Nhiều người tin rằng thịt thằn lằn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, tráng dương bổ thận.
Thịt thằn lằn có tác dụng bồi bổ sức khỏe |
Thời gian gần đây, với quan niệm trong thịt thằn lằn chứa nhiều protein có công dụng bồi bổ sức khỏe, tráng dương và trị được bệnh (?!), mốt ăn thịt thằn lằn bắt đầu nở rộ ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Không ít người còn kỳ công đặt mua bằng được thằn lằn núi vùng Tây Ninh về để bồi bổ cho đức lang quân như phương thuốc hữu hiệu kiểu "một người khỏe, hai người vui".
"Thần dược" tự nhiên…
Thịt thằn lằn là món khoái khẩu của dân nhậu vùng Tây Ninh. Ở vùng núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) có loài thằn lằn núi được nhiều người biết đến và tin rằng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, tráng dương bổ thận.
Nhiều người tin vào công dụng thần kỳ của loại thằn lằn tự nhiên nên đã cất công nhờ người quen mua bằng được loại thằn lằn này để bồi bổ cho đức lang quân. Chị Nguyễn Thị Phương (Cán bộ Cty in và dịch vụ ngân hàng, Hà Nội) cho rằng: "Ăn thường xuyên thịt thằn lằn núi sẽ có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực. Sở dĩ có công dụng thần kỳ ấy là bởi loài thằn lằn núi chỉ ăn các loại quả rừng, uống những giọt sương núi nên thịt của nó sạch, thơm ngon, bổ dưỡng có thể dùng để chế biến nhiều món khác nhau. Nếu không tìm được thằn lằn núi thì loại thằn lằn thường cũng được, chúng vừa ăn côn trùng vừa ăn trái cây, thịt chắc khỏe nên cũng tốt cho sức khỏe".
Nhiều người còn cho rằng nếu dùng thịt thằn lằn nấu cháo cho trẻ em thì có công dụng bổ dưỡng rất tốt. Trên diễn đàn mạng, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ kinh nghiệm về chế biến thực phẩm với thịt thằn lằn. Những topic có tiêu đề như: cháo thằn lằn bổ dưỡng cho trẻ em, thịt thằn lằn bổ dưỡng sức khỏe... xuất hiện khá nhiều trên một số diễn đàn.
Công dụng “bổ thận tráng dương” của thịt thằn lằn chưa hề được khoa học kiểm chứng, tất cả chỉ qua lời đồn thổi. Ảnh: PV
Gần nửa triệu 1 ký…
Nhiều bà vợ còn truyền tai nhau cách chế biến thằn lằn thành món chiên giòn chấm với nước mắm me hoặc chế món chả đùm làm từ thịt thằn lằn núi nhằm "bồi bổ" cho quý ông.
Chị Nguyễn Thị Nga (112/15 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Theo kinh nghiệm dân gian, thịt thằn lằn nấu cháo cho trẻ ăn để chữa gầy yếu, biếng ăn, xanh xao, chậm lớn, hen suyễn. Tùy lứa tuổi của trẻ mà mỗi ngày cho trẻ dùng nửa con đến một con. Để chữa khí kết làm tắc đường tiết niệu, tiểu ra máu, sưng âm vật, dương vật, khớp xương sưng đau, lấy thằn lằn 1 con, đốt tồn tính, tán bột, rây mịn, rồi uống với rượu mỗi lần 4-12g, ngày 2-3 lần là khỏi". Trên diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm của các bà mẹ, thành viên có nickname nhimcon cũng viết: "Trước đây con tôi từng bị bệnh hen suyễn, gầy yếu và ăn rất ít. Tôi đã cho cháu dùng nhiều loại thuốc Tây y nhưng bệnh ít thuyên giảm. Nghe người quen làm Đông y mách là bắt thằn lằn làm thịt cho cháu ăn sẽ rất tốt. Mỗi ngày ăn nửa hay một con tùy theo tuổi".
Từ món khoái khẩu của dân nhậu vùng Tây Ninh, bây giờ thịt thằn lằn bỗng thành bài thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khỏe và nhanh chóng lan ra nhiều vùng trên cả nước. Tuy thằn lằn có kích thước nhỏ, thân mảnh, đầu hình mỏ chim với vảy môi trên có từ 11 - 12 cái nhưng giá của nó cũng vì lời đồn công dụng bồi bổ sức khỏe mà "sốt" theo, đắt gấp đôi, gấp ba so với giá thịt bò.
Trên một trang web giới thiệu chuyên cung cấp thịt thằn lằn núi chính gốc Tây Ninh thì giá 1kg thịt thằn lằn đông lạnh (đã mổ bụng và bỏ ruột) dao động từ 350.000 - 400.000 đ; thằn lằn giống cũng được rao bán với giá 15.000 - 20.000 đ/con. Riêng thằn lằn thịt, còn sống được rao bán với giá tới 400.000 - 500.000 đ/kg nhưng cũng rất ít có hàng, phải đặt trước mới có. Trên trang web này có đầy đủ địa chỉ, điện thoại thuộc huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh nhưng nhận giao hàng trên toàn quốc.
