bị tòa án trong nước xử vắng mặt 35 năm tù về tội rửa tiền và buôn lậu ma túy vào ngày 20/6/2011. Một năm sau, ông Ben Ali tiếp tục bị xử vắng mặt 20 năm tù về tội kích động bạo lực và giết người. Trong gần một tháng biểu tình chống tổng thống và gia đình ông Ben Ali, đã có 338 người chết và 2.147 người bị thương, hầu hết do bị lính chính quyền ông Ben Ali bắn.

NLĐ
Tag: Vàng , Tài sản , Vua chúa , Tị nạn , Tham nhũng