Bị đưa ra xét xử về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lê Đăng Lưu, nguyên GĐ Công ty CP Hợp tác đầu tư quốc tế, trụ sở tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bất ngờ xuất trình được biên bản giám định pháp y tâm thần.
|
Vụ án được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, và mới đây, CQĐT Bộ Công an đã làm sáng tỏ những tình tiết về biên bản mà Lê Đăng Lưu đã xuất trình.
Lừa… giỏi đến thế là cùng!
Năm 2011, vụ án Lê Đăng Lưu cùng 2 đồng phạm, là 2 bố con Đinh Hùng Quảng (SN 1957), Đinh Hồng Giang (SN 1985), trú tại TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đinh Hùng Quảng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghệ mới, nhưng thực chất, nghề nghiệp chính của người đàn ông này là… thợ nề tự do. Nắm được nhiều người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Quảng lên kế hoạch lừa đảo. Đối tác để Quảng phối hợp thực hiện các hành vi phạm pháp chính là con trai ông ta, Đinh Hồng Giang, thợ điện nước tự do. Quảng làm thủ tục thành lập Công ty CP Tập đoàn Công nghệ mới, địa chỉ tại thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Công ty này đăng ký tới 20 ngành nghề kinh doanh, song thực tế hoạt động rất ít.
Bị cáo Lê Đăng Lưu che mặt khi PV chụp ảnh trong phiên toà hồi tháng 3/2011
Sau khi lập công ty, Quảng cùng với Lê Đăng Lưu và một số đối tượng đã đi mua hoặc tự in nhiều loại giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến xuất khẩu lao động, rồi mở lớp dạy nghề, học tiếng Hàn Quốc, tổ chức chỗ ăn, ở nội trú… Đặc biệt, các đối tượng ra sức quảng cáo về mối quan hệ với các quan chức ở Bộ LĐ-TB&XH và tung thông tin “tuyển gấp người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc thời gian 2-3 năm, mức lương khởi điểm từ 800-1.000USD/tháng, chưa kể tiền làm thêm”.
Nộp hồ sơ và tiền đặt cọc cho “tập đoàn lừa đảo” Quảng - Lưu, có người lao động còn được phát mũ, áo quần đồng phục in tên hãng “Daewoo”
Cơ quan tố tụng xác định, trong hai năm 2006 và 2007, hai bố con Quảng, Giang đã chiếm đoạt số tiền gần 7 tỷ đồng. Còn Lê Đăng Lưu chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng.
Tình tiết bất ngờ
Phiên xử nhóm Lưu, Quảng, rất đông bị hại có mặt. Song điều bất ngờ là việc bị cáo Lê Đăng Lưu đột nhiên xuất trình biên bản giám định pháp y tâm thần ngày 16/11/2011, trong đó thể hiện Lưu bị “bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loại tâm thần và hành vi bệnh có mã số F31.2; Bị cáo bị bệnh từ khoảng năm 2004; Trước, trong khi phạm tội, bị cáo hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Ngày 9/3/2012, Viện KSND Tối cao đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xem xét biên bản giám định nêu trên của Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương.
CQĐT đã xác minh, làm việc với các cơ quan, cá nhân gồm đại diện Trạm Y tế phường Thạch Linh (Hà Tĩnh - quê của Lê Đăng Lưu); bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh; bệnh viện Tâm thần Trung ương I, CAP Thạch Linh - TP. Hà Tĩnh, và bà Nguyễn Thị Nga - vợ Lê Đăng Lưu… Kết quả cho thấy, những bản nhận xét và giấy chứng nhận tâm thần được sử dụng trong hồ sơ giám định tâm thần cho bị can Lưu ghi ngày 18/10/2011 đều do bà Nga - vợ Lưu - đi “nhờ” cơ quan y tế xác nhận theo… sự hướng dẫn của luật sư bào chữa cho Lưu. Những tài liệu này không phải do TAND TP. Hà Nội và Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương thu thập trong quá trình giám định tâm thần đối với bị can Lưu.
Về các giấy chứng nhận tâm thần ghi ngày 18/10/2011 và bệnh án tâm thần tại cộng đồng ghi ngày 11/5/2011 của Trạm Tâm thần Hà Tĩnh đối với Lê Đăng Lưu, đại diện lãnh đạo Trạm Tâm thần thừa nhận chưa bao giờ khám cho Lưu. Giấy chứng nhận và bệnh án trên được lãnh đạo trạm “lập khống” theo đề nghị của một cán bộ Trạm Y tế phường Thạch Linh, để từ đó được nhận “bồi dưỡng” hơn 600.000 đồng.
Trước những căn cứ này, CQĐT Bộ Công an kết luận: “Từ tháng 4/2010, bị can Lê Đăng Lưu mới có hồ sơ bệnh án về bệnh tâm thần, thời gian trước đó không có. Vì vậy, có cơ sở khẳng định trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (năm 2007-2008), bị can Lưu không bị bệnh tâm thần cho nên bị can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi phạm tội…”. CQĐT cũng nhận định, Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương sử dụng những tài liệu không phải do cơ quan giám định và cơ quan đề nghị giám định thu thập làm tài liệu giám định tâm thần đối với bị can Lê Đăng Lưu là không đúng quy định của pháp luật, thiếu khách quan…
Liên quan đến hành vi phạm pháp của Lê Đăng Lưu, theo thông tin của PV, ngày 8/3/2012, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận hồ sơ vụ việc làm giả giấy xác nhận 13 tỷ USD tại một ngân hàng có chi nhánh trong TP. Hồ Chí Minh; với nội dung: bà Đ.T.A.H - Giám đốc doanh nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh được người bạn giới thiệu với một người tự xưng là Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để xin vay vốn. Trong quá trình vay vốn, bà H. đã đưa cho ông Minh gần 750 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tự xưng là Minh đã đưa cho bà H. một số tài liệu bản photocopy, trong đó có giấy xác nhận số dư 13 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, bà H. vẫn chưa nhận được tiền vay, còn người đàn ông tên Minh luôn tìm cách né tránh. Qua xác minh, người đàn ông này chính là Lê Đăng Lưu. |
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar