Quái đản: Tận diệt đuôi voi để làm nhẫn “cầu may”
Thứ ba, 27/11/2012 11:59

Không biết nhẫn lông đuôi voi có đưa lại may mắn không, nhưng nhiều con voi nhà đã bị chặt cụt đuôi, vặt trụi lông vì niềm tin quái đản này.

Du khách thật khó để biết đâu là thật, đâu là giả

Du khách thật khó để biết đâu là thật, đâu là giả

Tận diệt đuôi voi để làm trang sức

Đến Đắk Lắk du lịch, hỏi mua lông đuôi voi và các sản phẩm liên quan đến lông đuôi voi không khó. Chỉ cần đặt vấn đề với tài xế taxi, hoặc xe ôm, bạn sẽ nhanh chóng được hướng dẫn đến các cửa hàng kim hoàn, các cửa hàng lưu niệm ngay tại trung tâm TP.Buôn Ma Thuột. Nhận thấy món hời từ mặt hàng lông đuôi voi, các cửa hàng lưu niệm, các khách sạn ở TP.Buôn Ma Thuột đã nhập hàng về để bán cho du khách.

Trên đường Phan Bội Châu, cửa hàng bán đồ lưu niệm K.H. bày bán nhan nhản nhẫn bạc lông đuôi voi. Bên trong nhẫn rỗng ruột, phía vòng ngoài được khoét loang lổ để hiện ra phần đen đen bên trong được nói là lông đuôi voi.

Chiếc nhẫn rẻ nhất là 50 nghìn đồng, giá cao hơn tùy số lượng bạc. Tương tự, nhẫn vàng có giá từ 400 nghìn đồng. Cửa hàng cũng bán sợi lông voi dài bằng ngón tay, đựng trong túi ni-lông với giá 100 nghìn đồng.

Chủ cửa hàng khoe về sự may mắn:“Đeo nhẫn này thì may mắn, tiền tài và sự nghiệp đều đến, mọi thứ hanh thông. Tặng nhẫn cho người yêu thì người đó mãi yêu mình. Còn để lông đuôi voi trong ví tiền thì tiền tiêu không hết, đi đường được an toàn”. Tại cửa hàng lưu niệm T.L. - đường Phan Châu Trinh, chủ cửa hàng cũng quảng cáo rất kêu: “Lông đuôi voi đã mang lại may mắn mà còn chữa được bệnh”.

Cách TP.Buôn Ma Thuột 50km, tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn), cửa hàng lưu niệm L.K. bán một chiếc lông đuôi voi cứng ngắc dài từ 7–20cm với giá 400–600 nghìn đồng, sợi lông ngắn hơn, mỏng, nhỏ có giá mềm hơn. Còn nhẫn bạc có giá 50–300 nghìn, nhẫn vàng có giá từ 400 nghìn. Hỏi nguồn gốc lông đuôi voi, chủ cửa hàng cáu gắt, đảm bảo đó là lông đuôi voi thật, khách hàng không cần biết về nguồn gốc. Đối diện với L.K. là cửa hàng lưu niệm H. cũng bán vô số lông đuôi voi, nhưng ngắn hơn, tủn mủn và ít hấp dẫn. Giá lông đuôi voi ở các cửa hàng lưu niệm khá thống nhất. Ngoài ra, một số nài voi cũng sẵn sàng vặt lông đuôi voi để bán cho du khách.

Đắk Lắk chỉ còn 51 con voi nhà, gồm H.Buôn Đôn 30 con và H.Lắk 21 con, tuy nhiên, có con bị trộm chặt cụt đuôi, số còn lại bị cắt khi lông dài bằng ngón tay. Nhìn những chiếc đuôi voi không có lông, xơ xác thật thảm thương. Với số voi ít ỏi như vậy, mà nguồn lông đuôi voi vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của khách!

