"Rắn thần" tại Hà Tĩnh: Mê tín dị đoan?
Thứ tư, 09/05/2012 19:55

Sáng ngày 9/5, hàng trăm người đã tập trung tại thôn Tân Quang (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để tham dự lễ khánh thành miếu thờ rắn. Rất nhiều người đến thắp hương, cầu nguyện để xin “thuốc” chữa bệnh. Vụ việc càng ngày càng diễn biến phức tạp.

Từ sáng sớm, không chỉ dân làng Tân Quang mà còn có hàng trăm người từ các làng xã kế bên đã đổ về sân bóng thôn Tân Quang để tham dự lễ khánh thành miếu thờ và rước “ngài rắn” (theo như cách gọi của người dân) sang thờ.

Ngôi miếu mới xây xong khá hoành tráng, nằm sát bên trạm điện Tân Dân. “Rắn thần” được bỏ lê một chiếc khay nhựa, đặt sau bàn thờ nghi ngút khói hương và lễ vật, hòm công đức.

Hàng trăm người đã tập trung tại thôn Tân Quang (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để tham dự lễ khánh thành miếu thờ rắn

Phía trước miếu là hai chiếc rạp bằng khung sắt lớn cũng đã được dựng lên, đủ để chứa cả nghìn người.

Bà H., một người dân trong làng cho biết, từ ngày hôm qua đã diễn ra lễ chuẩn bị cho việc khánh thành miếu.

“Rắn thần” được rước đi xung quanh làng. Đến sáng sớm nay, mọi người trong làng đều dậy sớm, ngừng việc ra đồng để đến tham dự.

Những người đến tham dự nghi lễ, ngoài việc thắp hương, kính cẩn trước “ngài” thì còn đến để xin thuốc về chữa bệnh. “Ngài thiêng lắm, nghe nói có thể cho thuốc chữa bệnh nên mẹ con tôi đến từ sáng để xin thuốc”, một phụ nữ cho biết.

Sau gần 1 tháng xuất hiện, đến nay người dân ở đây không còn gọi là rắn thần hay xà linh nữa, mà đã đặt tên cho con rắn này là “ngài thánh mẫu xà tiên”?!

Cảnh lộn xộn diễn ra làm náo động cả một vùng quê, thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, không thấy có sự xuất hiện của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Một số người dân vẫn đang kể cho khách nghe những câu chuyện kỳ bí có phần thêu dệt.

Trẻ con cũng tò mò

Ông Hà Phan, một già làng cho biết, sáng nay phải có đến cả nghìn người đến tham dự, không chỉ trong làng mà còn từ các địa phương khác đến. Đặc biệt là có sự tham gia của một người chuyện nghiên cứu tiềm năng con người ở Hà Nội về tham dự.

Trao đổi với chúng tôi, ông này nhận định, đây là con rắn kỳ lạ, không biết có phải thần thánh gì không nhưng thấy rắn biết nghe và làm theo lời con người. Bản thân ông này đã trực tiếp chứng minh ?!.

“Mê tín dị đoan”

Đáng chú ý, sự việc xảy ra đã gần 1 tháng nhưng mãi khi báo chí thông tin thì chính quyền huyện và các cơ quan chức năng ở huyện Can Lộc mới nắm được. Ngày 4/5, ông Bùi Huy Tam, chủ tịch UBND huyện mới biết qua phản ánh của phóng viên và nói là sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra.

Cảnh lộn xộn diễn ra làm náo động cả một vùng quê, thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, không thấy có sự xuất hiện của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Lúc này sự việc đã xảy ra 20 ngày, người dân đã tiến hành xây miếu, tuyên truyền quảng bá thông tin huyền bí khiến sự việc thêm phức tạp.

Hầu hết lãnh đạo cao nhất ở huyện Can Lộc đều nhận thức được đây là hoạt động mê tín dị đoan nhưng vẫn chưa thể dẹp bỏ hoặc tìm biện pháp để xử lý triệt để.

Ông Bùi Đức Hạnh, Bí thư huyện uỷ Can Lộc nói: Chúng tôi đã biết từ lâu (?) và đã chỉ đạo các lực lượng xuống dẹp bỏ hoạt động này. Đó chỉ là con rắn nước bình thường.

Còn ông Trần Sơn, Trưởng CA huyện Can Lộc cho biết: Chúng tôi đã cho lực lượng xuống nắm tình hình, phối hợp với xã để tìm biện pháp xử lý. Có việc xuất hiện con rắn nhưng nhiều người vin vào đó để hoạt động mê tín dị đoan.

Hướng sắp tới là tiếp tục phối hợp với xã, cán bộ văn hoá để tuyên truyền vận động. Nếu thấy những biểu hiện không cần thiết thì chỉ đạo dẹp bỏ”.

Ông Đào Xuân Trình, Phó trưởng Công an huyện Can Lộc thì cho biết, đây hoàn toàn là hoạt động mê tín dị đoan. Đó là con rắn bình thường chứ không phải thần thánh gì.

"Chúng tôi đã làm việc với xã để tập trung chỉ đạo dứt điểm hoạt động mê tín này. Còn việc xây miếu mới này là làng Tân Quang khôi phục miếu cũ nhưng chưa có sự đồng ý của xã. Chúng tôi đang báo cáo lên lãnh đạo huyện kiến nghị huy động các lực lượng khác để tuyên truyền vận động sớm dẹp bỏ hoạt động này" - ông Trình nói.

Theo ghi nhận, đến khoảng 10h30, sau khi làm lễ khánh thành xong, ông Hà Phan có thông tin lại với chúng tôi, một số cán bộ xã Tùng Lộc đã đến và yêu cầu dỡ bỏ rạp che và một số hình ảnh, bảng ghi lý lịch con rắn.

Ông Phan khẳng định, việc xây miếu là xây mới hoàn toàn để phục vụ cho việc thờ phụng rắn, chứ không phải tôn tạo miếu cũ. Bởi ngôi miếu cũ của làng nằm cách đó 300m.

VNN
Tag: Rắn thần , Hà Tĩnh , Mê tín , Tín ngưỡng , Xã hội , Can Lộc