Rước bệnh vì nghiện tập thể dục
Thứ tư, 23/12/2015 10:32

Đến khi đi khám bệnh bà mới tá hỏa vì bác sĩ nói bà bị thoái hóa khớp, đau nhức tăng do đi bộ quá nhiều. Bác sĩ còn khuyên nên cắt giảm thời lượng luyện tập kẻo đột quỵ.

Dù đã gần 60 tuổi nhưng ngày nào bà Chung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đi bộ mấy vòng hồ, có hôm đi tới 2 lần. Sở dĩ bà đi nhiều như vậy là bởi sau khi nghỉ hưu bà tăng cân nhanh chóng.

“Đi càng nhiều càng tốt”, bà Chung nghĩ vậy nên sáng, chiều nào bà cũng đi bộ mà tính tổng cộng có đến cả chục cây số.

Ở nhà bà Chung cũng luôn cố vận động trong mọi trường hợp. Bà cứ luôn chân luôn tay đi khắp nhà, đến bữa ăn bà cứ đứng lên liên tục đi lấy cái này cái kia, bà bạn đến chơi bà cũng không ngồi yên một chỗ mà hết đi lấy nước uống, trái cây, lại đi lấy cái nọ khoe cái kia… Thấy bà đi lại nhiều, mọi người can ngăn thì bà giải thích ngồi một chỗ nhiều không tốt phải thường xuyên đi lại cho khỏe.

Dù mọi người có khuyên bà tuổi cao không nên đi lại quá nhiều nhưng bà bỏ ngoài tai. Và sau khoảng nửa năm bà liên tục tập luyện, cân nặng thì không giảm, nhưng bà thấy đau gối, đau chân. Hai đầu gối bà càng ngày càng đau nhức.

Rước bệnh vì nghiện tập thể dục - Ảnh 1

Tập thể dục cũng cần điều độ. Ảnh minh họa.

Đến khi đi khám bệnh bà mới tá hỏa vì bác sĩ nói bà bị thoái hóa khớp, đau nhức càng tăng do cường độ đi bộ quá nhiều. Bác sĩ còn khuyên bà nên cắt giảm ngay thời lượng luyện tập kẻo đột quỵ.

Hiện tượng vào viện vì nguyên nhân chăm tập thể dục như kiểu bà Lý không phải là ít, người thì quá ham tập tennis nên đau ống cổ tay, người chạy bộ quá nhiều có thể giãn tĩnh mạch chân, người có bệnh tim mạch huyết áp vẫn chăm tập các bài mất sức có thể bị đột quỵ…

Tập thể dục cũng cần điều độ

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là người có tuổi và người đang mắc các bệnh, thì trước khi tập loại thể dục nào bạn nên có sự tư vấn, hướng dẫn của huấn luyện viên, hay các tư vấn chuyên khoa.

Theo TS. Heather Gillespie (Bệnh viện Đại học Thể thao Mỹ): “Thể dục là một hình thức tuyệt vời giải tỏa căng thẳng. Nhưng tập thể dục quá mức lại gây ra hậu quả nặng nề là stress, chấn thương, gãy xương, rút cơ bắp”.

Lợi ích của thể dục điều độ rõ ràng là to lớn, giúp người ta sống lâu hơn, dẻo dai hơn, hấp thụ năng lượng tốt hơn. Khi tập quá nhiều sẽ dẫn tới rối loạn bài tập biểu hiện bằng rối loạn ăn uống bởi chúng ức chế cơn đói khiến cơ thể mệt mỏi, hấp thu dinh dưỡng kém. Hệ lụy tiếp theo là ức chế tinh thần gây âu lo căng thẳng.

Và khi tập luyện, cần lưu ý vận động đủ ngưỡng. Thời gian tập quá lâu hoặc tập vào thời điểm không thích hợp, thì sẽ là vượt ngưỡng khiến cơ thể mệt mỏi ra rời, sinh ra stress, ốm đau.

Theo khuyến cáo của Viện Sức khỏe Tim mạch Hoa Kỳ thì những người khỏe mạnh, dưới 65 tuổi có thể tham gia các môn bơi lội, earobic, đi bộ, tennis, thời gian mỗi lần tập là 30-60 phút.

Với những môn thể thao nhẹ nhàng (bơi, đi bộ) có thể đều đặn tập thường xuyên. Với những bài tập mất nhiều sức, đòi hỏi thể lực tốt (chạy, nâng tạ, aerobic) thì nên tập khoảng 20 phút/lần, 2-4 buổi/tuần.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học tại Hội đồng tập thể dục San Diego (Mỹ), thời gian thực hiện bài tập nên tuân thủ nhịp sinh học của con người.

Theo đó, chỉ nên tập sau khi ăn hai tiếng vì như vậy sẽ tránh hại dạ dày và không nên tập buổi trưa, tối muộn và khuya. Những lúc thể trạng không khỏe cũng nên tạm thời ngưng tập nhất là các bài tập mất nhiều sức lực vì lúc này cơ thể cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Rước bệnh vào người , Nghiện tập thể dục , Bí quyết khỏe mạnh