Những chú voi ở Đắk Lắk bây giờ trụi lông đuôi vì… nhu cầu quái đản của các vị khách ngồi trên lưng

Lông đuôi voi "mọc" sừng trâu

Khách du lịch khó nhận ra lông thật. Một nài voi lâu năm cho hay, nài voi không bao giờ hại voi của mình là bán lông đuôi voi. Chỉ có người kinh doanh lấy sừng trâu chẻ nhỏ, và chuốt cho láng bóng rồi ngâm hóa chất để trông như lông voi thật. Sau đó họ dùng keo dán sắt dán vào đuôi voi đã phơi khô. Cứ thế, lông voi thật và giả lẫn lộn. Chủ cửa hàng đồn thổi là lông đuôi voi nhập khẩu từ Lào, Thái Lan. Nếu khách hàng không tin thì được cho xem tận mắt cái đuôi voi khô với vài sợi lông, nhưng không có cơ sở nào để khẳng định.

Tất cả các cửa hàng đều “thề thốt” lông voi xịn, và hướng dẫn cho khách cách phân biệt lông thật và lông giả: Sợi lông đốt có mùi khét như tóc cháy là thật, hoặc lông chẻ được làm đôi là lông thật. Khách đến du lịch đều mua phải lông voi giả làm quà “may mắn” cho người thân, bạn bè.

Ông Đàng Năng Long, Giám đốc Khu du lịch Hồ Lắk, cho biết: “Mang nhẫn lông đuôi voi để may mắn là một thú chơi huyễn hoặc không chấp nhận được”. Ông Long hiện sở hữu 7 con voi nhà, nói: “Nếu mang lông đuôi voi may mắn thì gia đình tôi may mắn nhất. Lúc chưa có thú chơi này, voi nhà ông có lông đuôi dài đến 40cm quét sát mặt đất. Nhưng nhiều năm nay, ông phải cắt lông đuôi voi mỗi năm một lần, dù đuôi cụt lông không đuổi được côn trùng, làm tổn hại sức khỏe voi rất nhiều, nhưng còn hơn để trộm chặt đứt đuôi voi".

Ông Đàng Năng Long vẫn tức tưởi khi nhắc đến voi H’Tuk. Hồi tháng 3/2010, hai tên trộm “mật phục” trong rừng nửa đêm chặt luôn đuôi của H’Tuk. Sau khi bị chặt đuôi, H’Tuk trở nên khó bảo. Tháng 7/2010, cũng nhóm trộm trên đã nhổ trộm 200 sợi lông đuôi voi của ông Y Per Eung (TT.Liên Sơn, H.Lăk), đã lãnh án tù, nhưng hậu quả để lại cho những chú voi không bù đắp được. Ông Long kể, trong ngày xét xử những kẻ chặt trộm đuôi voi, đồng loại voi ở hồ Lăk rống lên khác thường.

Bất hạnh nhất là voi Pắc Kú của Công ty Du lịch Thanh Hà (H.Buôn Đôn) đã bị chém hơn 200 nhát vào ngày 17/10/2010, sống đến tháng 2/2011 thì tử vong. Vụ mưu sát với mục đích giết voi để trộm đuôi và ngà. Đến nay, hung thủ chém voi Pắc Kú vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Năm 2008, K’Tưc, con trai của một nài voi ở Buôn Đôn đã cột thuốc nổ vào đuôi voi của nhà mình để lấy lông đuôi mang bán. Mới đây nhất, ngày 25/8/2012, tại rừng Vườn quốc gia Yok Đôn, hai con voi một đực, một cái đã bị thợ săn thảm sát để lấy ngà và đuôi.
Từ xưa, voi là con vật thân quen, được người bản địa tôn thờ, làm lễ cúng khi nhập buôn cho voi rừng vừa bắt được, lễ cúng đặt tên voi hay mua bán voi… Lễ vật gồm rượu cần, heo quay. Sự tôn thờ đó đã đưa voi đến vị trí con vật thiêng liêng. Rồi từ vật thiêng, voi trở thành mặt hàng kinh doanh không thương tiếc của các con buôn. Khách du lịch đến Buôn Đôn mua nhẫn đuôi voi để cầu may, khiến những chú voi nhà ngày càng trở nên còm cõi.

Quảng Hà
Tag: Voi nhà , Nhẫn lông đuôi voi , Voi rừng , Voi Buôn Ma Thuột , Đắk Lắk , Du lịch