Thực hư bài thuốc tịch dịch trong dân gian
Theo sách của cố GS Đỗ Tất Lợi, một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng: Thằn lằn, còn gọi là rắn mối, tên khoa học là Mabuya sp, thuộc họ thằn lằn bóng Scincidae. Theo cố giáo sư Đỗ Tất Lợi thì ở Việt Nam có ba loài thằn lằn bóng gồm thằn lằn bóng hoa, thằn lằn bóng đuôi dài, thằn lằn bóng Sape. Thằn lằn bóng (dân gian thường gọi là thằn lằn) có hình dáng giống cá cóc, nhưng thân vững chắc, cổ rõ ràng, đuôi hình trụ thon dài. Chi dài và khỏe, đầu gối của chi sau không hướng sang bên như cá cóc mà hướng về phía trước. Chi trước và chi sau đều có 5 ngón. Vỏ da thằn lằn có vảy sừng, đầu có nhiều tấm vảy lớn đối xứng ghép sát nhau và thân có vảy nhỏ tròn xếp lên nhau như vảy cá. Ngón có vuốt phát triển. Tuyến da chính thức thiếu làm da thằn lằn rất khô. Nhờ có màng phôi đặc biệt, thằn lằn sinh sống hoàn toàn ở cạn. Vào mùa hè thằn lằn ra kiếm ăn từ lúc Mặt trời mọc tới lúc Mặt trời lặn, buổi trưa chui vào chỗ râm ở bụi cây để tránh nắng. Mùa đông thằn lằn trú trong hang, chỉ ra vào những ngày nắng ấm và vào lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày là buổi trưa. Dựa vào đặc tính sinh hoạt của thằn lằn, người ta câu thằn lằn ở những nơi và vào những giờ chúng hay đi lại. Người ta chủ yếu bắt thằn lằn sống về làm thịt ăn nhưng hiện cũng chỉ mới biết trong thằn lằn có protit ăn được, còn trong thịt thằn lằn có chất gì đặc biệt để chữa bệnh hay không thì chưa rõ.
Loài thằn lằn núi Gekko ulikovskii được phát hiện vài năm gần đây ở vùng núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), được nhiều người cho là có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực hơn cả. Thằn lằn núi Bà Đen có hình dạng to hơn hẳn thằn lằn thông thường, thức ăn chính của nó là những trái sung chín có sẵn trên núi, sống trong những khe núi. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường bắt thằn lằn vào mùa hè lúc nắng ấm. Đem về lột da, mổ bụng, bỏ hết lòng ruột, rửa sạch, dùng sống hoặc phơi, sấy khô làm thực phẩm hoặc dược liệu. Dược liệu chế từ thịt thằn lằn trong y học cổ truyền có tên là tịch dịch, có vị mặn, tính bình, có tác dụng bồi bổ, trừ cam tích, thông niệu, tiêu viêm...
Săn bắt kiểu tận diệt
Tuy khoa học hiện đại mới chỉ phát hiện trong thịt thằn lằn chứa nhiều protit chứ chưa phát hiện được chất nào có công dụng hữu hiệu trong việc tráng dương, bổ thận, "tăng cường bản lĩnh đàn ông"; Nhưng những bài thuốc "kinh nghiệm" vẫn cứ lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và đi kèm với nó là nạn săn bắt tràn lan theo kiểu tận diệt. Rất có thể đến một ngày nào đó, thằn lằn chỉ còn trong lời kể !
Theo bác sĩ Phí Thái Hà (Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ) trong Đông y: Thằn lằn chủ yếu được dùng để chế thành vị thuốc chữa bệnh liên quan đến việc làm tiêu u bướu, khơi thông tà khí… "Tuy nhiên, công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường bản lĩnh đàn ông thì không rõ ràng. Ngay cả trong kinh nghiệm dân gian thì thịt thằn lằn cũng chỉ chủ yếu để chế vị thuốc. Thực tế, thằn lằn rất ít thịt nên giá trị dinh dưỡng không nhiều. Nếu so sánh về dinh dưỡng thì thịt cóc còn bổ dưỡng hơn...", bác sĩ Hà cho hay. Theo lời khuyên của bác sĩ Hà thì không nên khuyến khích việc ăn thịt thằn lằn bởi loài này bản chất ăn côn trùng như ruồi, muỗi, trong khi hiện có rất nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác an toàn hơn.
Lương y quốc gia Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm không nên khuyến khích việc ăn thịt thằn lằn. "Lý do đơn giản là không đúng bệnh thì không nên ăn linh tinh để nhằm "tăng cường cái này" hay "trị cái kia". Việc ăn uống lung tung có thể dẫn đến những nguy cơ mắc bệnh khác.Việc rộ mốt ăn thằn lằn với hy vọng tráng dương, bồi bổ sức khỏe cũng tương tự như mốt uống lá cây chó đẻ răng cưa hay mốt ăn nhện cách đây vài tháng. Đây chủ yếu là do tâm lý đua nhau mà thôi..." Lương y Trần Văn Quảng khuyến cáo.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?